Mở làn đường ưu tiên cho xe buýt

“Bơi” trong dòng xe cộ

Theo kế hoạch, làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ được thí điểm trên địa bàn TPHCM trong tháng 4-2017.

“Bơi” trong dòng xe cộ

10 giờ ngày 23-3, chiếc xe buýt 51B-194.66 (mã số 109) chạy lộ trình Công viên 23-9 - Sân bay Tân Sơn Nhất ghé vào trạm rước khách ở gần góc đường Pasteur - Lý Tự Trọng, quận 1. Trong số nhiều hành khách bước lên xe, tôi thấy ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cũng có mặt. Trên hành trình, tôi hỏi chuyện và được tài xế Hoàng Văn Hà cho biết, thời gian hành trình dự kiến đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 30 phút. Quả thực, khi xe buýt đến đích ở cuối đường Trường Sơn, đồng hồ trên tay chúng tôi chỉ 10 giờ 30. Khi về, tôi lên xe tại trạm xe buýt trên đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp. Lần này lên xe buýt 51B-304.04 (mã số 03) chạy lộ trình Bến Thành - Thạnh Lộc. Một lần nữa thời gian hành trình được đảm bảo 36 phút để đến đích đúng như tài xế Nguyễn Văn Son nói.

Thế nhưng, có một thực tế là trên địa bàn TPHCM, đô thị lớn nhất nước, không phải lúc nào xe buýt cũng có thể đảm bảo đúng thời gian hành trình theo hoạch định như 2 chiếc xe buýt  nêu trên. Bởi có đi xe buýt mới thấy được khó khăn và phần nào đó như sự thách đố những người quản lý, điều hành và hoạt động trong ngành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố. Suốt 7 ngày trong tuần, vào buổi sáng cũng như vào buổi chiều, trên dọc dài hành trình của hầu hết các tuyến xe buýt đang vận hành tại thành phố, một trong những hình ảnh dễ thấy là xe buýt dường như thường xuyên bị vây bọc chung quanh bởi đủ loại phương tiện giao thông khác, từ taxi, xe hơi, xe tải lớn nhỏ, mô tô; trong đó, dĩ nhiên thành phần áp đảo vẫn là phương tiện giao thông cá nhân. Người đi đường không khó để nhìn thấy bên cạnh các phương tiện mang biển số thành phố còn có nhiều xe mang biển số các tỉnh thành khác.

Một trong những hệ quả của sự quá tải các phương tiện giao thông, đó là thường xuyên xảy ra hình ảnh xe buýt thành phố như đang “bơi” trong dòng xe cộ đủ kiểu nêu trên. “Thường xuyên phải “bơi” trong dòng xe cộ phức tạp và lẫn lộn như vậy nhưng vẫn đảm bảo được thời gian hành trình, quả thực là điều khó khăn cũng như nỗ lực đáng trân trọng”, Ông Bùi Xuân Cường chia sẻ với chúng tôi trên suốt hành trình. Ông Bùi Xuân Cường cũng cho biết, ông và nhiều cán bộ Sở GTVT TPHCM cũng hay sử dụng xe buýt để đi làm. Hôm đó, ông Bùi Xuân Cường đi xe buýt đến kiểm tra 2 công trình đang được triển khai thi công trên địa bàn quận Tân Bình và Gò Vấp.

Mở làn đường ưu tiên cho xe buýt chạy đúng giờ, một trong những giải pháp thu hút người dân đi xe buýt. Ảnh: Trung Khanh

Hiệu quả trên hết

Chia sẻ thêm với tôi trong suốt chuyến đi kiểm tra thi công công trình bằng xe buýt, ông Bùi Xuân Cường nói rằng: “Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành GTVT thành phố là nâng tầm hiệu quả hoạt động của hệ thống xe buýt. Hiệu quả của hoạt động xe buýt phải thể hiện cụ thể trên hàng loạt tiêu chí, chẳng hạn như sản lượng hành khách tăng, tiện ích trên xe buýt tăng, chi phí hoạt động giảm, trợ giá giảm, hỗ trợ đắc lực trong việc kéo giảm tình hình ùn tắc giao thông…”.

Khi kiểm tra công trình thi công cầu vượt bằng thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, nhận thấy đơn vị thi công đã dọn trạm xe buýt trên đường Hoàng Minh Giám, ông Bùi Xuân Cường thừa nhận, việc dọn trạm xe buýt để phục vụ thi công cầu vượt là không sai nhưng cách làm đó có gì đó chưa ổn, bởi ở vị trí lúc trước đó là trạm xe buýt, bây giờ không còn dấu hiệu nào để hành khách nhận biết, điều này khiến mất số lượng hành khách đi xe buýt. Ông Bùi Xuân Cường đã yêu cầu chủ đầu tư công trình có biện pháp khắc phục điều này.

Trên một bình diện khác, bên cạnh hai yếu tố “giá vé rẻ” và “luồng tuyến phủ khắp, thuận tiện” thì việc “đảm bảo thời gian hành trình” là thông số mang tính quyết định sự sinh tồn của hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Một trong những “toa thuốc” giúp đảm bảo thời gian hành trình sắp được thành phố triển khai đó là mở làn đường ưu tiên cho xe buýt. Trong tháng 4 tới, Sở GTVT sẽ thí điểm tổ chức 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt, một làn trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ vòng xoay Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn) và một làn trên đường Võ Thị Sáu (đoạn từ vòng xoay Công trường Dân Chủ đến đường Đinh Tiên Hoàng). Các tuyến tiếp theo dự kiến mở làn ưu tiên cho xe buýt là trên các tuyến đường Trường Chinh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến Khu du lịch Suối Tiên).

Việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt là cần thiết nhưng liệu có khả thi? Trả lời câu hỏi này, ông Bùi Xuân Cường cho biết, có thể khó khăn bước đầu do diện tích mặt đường vẫn vậy nhưng phải dành một phần để ưu tiên cho xe buýt. Một trong những phương cách giải quyết khó khăn quanh việc mở làn đường ưu tiên cho xe buýt, đó là cần sự phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng như cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông thành phố… cũng như cần sự thông cảm, hưởng ứng từ người dân tham gia giao thông trên đường.

Tài xế Nguyễn Văn Son (chạy tuyến Bến Thành - Thạnh Lộc, mã số tuyến 03):

Thời gian hành trình của xe buýt kéo dài hơn dự kiến không phải chuyện hiếm trong bối cảnh đặc thù giao thông đi lại tại TPHCM luôn ở mức quá tải như thời gian qua. Đây là điều làm đau đầu những người hành nghề lái xe buýt chúng tôi. Chúng tôi cho rằng, việc mở các làn đường ưu tiên cho xe buýt sẽ giúp giải quyết đáng kể khó khăn này, đồng thời giúp đảm bảo thời gian hành trình, sức hút hành khách của xe buýt cũng sẽ được nâng lên.

Sinh viên Đặng Đức Lễ (21 tuổi, hành khách thường đi xe buýt):

Theo tôi thì xe buýt thành phố thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực như xe sạch và mới hơn; tiện nghi, tiện ích trên xe như máy lạnh, wifi… được chăm chút tốt hơn; nhân viên phục vụ có thái độ thân thiện, lịch thiệp hơn với hành khách. Nhưng tôi cho rằng, có lẽ điều làm hành khách còn chần chừ trong việc chọn lựa xe buýt làm phương tiện giao thông vì lo bị trễ giờ học, giờ làm.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục