Áo dài ở Murano

Ngay tại Murano, một trong bộ ba đảo vệ tinh thuộc danh sách “phải xem” của Venice, Italy, đã thấy bóng áo dài Việt bay trên những kênh đào xanh ngắt và những ô cửa trưng bày đồ thủy tinh lấp lánh.

Murano nổi tiếng về nghề truyền thống sản xuất thủy tinh. Tại trung tâm đảo, cạnh cầu Ponte Lungo - tức Cầu Dài, có cửa hàng Vetreria La Fenice của nghệ nhân thủy tinh Alessandro Albertini. Cửa hàng này đặc biệt ở chỗ, vừa bước vào đã thấy một ma-nơ-canh mặc áo dài Việt Nam. Trong không gian sáng ấm màu đèn lồng khung thủy tinh ấy là các dãy nữ trang lấp lánh như ngọc nổi giữa nền khăn nhung hoặc kiêu kỳ bày trên thớt gỗ... Đến cuối cửa hàng, du khách bỗng thấy khu vườn rực hoa hồng, luống rau muống, cải ngồng Sapa, bí xanh trĩu giàn nằm sát cánh cổng hậu thông ra dòng kênh xanh đang dập dìu bóng thuyền neo đậu. “Phải để ma-nơ-canh mặc áo dài cho khách biết chủ cửa hàng là người Việt chứ. Em có đến 8 bộ áo dài thay đổi cho mẫu”, Linh Albertini, cô dâu Việt duy nhất đang sống ở Murano, kể.

Áo dài Việt ở cửa hàng Vetreria La Fenice của vợ chồng Linh - Alessandro Albertini
 Linh Albertini tên thật là Nguyễn Thị Linh, quê huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Lấy chồng người Italy và về làm dâu Murano được 4 năm, Linh đã kịp mang tính khéo léo, chăm chỉ của người Việt về tô điểm thêm nét đẹp trên đảo ngọc. Việc gì Linh cũng có thể phụ chồng được. Từ trông cửa hàng tới giới thiệu từng sản phẩm với khách. Trong xưởng, chồng làm sản phẩm nào cô cũng có thể chọn hạt, mày mò tạo mẫu, xâu chuỗi thành dây chuyền, vòng đeo tay, nhẫn... “Em thấy đảo đông đúc vui vẻ như ở Việt Nam. Kinh doanh cũng bận lắm, rảnh lại chăm vườn hoa. Em thích gieo trồng những giống hoa, rau mang từ Việt Nam sang để khách vào ngắm thủy tinh và ngắm vườn luôn”. 


Có lẽ, Italy khá gần gũi người Việt về truyền thống văn hóa, sự gắn kết gia đình nên Linh hòa nhập cuộc sống mới cũng xuôi chèo mát mái hơn. Linh kể: “Chồng em gốc Murano, ngày xưa gia đình khá giống Việt Nam, khi ông bà sinh đến 8 người con, ở chung trong ngôi nhà bé tẹo vì đất đai trên đảo rất đắt đỏ. Đến thời bố mẹ anh, chỉ sinh 2 con cho đỡ vất vả. Bố chồng em là nghệ nhân thủy tinh nổi tiếng của đảo này. Ông gây dựng được cơ ngơi 1.200m² trưng bày, chế tác thủy tinh và một nhà hàng 800m² chuyên phục vụ hải sản Italy tại Murano. Nay chồng em tiếp quản nghề thủy tinh, còn nhà hàng giao cho em rể quản lý. Làm dâu ở đây cũng thoải mái lắm. Đến thăm mẹ chồng thì con dâu thành khách, được mẹ nấu cho ăn. Em thấy nhiều nhà con dâu ở cùng bố mẹ chồng còn được giặt giũ cơm nước cho luôn”.

Nói vậy thôi chứ Linh cũng thơm thảo lắm. Các con riêng từ cuộc hôn nhân trước của chồng cứ mỗi tuần lại về nhà bố một lần để thưởng thức bánh đa nem, thịt kho tàu, xôi lạc, nếp cẩm, cá hấp, sushi do cô Linh thết đãi. Ăn xong, cô Linh lại gói thêm thức ăn cho bọn trẻ mang về. Vào mùa thu hoạch rau quả, Linh ngồi ngẩn ra tiếc, cô tâm sự “Nhiều khi rau nhiều không chia được cho ai. Chỉ mong có thêm dâu Việt về ở Murano để có bạn”.

Cửa hàng thủy tinh của nghệ nhân Alessandro Albertini - từ khi có Linh, đông khách Việt hơn hẳn. Hầu như ngày nào, tuần nào cũng đón tiếp khách Việt. Có những hôm trời mưa, thấy khách Việt lụp xụp ô áo đứng ngoài cửa hàng ngại ngần, Linh và chồng vẫn mở cửa mời đồng hương vào xưởng tham quan. Cô bộc bạch: “Quan trọng là người Việt mình đã đến được đây, cũng cần được xem trực tiếp cách người Murano sản xuất thủy tinh, sản phẩm linh hồn của đảo ra sao”. Khách Việt vào mua hàng chỉ cần nói thêm “bạn của Linh” đương nhiên được giảm giá đến 20%. Ngắm thủy tinh xong đi bộ vài phút sang nhà hàng hải sản Antica Trattoria Muranese (của gia đình Albertini) là được thưởng thức tay nghề đầu bếp Italy. Quá tiện! Linh và chồng vừa đón một đoàn khách Việt ở Séc sang đặt làm đèn lồng bằng thủy tinh. Vợ chồng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cũng có dịp ghé qua. Vốn quen nhau từ trước, Albertini và anh Trần Mạnh Tuấn tay bắt mặt mừng, cùng mang kèn ra thổi. Cứ thế ngẫu nhiên mà hình thành một địa chỉ giao thoa văn hóa Việt - Italy ngay trên đảo ngọc Murano.

Tin cùng chuyên mục