APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển

Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC tham dự đối thoại
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp gỡ đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC tham dự đối thoại
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan, ngày 16-5, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia APEC 2017 phối hợp với Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) đã tổ chức Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai.
Tới dự và phát biểu tại đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định thành công và vai trò quan trọng của APEC trong gần ba thập niên qua, góp phần đưa hàng triệu người thoát cảnh đói nghèo. Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong bối cảnh phát triển mới, người dân và doanh nghiệp trong khu vực APEC, từ các công ty lớn đến hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đang đặt ra cho các nền kinh tế thành viên những câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo là APEC đang và sẽ làm gì cho họ? Cùng với đó, sự hoài nghi về toàn cầu hóa và lợi ích của thương mại tự do đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược, song chúng ta hoàn toàn có thể góp phần tái định hình tiến trình toàn cầu hóa mang tính nhân văn, bao trùm và bền vững hơn”.
Để hướng tới tầm nhìn năm 2020, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, APEC phải đưa ra thông điệp khẳng định tiếp tục cam kết duy trì mở cửa thị trường, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa mới tiến bộ hơn. APEC cần xây dựng tầm nhìn mới sau 2020 nhằm đem lại cho APEC một giá trị và vai trò mới trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu đang thay đổi. 
Theo Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển. “Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Đồng thời, chúng ta cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hóa, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sáng tạo và cạnh tranh của cả nền kinh tế và các doanh nghiệp. Tăng trưởng sẽ không thể bền vững nếu không chú trọng bảo vệ môi trường và xử lý các tác động ngày càng bất lợi từ biến đổi khí hậu, thiên tai và các thách thức về kinh tế - xã hội” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, tại phiên đối thoại, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong và ngoài nước cần làm rõ một số vấn đề như: xác định những biện pháp và lĩnh vực hợp tác cụ thể để thúc đẩy việc hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor đúng thời hạn vào năm 2020; xác định mục tiêu và khung thời gian cho APEC giai đoạn sau 2020 cùng các trụ cột hợp tác của APEC; xác định các bước đi để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020... “Trong 2-3 thập niên tới APEC cần thể hiện sức sống, sự năng động khả năng chống chịu và tính trách nhiệm, APEC cần đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo toàn cầu trong xử lý các thách thức của thế giới và khu vực” - Chủ tịch nước nêu rõ. 
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017, tiếp nối các cuộc đối thoại đầu tiên về Tầm nhìn APEC sau 2020 và tương lai được tổ chức vào tháng 8-2016, năm nay chủ nhà APEC 2017 Việt Nam đề xuất Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai, với mong muốn đạt được một diễn đàn trao đổi ý tưởng, xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 cho tất cả các bên liên quan, từ đó xác định được các bước đi và định hình các kiến nghị, báo cáo các bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao. Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các quan chức cao cấp, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả có uy tín, đại diện các tổ chức xã hội APEC, các tổ chức quốc tế trong khu vực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách và thúc đẩy hợp tác APEC. Đối thoại gồm hai phiên toàn thể và phiên thảo luận nhóm. Hai phiên đầu trao đổi các vấn đề APEC cần chú trọng trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi. Trong phần thảo luận nhóm, các đại biểu được chia thành 5 nhóm nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Bogor, khung thời gian, các bước tiếp theo để xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020.
Việt Nam và Myanmar thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh
Ngày 16-5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp thân mật ngài Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Thượng viện Myanmar, đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam. 
Trên cơ sở kết quả cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Mahn Win Khaing Than với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ đồng tình và ủng hộ việc Quốc hội hai nước tăng cường hợp tác và cho rằng đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Myanmar ngày càng phát triển.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam và Myanmar có nhiều tiềm năng hợp tác, vì vậy cần duy trì các cơ chế hợp tác đã được thiết lập, tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; đẩy mạnh giao lưu giữa các địa phương, giao lưu nhân dân nhằm tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Cùng với đó, hai bên cần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mà mỗi nước có thế mạnh để cùng nhau phát triển.  

Tin cùng chuyên mục