Bến xe đầu mối chưa khai thác hết công năng

TPHCM hiện đang tồn tại một số bất cập chung quanh các bến xe đầu mối và có lẽ vì thế mà bản thân các bến xe ấy chưa thể khai thác hết công năng của bến.
Bến xe đầu mối chưa khai thác hết công năng

TPHCM hiện đang tồn tại một số bất cập chung quanh các bến xe đầu mối và có lẽ vì thế mà bản thân các bến xe ấy chưa thể khai thác hết công năng của bến.

Nhược điểm tiềm ẩn trong ưu điểm

Nhận xét về các bến xe đầu mối chủ lực trên địa bàn TPHCM lâu nay, người ta thấy nổi bật lên một trong những đặc điểm nhưng đồng thời cũng chính là hạn chế đáng chú ý, đó là đa phần các bến xe (nếu không muốn nói tất cả) đều nằm lọt thỏm, trộn lẫn trong các khu dân cư đông đúc. Tiêu biểu có thể kể đến Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây và Bến xe An Sương. Trong điều kiện bình thường, đặc thù ấy không phải là vấn đề lớn, nhưng cứ vào dịp lễ, tết mới thấy rõ sự xô bồ, bức bối, quá tải cả trong lẫn ngoài khuôn viên các bến xe, nhất là bên ngoài bến - nơi tập trung dân cư xung quanh các bến!

Điểm qua các bến xe cửa ngõ của thành phố, người ta nhận ra rằng tất cả đều được bố trí, quy hoạch ở các góc cạnh bên quốc lộ. Bến xe miền Đông trên quốc lộ 13, Bến xe miền Tây trên quốc lộ 1, Bến xe An Sương ở góc giao quốc lộ 22 và quốc lộ 1 và Bến xe Ngã tư Ga bên quốc lộ 1A. Mặt tích cực của vị trí như vậy, trên lý thuyết, tạo thuận lợi cho hành khách đến/đi các bến. Thế nhưng, thực tế không hẳn như vậy mà trường hợp của Bến xe An Sương và Bến xe Ngã tư Ga là những dẫn chứng cụ thể. Bến xe Ngã tư Ga nằm ven trục giao thông quốc lộ 1A, sát khu dân cư đông đúc và khu công nghiệp của TPHCM và tỉnh Bình Dương, cận kề cầu vượt Ngã tư Ga. Tuy có vị thế thuận lợi nhưng mặt tiền của bến xe do nằm trên trục quốc lộ 1A lại bị chắn ngang bởi dải phân cách dài giữa tim đường. Hệ quả là hành khách phía bên kia đường, muốn đi vào bến chỉ có cách duy nhất là buộc phải đi đường vòng chừng 2km mới vô được bến. Trước Bến xe An Sương cũng có dải phân cách giữa đường giống như thế. Điều này vô hình trung gây tâm lý ngán ngại vào bến đối với hành khách, đồng nghĩa tạo ra xu hướng muốn đứng ngoài bến đón xe ven đường.

Bến xe phụ hoạt động gần Bến xe miền Đông. Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, Bến xe miền Đông được bao quanh bởi những tuyến đường nhộn nhịp người và xe, còn bản thân bến tuy được đầu tư cải tạo bề thế và hoành tráng nhưng phía trước mặt, bên phía đường Đinh Bộ Lĩnh, lại ngang nhiên tồn tại không phải một mà những 2 bến xe “cóc nhưng không phải cóc” bởi cũng có giấy phép hoạt động đàng hoàng! Sự chồng chéo giữa bến chính và bến phụ này đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và mật độ giao thông đông đúc ở khu vực này.

Cần toa thuốc đặc trị

Nói gì thì nói, trường hợp đặt các dải phân cách trước mặt bến xe ít nhiều cũng tạo rào cản tâm lý đối với hành khách muốn vào bến đi cho “đàng hoàng” thay vì đón xe dọc đường như đang diễn ra tại Bến xe An Sương và Bến xe Ngã tư Ga, qua đó cho thấy có gì đó không ổn trong công tác quản lý, quy hoạch. Điểm không ổn nằm ở chỗ hoặc bản thân các bến xe ấy đã được đặt ở vị trí chưa thực sự hợp lý, hoặc dải phân cách nằm không đúng chỗ, hoặc thiếu cây cầu vượt bộ hành để hành khách qua lại thuận tiện.

Tình huống “bến xe chính thức đối mặt bến xe phụ” như tại Bến xe miền Đông, hiểu cách nào đó cũng nằm trong phạm trù quản lý chưa hợp lý, ở đây là khâu quản lý cấp phép hoạt động đối với bến xe phụ trên đường Đinh Bộ Lĩnh.

Tuy nhiên, cũng có một thực tế rằng những tồn tại xoay quanh các bến xe như vừa nêu không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ hạn chế trong quản lý quy hoạch của ngành chức năng, nhưng có khi lại đến từ yếu tố khách quan lịch sử hoặc từ chính tâm lý của người dân. Bởi vì chính từ tâm lý của một bộ phận không ít người dân vốn dĩ “thích” quần tụ chung quanh các bến xe, xem đó như cơ hội, điều kiện mưu sinh, làm ăn thuận tiện hơn những nơi không có bến xe nên mới có chuyện phát sinh tiếp theo là hễ bến xe đặt ở đâu thì lần hồi tự phát dân cư mọc lên đông đúc ở đó. Trường hợp của Bến xe An Sương là một ví dụ. Khi được thành lập cách đây hơn 20 năm, vị trí đặt bến xe còn là vùng đất trống, đất nông nghiệp năng suất kém và hầu như chỉ để làm mỗi chức năng duy nhất là tiêu thoát nước tự nhiên. Thế nhưng, sự xuất hiện một bến xe cửa ngõ, trọng điểm đã lần hồi và chóng vánh biến vùng đất thưa nhà, ít người thành khu dân cư tập trung náo nhiệt, sầm uất như đã và đang diễn ra. Có lẽ không quá lời khi nói rằng bến xe chính là tiền đề hình thành nên các khu dân cư mới! Và đây là một vấn đề, mắc mứu không dễ giải quyết; hay nói cách khác, đây là bài toán khó cho ngành chức năng.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục