ASEAN thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP

Sáng 29-8, tại Singapore, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 50 (AEM 50) với sự tham dự của các nhà lãnh đạo kinh tế đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác đã khai mạc.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Singapore
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Singapore

Hội nhập là chìa khóa khai thác tiềm năng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh, hợp tác kinh tế khu vực và hội nhập là chìa khóa để ASEAN khai thác các tiềm năng của mình, trong đó bao gồm việc thực hiện Kế hoạch chi tiết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, cũng như hỗ trợ một hệ thống đa phương mở và bao trùm trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng. ASEAN đang phải đối mặt với không ít những thách thức như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống thương mại đa phương, vốn là nền tảng củng cố sự phát triển và thịnh vượng của ASEAN. Mặt khác, mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng phải chịu sự tác động khác nhau từ các cường quốc lớn hơn. 

Đề cập về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, việc các cuộc đàm phán đã đi đến giai đoạn quan trọng và có thể đạt được thỏa thuận là một tín hiệu quan trọng đối với thế giới. Tất cả các thành viên phải đoàn kết để duy trì sự gắn kết, nỗ lực hết mình để tiến tới ký kết RCEP nhằm tăng cường mối liên kết kinh tế cũng như thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư. Các thành viên ASEAN cần cân nhắc về giá trị chiến lược và những lợi ích kinh tế quan trọng mà RCEP mang lại để có thể tiến tới ký kết hiệp định trong năm nay. RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Nếu hiệp định này được ký kết, một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ ra đời với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm 30% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm đàm phán, các bên mới chỉ nhất trí được 2 trong số 18 điều khoản cần thống nhất do còn những bất đồng liên quan đến vấn đề về quy mô và phương thức đàm phán. 

Theo Bussiness Times, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, các bên đàm phán đang mong muốn sớm thu hẹp những bất đồng và kết nối những điểm khác biệt trong các lĩnh vực như giảm thuế quan, tài sản trí tuệ và thương mại điện tử nhằm sớm đạt thỏa thuận về hiệp định. 

Cơ hội trao đổi hợp tác kinh tế 

Trong khuôn khổ AEM 50 diễn ra đến ngày 1-9, một loạt hội nghị liên quan cũng sẽ được tổ chức bao gồm: Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 32, Hội nghị liên Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 21, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN và 9 nước đối tác (Australia, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ), Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 6, Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) lần thứ 10... 

Các hội nghị này là sự kiện quan trọng để Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN và các đối tác trao đổi về tình hình hợp tác kinh tế trong nội khối ASEAN trong việc triển khai Kế hoạch chi tiết AEC 2025 và thúc đẩy các sáng kiến ưu tiên do Singapore, nước Chủ tịch ASEAN 2018, chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị liên quan vào tháng 11 tới. Bên cạnh đó, Bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN và các nước đối tác cũng sẽ trao đổi quan điểm về hợp tác kinh tế đang diễn ra và triển vọng trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục