Áp đặt của Trung Quốc tại biển Đông: Bất hợp pháp và vô giá trị

Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa qua đã thông qua “Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam”, có hiệu lực từ 1-1-2014. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định yêu sách và việc làm đơn phương mà Trung Quốc áp đặt tại biển Đông là bất hợp pháp và vô giá trị.
Áp đặt của Trung Quốc tại biển Đông: Bất hợp pháp và vô giá trị

Ủy ban Thường vụ Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa qua đã thông qua “Dự thảo sửa đổi Biện pháp thực hiện Luật Ngư nghiệp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của tỉnh Hải Nam”, có hiệu lực từ 1-1-2014. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định yêu sách và việc làm đơn phương mà Trung Quốc áp đặt tại biển Đông là bất hợp pháp và vô giá trị.

        Việt Nam không công nhận

Ngày 1-1-2014, trả lời báo chí phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động trên của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), không phù hợp với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, làm phức tạp thêm tình hình biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ những việc làm sai trái nói trên, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực”.

Tàu đánh cá Trung Quốc ở khu vực biển Đông.

Tàu đánh cá Trung Quốc ở khu vực biển Đông.

Trong khi đó, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, hội kịch liệt phản đối việc Trung Quốc đơn phương quy định hạn chế đánh bắt cá ở biển Đông, bao gồm vùng biển của Việt Nam. Ông nói: “Đây là quy định bất hợp lý của Trung Quốc mà chúng ta không thể chấp nhận được. Chúng ta cần phải động viên, khuyến khích ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân ở miền Trung tích cực đánh bắt, khai thác để khẳng định vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.

        Quốc tế lên án

BBC ngày 10-1 đưa tin, bà Jen Psaki, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế đánh bắt cá ở biển Đông là một hành động khiêu khích và nguy hiểm. Đây là lần lên tiếng chính thức từ phía Mỹ đối với vụ việc trên. Bà Psaki nhấn mạnh, Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích hoặc cơ sở nào chiếu theo luật pháp quốc tế cho những yêu sách hàng hải mở rộng này.

Ngày 10-1, Philippines đã lên án việc Trung Quốc áp đặt quy định mới về đánh bắt cá ở biển Đông. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết bộ này đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ ngay lập tức quy định mới về đánh bắt cá do Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thông qua hồi tháng 11-2013.

Tuyên bố nêu rõ quy định mới của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải và đánh bắt cá của tất cả các quốc gia tại vùng biển quốc tế được ghi trong Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, động thái này của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng và gây phức tạp tình hình ở biển Đông một cách không cần thiết, đồng thời đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho biết, nước này đã sẵn sàng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, trải rộng 200 hải lý từ bờ biển của Philippines. Lãnh thổ Đài Loan cũng lên tiếng phản đối và tuyên bố không công nhận các quy định phi lý của Bắc Kinh.

NHƯ QUỲNH – PHƯƠNG NAM (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục