Mở đường cho xe buýt để đảm bảo hành trình

Bước sang năm Đinh Dậu 2017, ngành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM sẽ có những giải pháp gì để nâng tầm hiệu quả hoạt động? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi đầu Xuân với ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM), về vấn đề này.
Mở đường cho xe buýt để đảm bảo hành trình

Bước sang năm Đinh Dậu 2017, ngành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM sẽ có những giải pháp gì để nâng tầm hiệu quả hoạt động? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi đầu Xuân với ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM), về vấn đề này.

- PHÓNG VIÊN: Trước hết, ông có thể khái quát đôi nét về thành quả hoạt động của ngành VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố trong năm vừa qua?

- Ông TRẦN CHÍ TRUNG: Cho đến nay, trên địa bàn thành phố đang có 142 tuyến xe buýt do 25 doanh nghiệp vận tải tham gia vận hành, trong đó 107 tuyến xe buýt có trợ giá và 35 tuyến xe buýt không trợ giá. So với năm 2015, tính ra đã tăng 2 tuyến có trợ giá và 4 tuyến không trợ giá.

Đường Trường Chinh, một trong những tuyến đường ở TPHCM có thể thí điểm tổ chức làn ưu tiên hoặc làn dành riêng cho xe buýt. Ảnh: CAO THĂNG

Trong năm qua, các tuyến xe buýt có trợ giá đã vận chuyển được 259,2 triệu lượt hành khách, xe buýt không trợ giá vận chuyển 67 triệu lượt hành khách. Có 383 xe buýt thuộc 7 doanh nghiệp vận tải tổ chức đưa rước học sinh cho 141 trường học của 17 quận, huyện; đáp ứng nhu cầu đi lại của khoảng 44.000 học sinh mỗi ngày. Có 70 phương tiện đưa rước công nhân theo hình thức hợp đồng có trợ giá cho 23 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. Về phương tiện, số lượng hoạt động trong năm qua là 2.985 xe, tăng 199 xe so với năm trước đó.

Trung tâm cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp vận tải lắp đặt camera trên 1.443 xe buýt của 45 tuyến, lắp đặt rao trạm trên gần 1.000 phương tiện, gần 100 xe buýt có wifi. Phần mềm Busmap hỗ trợ hành khách tìm tuyến xe buýt phù hợp trên điện thoại di động cũng đã có hơn 157.000 lượt tải về và mỗi ngày có hơn 21.000 lượt người sử dụng.

Trung tâm điều hành trực tuyến cũng được đưa vào vận hành, bước đầu trang bị 12 màn hình để giám sát trực tuyến trên các tuyến xe buýt có trợ giá thông qua dữ liệu giám sát hành trình, từ đó góp phần cải thiện trật tự VTHKCC bằng xe buýt.

Một bãi giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách đi xe buýt được tổ chức tại Trạm điều hành xe buýt Sài Gòn (thuộc Khu B Công viên 23 Tháng 9, quận 1). Trong năm qua, nơi đây đã nhận giữ miễn phí xe 2 bánh khoảng 60.000 lượt, bình quân 164 lượt/ngày.

- Có những giải pháp đáng chú ý nào để phát triển VTHKCC trên địa bàn thành phố trong năm mới 2017, thưa ông?

- Chỉ tiêu khối lượng VTHKCC đề ra cho năm nay là 600 triệu lượt, tuy nhiên Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt 640 triệu lượt. Đề có thể làm được điều ấy, một loạt giải pháp sẽ được triển khai. Chẳng hạn như trong giải pháp về mạng lưới tuyến, chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp vận tải và các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh lộ trình ở một số tuyến xe buýt một cách khoa học với mục tiêu là giảm trùng lắp, tăng tính kết nối liên thông mạng lưới, mở rộng khả năng phục vụ người dân.

Đối với giải pháp về đầu tư phương tiện, trung tâm tập trung triển khai hoàn thành Đề án đầu tư 1.680 phương tiện mới giai đoạn 2014-2017 theo Quyết định số 2545/QĐ-UBND và Quyết định số 4456/QĐ-UBND của UBND TPHCM. Đặc biệt, trong năm 2017 tiếp tục thực hiện việc thay thế xe buýt mới gắn với việc phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, xe buýt có sức chứa phù hợp với điều kiện đường sá, mật độ giao thông ở khu vực nội đô và nhu cầu đi lại của người dân.

Trong khi đó, loạt giải pháp liên quan đến cơ sở hạ tầng phục vụ xe buýt, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, Sở TN-MT trong việc bố trí quỹ đất xây dựng các bến xe buýt, thay thế các điểm đầu cuối đang sử dụng tạm lòng lề đường. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các điểm trung chuyển phục vụ cho hệ thống VTHKCC liên thông và thuận tiện. Nghiên cứ lắp đặt mới các nhà chờ, trạm dừng tại những vị trí có nhu cầu để thuận tiện cho hành khách.

Đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ, một số biện pháp đáng chú ý bao gồm hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera, rao trạm trên các phương tiện xe buýt còn lại. Tiếp tục khai thác, phát triển hệ thống quản lý xe buýt BMS từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera để tiến tới nghiệm thu khối lượng thực hiện tự động và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ…

- Theo ông, đâu là mấu chốt để giải bài toán phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố?

- Chúng tôi cho rằng trước hết tự thân ngành xe buýt phải đổi mới, điều này là cần thiết và thành quả trong năm qua đã chứng tỏ điều đó. Thế nhưng trong tình hình giao thông như lâu nay, thật khó để xe buýt vận hành đúng giờ, trong khi đúng giờ là vấn đề quan trọng hàng đầu nếu muốn thu hút hành khách đến với loại hình vận tải công cộng này. Vì thế có thể nói rằng, giải quyết cho xe buýt đảm bảo giờ giấc vận hành, tức giải quyết tiền đề cho xe buýt thành phố phát triển, suy cho cùng chính là giải quyết bài toán giao thông đô thị; thế nhưng cũng có thực tế rằng có những khó khăn, vướng mắc nhưng lại nằm ngoài thẩm quyền, chức năng của chính ngành giao thông, chẳng hạn như vấn đề dân nhập cư quá lớn hay vấn đề xe máy, ô tô đăng ký mới liên tục gia tăng…

Nói cách khác, xe buýt thành phố đang cần được mở đường, cần có những làn đường ưu tiên để đảm bảo thời gian hành trình. Trong chiều hướng này và qua khảo sát, thành phố có thể thí điểm tổ chức làn ưu tiên hoặc làn dành riêng cho xe buýt trên các tuyến đường như: Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Chinh…

- Xin cảm ơn ông.

 Vài con số về cơ sở hạ tầng của xe buýt TPHCM

 Trước nhu cầu và khuynh hướng gửi xe 2 bánh để chuyển tiếp sang sử dụng xe buýt ngày càng tăng như hiện nay, Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC đang phối hợp với các cơ quan chức năng và bộ phận liên quan lập thủ tục đề xuất tổ chức thêm bãi giữ xe 2 bánh miễn phí cho hành khách chuyển tiếp sang đi xe buýt. Các bãi đang trong “tầm ngắm” là tại Công viên Gia Định thuộc quận Gò Vấp, Trạm điều hành xe buýt Chợ Lớn thuộc quận 6 và bãi đậu xe buýt Bình Khánh thuộc huyện Nhà Bè.

- Diện tích bến bãi dành cho hoạt động VTHKCC hiện còn rất thiếu khi chỉ đạt 31% so với quy hoạch. Toàn thành phố mới có 81 vị trí điểm đầu, điểm cuối của các tuyến xe buýt; trong đó có 34 vị trí mang tính ổn định lâu dài, còn 47 vị trí sử dụng tạm lòng lề đường để bố trí xe buýt đậu.

- Địa bàn thành phố hiện có 4.226 vị trí trạm dừng xe buýt, trong đó có 498 nhà chờ xe buýt; 2.295 trụ dừng xe buýt; 119 biển treo trạm dừng xe buýt và 4.151 ô dừng xe buýt. Số vị trí trạm dừng xe buýt như vậy tính ra đã tăng 92 vị trí so với cuối năm 2015.

- Thời gian qua, Trung tâm Quản lý và điều hành VTHKCC đã chủ động phối hợp với các quận, huyện rà soát tìm quỹ đất phù hợp làm điểm đầu cuối tuyến xe buýt. Đang lập thủ tục xin giao đất tại các vị trí như khu vực cầu Kinh Lộ, đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè); vị trí bãi đậu xe bên trong khuôn viên Khu dân cư Kỷ Nguyên (quận 7); vị trí khu đất cổng sau Khu công nghiệp Linh Trung 2 (quận Thủ Đức); Bến Súc  và An Nhơn Tây (huyện Củ Chi); Công viên dạ cầu Sài Gòn (quận 2).

THIỆN NHÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục