“Bà hỏa” chực chờ khu phố 14, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM

Được chính quyền và ngành chức năng chuyển hóa thành công 3 năm qua, nhưng đến nay, Khu phố 14 (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM) - khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao của thành phố trước đây hiện tiếp tục phát sinh nhiều nguy cơ cháy nổ trở lại.
Sử dụng bếp lò khè trong chiên, nấu dễ gây cháy nổ
Sử dụng bếp lò khè trong chiên, nấu dễ gây cháy nổ
Dễ phát hỏa từ lò chiên bánh tiêu Chiều ngày 10-6, người đi đường và dân cư sinh sống tại khu vực ngã tư tỉnh lộ 10 và An Dương Vương (khu phố 14, phường Bình Trị Đông) hốt hoảng khi lò chiên bánh tiêu ở gần góc đường nêu trên xảy ra hỏa hoạn. Theo những người chứng kiến, lửa từ bình gas của bếp lò khè bất ngờ phựt cao và cháy vào hệ thống dây điện, cáp quang giăng mắc chằng chịt ở phía trên. Rất may, một số thanh niên sống trong khu vực sử dụng bình CO2 và nước dập tắt kịp thời. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng đã khiến hàng chục hộ dân sống xung quanh hốt hoảng tháo chạy, giao thông qua khu vực trên bị ùn tắc kéo dài.  Ông Nguyễn Trọng Nam (ngụ ở khu phố 14) cho biết, cứ vài tháng trong khu phố lại xảy ra hỏa hoạn, hầu hết xuất phát từ các bếp lò khè của các hộ kinh doanh bánh tiêu. “Để chiên bánh tiêu, chủ quán thường mở bếp với ngọn lửa lớn nhưng không thu dọn bao bì, dây nhựa, can đựng dầu ở xung quanh… Do đó, lửa bén vào các vật liệu gây cháy. Chưa hết, ban đêm, các hộ chiên bánh tiêu còn kéo điện ra đường để phục vụ việc bán bánh. Nhiều trường hợp câu nối cẩu thả dẫn đến chập điện, gây cháy”, ông Nam ngán ngẩm.  Theo chính quyền phường Bình Trị Đông, để chuyển hóa khu phố 14 có nguy cơ cháy nổ cao, thời gian qua, cấp ủy, UBND phường, khu phố, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp, trong đó có: nâng cấp hệ thống điện hư hỏng; bó gọn hệ thống dây điện, cáp quang trong hẻm; hỗ trợ người dân cải tạo nhà lụp xụp. Các giải pháp này đã và đang được triển khai và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, việc kéo giảm nguy cơ cháy từ các hộ kinh doanh bánh tiêu chưa được như mong muốn. “Đa số các hộ dân trong khu phố đều sống bằng nghề chiên bánh tiêu, việc chuyển đổi ngành nghề với họ rất khó do đây là nghề truyền thống. Nhiều trường hợp sau khi được vận động đã chuyển sang sinh sống bằng nghề khác như may quần áo, bán nước mía, cà phê… Nhưng sau đó họ lại trở về làm nghề cũ. Trước đây, họ chiên bánh bằng lò củi, giờ đây sử dụng bếp lò khè bằng dầu, gas với ngọn lửa lớn càng dễ gây cháy”, đại diện Ban quản lý khu phố 14 cho biết.   Nguy cơ cháy lan, cháy lớn Điều lo ngại nhất về PCCC ở khu phố 14 (phường Bình Trị Đông) là công tác thoát nạn khi sự cố cháy nổ xảy ra. Đa số các hẻm ở khu phố này đều rất hẹp, dài và sâu. Có hẻm chiều ngang chưa đến nửa mét và kéo dài cả trăm mét. Thế nhưng, người dân lại vô tư đem vật dụng, chậu kiểng, xe máy… để phía trước, lấn chiếm hết lối đi cũng là lối thoát nạn. Không chỉ ngoài hẻm, ở trong nhà, các gia đình cũng bố trí hàng hóa, vật phẩm che bít cửa ra vào, rất nguy hiểm nếu cháy nổ xảy ra.   “Hẻm nhiều, dài và có chiều ngang hẹp nhưng hiện nay khu phố chưa được trang bị xe chữa cháy mini. Nếu sự cố cháy nổ xảy ra, việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn vì xe cứu hỏa của cảnh sát không thể tiếp cận hiện trường. Chưa  kể, lực lượng PCCC tại chỗ ở khu phố hiện rất thiếu và yếu, chủ yếu là các bảo vệ dân phố phải kiêm nhiệm nhiều việc (tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, dẹp lòng lề đường…). Ở đây từng có vụ việc khi xảy ra cháy, bảo vệ dân phố giữ chìa khóa phòng máy bơm đi vắng, làm cản trở việc chữa cháy”, một người dân sống ở khu phố cho biết. Người này cũng cho biết, một số người dân trong khu phố 14 chưa bỏ được thói quen vứt, đổ rác thành đống ở các khu đất trống.  Điều này rất nguy hiểm do nhà dân trong khu phố nằm san sát và được che cất tạm bợ, dễ cháy lan.
Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, để đảm bảo tốt công tác PCCC ở các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, tránh tình trạng để cháy nổ diễn biến phức tạp trở lại, cơ quan này đang chỉ đạo Phòng cảnh sát PCCC quận huyện tham mưu cho UBND quận, huyện thực hiện tốt các giải pháp: cải tạo, khắc phục các vi phạm về điện; tập trung vận động người dân chuyển đổi ngành nghề nhạy cảm với cháy nổ; đầu tư, nâng cao khả năng ứng phó của lực lượng PCCC tại chỗ; kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ; thường xuyên tuyên truyền, phố biến kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục