Ảo tưởng quyền lực

Qua vụ đại úy công an Lê Thị Hiền (công tác tại Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội) có hành vi chửi bới, miệt thị, chống đối và tấn công nhân viên mặt đất, lực lượng an ninh tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (ảnh), nhiều bạn đọc đã nêu ý kiến về việc ứng xử có văn hóa, giữ lịch sự và lòng tự trọng khi giao tiếp.

Bài học đắt giá

Bà Hiền là một cán bộ công an, những hành vi to tiếng mạt sát, lăng mạ nhân viên hàng không, như trong đoạn clip ghi lại là không thể chấp nhận. Bà Hiền đã mất bình tĩnh trong đối thoại để tìm ra một giải pháp tốt. Với tư thế là một hành khách, khi không nhận được sự cảm thông, giúp đỡ của nhân viên hàng không, bà cảm thấy mình bị xúc phạm nên thiếu kiềm chế trong lời nói và hành động.

Với tư thế là một cán bộ công an, có “ảo tưởng quyền lực”, nên trước thái độ “quyền lực” của nhân viên hàng không, cái tôi “quyền lực” cá nhân của bà trỗi dậy, và cái kết không hay ho chút nào.

Qua sự việc này, về phía Cảng hàng không cũng nên rút ra một bài học ứng xử cho nhân viên. Vì sao có sự xung đột giữa nhân viên hàng không và hành khách, mà trường hợp bà Hiền không phải là lần đầu tiên? Không ít hành khách đã phải phàn nàn về cách phục vụ của nhân viên hàng không.

Ảo tưởng quyền lực ảnh 1

Nhìn lại vụ việc này, chúng ta có một bài học về văn hóa ứng xử. Sẽ không có chuyện căng thẳng như vậy nếu trước những yêu cầu của hành khách mà nhân viên không thể thực hiện được thì chỉ cần ôn tồn nói: “Xin lỗi anh/chị, chúng em đã làm hết cách mà không giúp được; anh/chị chịu khó vậy nghen!”, thì có hành khách nào nỡ “nổi khùng” với họ.

Về phía hành khách, nên hiểu những nguyên nhân gây khó thường là khách quan; do vậy nên có thái độ bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc, sẽ không xảy ra những bất đồng, căng thẳng không đáng có. Chính cái ảo tưởng về quyền lực trong mỗi con người là nguyên nhân chính gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn.

TÚ NGUYÊN, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An

Xử phạt nghiêm hành vi gây rối

Năm 2018, ngành hàng không tăng trưởng gần 13%, ước tính có trên 100 triệu hành khách thông qua cảng hàng không, với hàng trăm đường bay, việc tăng trưởng lượng khách đi máy bay đã kéo theo gia tăng các vụ việc gây rối.

Việc gây rối của hành khách thường tập trung vào hành vi dùng lời nói bạo lực đe dọa nhân viên; cố tình không tuân thủ các quy định về an toàn bay được tiếp viên đưa ra; quấy rối, hành hung nhân viên hoặc hành hung hành khách với nhau tại cảng hàng không. Không ít người ngụy biện rằng những hành động vô ý thức đó là do họ mới đi lần đầu, do thiếu hiểu biết.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều trường hợp hành khách đã đi máy bay nhiều lần nhưng vẫn hành xử theo thói quen hoặc tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm để xứng với đồng tiền đã bỏ ra.

Sự kém ý thức của người dân khi đi máy bay là từ sự thiếu hiểu biết, không được giáo dục từ trường lớp, lại tự ái cao. Đó còn do nếp sống, thói quen, sự thiếu ý thức đã thành tính cách.

Thiết nghĩ, trước thực trạng ngày càng gia tăng các hành vi gây rối nơi các cảng hàng không, uy hiếp an toàn bay, rất cần những quy định nghiêm minh, mức xử phạt thích đáng, kèm theo đó áp dụng hình phạt cấm bay vĩnh viễn mới mong giảm bớt tình trạng vi phạm an ninh trật tự tại cảng hàng không.

TƯƠNG QUAN, quận 7, TPHCM

Tin cùng chuyên mục