Áo dài xuống phố

Vài năm gần đây, xu hướng người trẻ mặc áo dài tại các sự kiện như lễ, tết, sinh nhật… trở nên phổ biến. 
Phong trào này còn được lan tỏa rộng rãi khi mà nhiều công sở, doanh nghiệp trong nước nói chung, trên địa bàn TPHCM nói riêng chủ động phát động phong trào khuyến khích nữ công nhân viên mặc áo dài. Đặc biệt, trong bối cảnh xuân mới Mậu Tuất 2018 cận kề, chỉ cần lướt qua các vườn hoa, công viên, tuyến đường, trung tâm mua sắm của TPHCM, người dân, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp những tà áo dài đầy sắc xuân. 
Áo dài xuống phố ảnh 1 Các bạn trẻ với trang phục áo dài truyền thống chụp hình mừng Xuân Mậu Tuất 2018
Duyên dáng, thích thú
Những ngày cận tết, thấp thoáng trên các nẻo đường, những tà áo dài đủ sắc màu đã và đang giúp cho không khí xuân tràn ngập. Tại khu phố ông đồ (Nhà Văn hóa Thanh niên, quận 1), các trung tâm mua sắm dọc tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai… từ sáng đến tối, liên tục xuất hiện hàng tốp thanh niên đến vui chơi, nhiều nhất là để tạo dáng chụp hình trong những bộ áo dài đủ màu, đủ kiểu.
Bạn Ngô Lê Uyên, ngụ tại Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM) chia sẻ, được mặc áo dài chụp với hoa mai, hoa đào là niềm vui thích của nhiều bạn trẻ ngày nay. “Nói thực, trước đây mình rất ngại mặc áo dài, nhưng sau khi xem các bộ phim của Việt Nam, thông qua các kênh giải trí, du lịch nhận xét của bạn bè quốc tế về áo dài Việt Nam giúp mình ý thức hơn về việc giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc. Giờ đây, nhóm bạn của mình ai cũng có vài bộ áo dài để thay đổi”, Ngô Lê Uyên tâm sự. 
Trong chuyến du xuân miền Tây cách đây ít ngày, anh Nguyễn Văn Thi, công tác tại TST Tourist đã cùng gia đình “đóng bộ” áo dài đỏ tươi, rực rỡ. Theo anh Thi, áo dài ngày nay được cách tân xinh xắn, dễ mặc nhưng vẫn giữ được nét mềm mại của áo dài truyền thống Việt Nam. Mọi lứa tuổi đều dễ dàng lựa chọn cho mình một bộ áo dài ưng ý, với các họa tiết, đường nét, hoa văn tinh tế…
Đáng chú ý, tại TST Tourist còn có hẳn chương trình phát động, khuyến khích nhân viên, du khách mặc áo dài vào dịp xuân mới. Riêng với khách hàng, khi mặc áo dài mua tour du lịch sẽ được giảm giá tour, tặng kèm các ưu đãi nhất định.
Song song đó, nhiều sở ngành trên địa bàn TPHCM (Sở Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Công thương…) cũng đã lên kế hoạch khuyến khích nhân viên mặc áo dài vào sự kiện Lễ hội Áo dài do TPHCM phát động, chính thức diễn ra vào tháng 3 tới đây.
Thực tế cho thấy, không chỉ người lớn háo hức mặc áo dài để chụp hình, khoe dáng, mà nhiều em nhỏ cũng rất thích thú khi được người lớn tặng quà là áo dài truyền thống. Thấy chúng tôi chụp hình và hỏi bé Mai Ngọc Anh, 8 tuổi, ngụ tại Tô Ký (quận 12, TPHCM) bẽn lẽn nói: “Con thấy mình đẹp hơn khi mặc áo dài”. 
Nét đẹp truyền thống 
Mới đây, trong sự kiện “Đêm Việt Nam” do Bộ VH-TT-DL Việt Nam tổ chức tại Thái Lan, rất nhiều du khách, bạn bè trong nước cũng như quốc tế được dịp chứng kiến màn trình diễn áo dài đầy sôi động của một nhà thiết kế tên tuổi. Thế nhưng, sau đó có nhiều ý kiến phản hồi rằng, một số áo dài cách tân hở bạo tới mức chỉ phù hợp trình diễn trên sân khấu... Chưa kể, một vài bạn bè quốc tế cũng trao đổi rằng, các tà áo dài truyền thống thướt tha mà phụ nữ Việt Nam mặc rất nền nã, tinh tế, họ thấy ấn tượng hơn hẳn so với áo dài cách tân. 
Trên thực tế, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến áo dài truyền thống cũng như áo dài cách tân. Hàng loạt ý kiến trái chiều, những tranh luận nảy lửa đã nổ ra và cuối cùng chốt lại vẫn là thời trang áo dài chịu sự biến thiên, sàng lọc của thời gian. Vấn đề chính là vài năm gần đây, giới trẻ đã thực sự yêu thích áo dài, xem tà áo truyền thống này ngày càng trở nên thân thiết, gắn bó hơn. Trong đó hàm chứa cả niềm tự hào, tự tin khi mình là công dân nước Việt, được gắn bó với áo dài của dân tộc. Chẳng vậy mà khi kiều bào về nước, rất nhiều người đã tranh thủ tìm mua hoặc đặt may bằng được một bộ áo dài để chụp hình mỗi dịp tết đến xuân về cùng bạn bè, con cháu.
Ông Sơn Nguyễn, Việt kiều Canada chia sẻ rằng, nhiều năm qua, gia đình ông đều đặt may áo dài của một thương hiệu tên tuổi để về Việt Nam đón tết. “Xuân Mậu Tuất này cũng không ngoại lệ, chúng tôi lại cùng nhau mặc áo dài đón xuân, cùng chụp hình tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ…”, ông Sơn Nguyễn nói. 
Chẳng phải ngẫu nhiên mà tại nhiều sự kiện lớn nhỏ, trong nước cũng như quốc tế, áo dài truyền thống Việt Nam luôn được bạn bè nước ngoài quan tâm, khen ngợi. Nói như nhiều bạn trẻ, khi mặc trên mình áo dài truyền thống, các bạn có cảm giác mình chững chạc hơn, ý tứ hơn, có tinh thần dân tộc hơn, nhất là tại các sự kiện quốc tế, nhìn vào trang phục, bạn bè sẽ biết mình từ đâu đến.

Tin cùng chuyên mục