Áp lực gia tăng, có cải tổ được chaebol?

Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất trong vụ bê bối tham nhũng mà bà bị cáo buộc nhận hối lộ từ các chaebol, gồm Samsung, cùng sự phản đối của người dân ngày càng tăng với các tập đoàn gia đình này đã tạo áp lực lớn cải tổ chaebol với những ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5 tới.

Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất trong vụ bê bối tham nhũng mà bà bị cáo buộc nhận hối lộ từ các chaebol, gồm Samsung, cùng sự phản đối của người dân ngày càng tăng với các tập đoàn gia đình này đã tạo áp lực lớn cải tổ chaebol với những ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5 tới.

Tiền, quyền và bê bối

Việc bà Park, tổng thống đã được bầu với cam kết cải tổ chaebol, bị phế truất lại một lần nữa phơi bày mối quan hệ thân cận giữa các chính trị gia và các chaebol thống trị nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới. Câu hỏi là sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-5, cuộc cải tổ chaebol sẽ sâu rộng đến mức nào? Và tổng thống mới Hàn Quốc sẽ giải quyết vấn đề trung tâm là quản trị doanh nghiệp của các chaebol với mạng nhện sở hữu chéo giữa các công ty con như thế nào?


Lãnh đạo Samsung Lee Jae-yong (thứ 4 từ phải) cùng các lãnh đạo chaebol quyền lực nhất trong phiên điều trần về vụ bê bối tham nhũng trước Quốc hội Hàn Quốc vào tháng 12-2016.  Ảnh: Yonhap

Chaebol nổi lên từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên giữa thập niên 1950. Cha Tổng thống Park mới bị phế truất là tướng Park Chung-hee, nắm quyền tại Hàn Quốc sau cuộc đảo chính năm 1961, đã đẩy mạnh nỗ lực phục hồi kinh tế, tài trợ cho các công ty sau đó trở thành các chaebol. Chính phủ chuyển các quỹ cứu trợ và các khoản vay giá rẻ cho các doanh nhân cam kết xây dựng lại đất nước. Chính phủ cũng bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước phát triển, giúp các chaebol mở rộng lĩnh vực kinh doanh mà không sợ nước ngoài cạnh tranh hoặc thất bại tốn kém. Kết quả là các chaebol đóng vai trò quan trọng giúp Hàn Quốc trở thành một quốc gia công nghiệp trong những thập niên tiếp đó. Vào cuối những năm 1990, các chaebol nắm đến gần 2/3 công nghiệp sản xuất của Hàn Quốc, theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Công thức phát triển này của Hàn Quốc cũng thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Từ thập niên 1980, Hàn Quốc chuyển sang nền dân chủ, các chaebol trở nên mạnh mẽ về mặt kinh tế đến mức có những ảnh hưởng chính trị đáng kể. Các chính trị gia bắt đầu dựa vào sự ủng hộ chính trị và tài chính của các chaebol để được bầu. Nhiều chaebol có quyền lực lớn chi phối kinh tế Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Hanjin, Kumho, Lotte và SK. Samsung sản xuất thiết bị điện tử, gia dụng, cơ khí, xây dựng, đóng tàu, bảo hiểm và thẻ tín dụng, trong đó chỉ Samsung Electronics đã đóng góp 1/5 xuất khẩu của Hàn Quốc. LG sản xuất điện thoại thông minh, ti vi, linh kiện điện tử, hóa chất và phân bón, cũng sở hữu đội bóng chày và đội bóng rổ Hàn Quốc. Hyundai sản xuất ô tô Hyundai và Kia, phổ biến ở Mỹ và nhiều nước, cũng làm thang máy, cung cấp dịch vụ logistics, điều hành khách sạn và trung tâm thương mại... Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KSE), 4 chaebol lớn nhất Hàn Quốc chiếm khoảng một nửa giá trị thị trường chứng khoán.

Sự ủng hộ của người Hàn Quốc với các chaebol dần chuyển thành phản đối, khi sự thịnh vượng thay vì cho người dân lại rơi vào các gia đình giàu có. Khi nền kinh tế đã trưởng thành và tạo ra một quốc gia tiêu dùng, ngày càng có nhiều người lo ngại về quyền lực chính trị của chaebol, với những vụ bê bối tham nhũng tái diễn đặc biệt nghiêm trọng. Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung, đã bị bắt giam và truy tố hồi tháng 2 vì tội hối lộ trong vụ bê bối tham nhũng liên quan cựu Tổng thống Park là vụ mới nhất cho thấy mối quan hệ thân cận giữa các chính trị gia và các chaebol.

Cải tổ không đơn giản

Các chaebol đã trải qua cuộc cải tổ trước đây, chỉ để nổi lên và mạnh hơn bao giờ hết. 20 năm trước, Hàn Quốc bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, minh chứng cho những sai lầm của sự cộng sinh giữa chính phủ và doanh nghiệp từng là nền tảng phát triển kinh tế ấn tượng. Chính phủ phải nhận gói cứu trợ gần 60 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để ngăn chặn phá sản quốc gia. Các điều khoản gói cứu trợ buộc các chaebol phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về kế toán và quản trị doanh nghiệp và tái cơ cấu bằng cách loại bỏ các công ty con không phải cốt lõi. Các chaebol không còn được lạm dụng đòn bẩy tài chính đến mức mất khả năng chi trả, vấn đề gây ra khủng hoảng.

Nhiều lãnh đạo chaebol đã lãnh án tù và một số tổng thống phải rời văn phòng trong nhục nhã vì những vụ bê bối tham nhũng. Công tố viên thường phải cân nhắc hậu quả với nền kinh tế Hàn Quốc khi kết án các lãnh đạo chaebol, như quyết định bắt giữ và truy tố lãnh đạo Samsung Lea Jae-jong trong vụ bê bối tham nhũng mới nhất. Cha của Lee Jae-yong là Lee Kun-hee, Chủ tịch Samsung, đã bị kết án 2 năm tù vào năm 1996 vì tội hối lộ và 3 năm tù vào năm 2008 vì tội tham ô và trốn thuế, nhưng được hưởng án treo rồi tổng thống ân xá. Chung Mong-koo, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor đã bị kết án 3 năm tù vào năm 2007 vì tội biển thủ và vi phạm trách nhiệm nhưng được tại ngoại rồi tổng thống ân xá. Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn SK đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2012 vì tội tham ô và đã ngồi tù 2 năm trước khi được tổng thống ân xá. Lee Jay-hyun, Chủ tịch Tập đoàn CJ đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2014 vì tội tham ô, vi phạm trách nhiệm và trốn thuế nhưng được giảm còn 2 năm rưỡi và sau đó được tổng thống ân xá. Kim Seung-youn, Chủ tịch Tập đoàn Hanwha đã bị kết án 4 năm tù vào năm 2012 vì tội tham ô và 18 tháng tù vào năm 2007 vì tội tấn công nhưng đều được hoãn thi hành án và sau đó được tổng thống ân xá.

Loạt cải tổ sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 đã làm thay đổi lớn tiêu chuẩn kế toán và quản trị doanh nghiệp của các chaebol, nhưng đã không làm gì để cắt đứt mối quan hệ thân cận của các chaebol với chính phủ, cũng không làm gì để giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong cấu trúc của các chaebol hàng đầu như Samsung và Hyundai Motor. Theo dữ liệu của Ủy ban Thương mại Công bằng (FTC), gia đình điều hành Samsung chỉ sở hữu hơn 1% cổ phần trong khi gia đình điều hành Hyundai Motor sở hữu 3,35% cổ phần.

“Không thể phá vỡ các chaebol như cách MacArthur đã làm ở Nhật Bản. Điều mà tổng thống Hàn Quốc kế tiếp phải làm là tăng cường vai trò của hội đồng quản trị và khả năng thực thi quyền của các cổ đông”, giáo sư kinh tế tại Học viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) Chang Sea-jin nói.

“Tôi nghĩ người dân Hàn Quốc đã có một sự thay đổi thái độ lớn, vì vậy sẽ tăng cơ hội để cải tổ chaebol thành công. Nhưng không thể mong đợi kết quả nhanh chóng, đơn giản vì tầm quan trọng của các chaebol trong nền kinh tế vẫn rất lớn”, Mark Mobius, Chủ tịch Templeton Emerging Markets Group trả lời phỏng vấn của Reuters.


GIA HY

Tin cùng chuyên mục