“Bà hỏa” rình rập cơ sở sản xuất, kinh doanh

Cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX - KD) là loại hình dễ xảy ra cháy nổ bởi ở đó luôn tồn tại nhiều nguồn lửa, nguồn nhiệt, hóa chất, vật liệu dễ bén lửa; thế nhưng, công tác PCCC ở các cơ sở này hiện còn rất lơ là. 
Thực tế, mỗi khi lực lượng chức năng đến kiểm tra là phát hiện vi phạm. Thậm chí, có cơ sở từng được cảnh sát PCCC nhắc nhở, xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm.
Xử lý nghiêm những trường hợp “đi đêm”
Tối 28-6, cơ sở sản xuất nhang ở tổ 4, ấp 1, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) xảy ra cháy ở khu vực nhà xưởng. Do trong xưởng có nhiều vật liệu dễ bén lửa (gỗ, giấy, hóa chất…) nên lửa bùng phát và lan rộng rất nhanh. Chỉ sau 15 phút, lửa đã bao trùm hàng trăm mét vuông và có nguy cơ lan sang các nhà dân, cơ sở sản xuất lân cận.
Cảnh sát PCCC TPHCM đã huy động 9 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ - chiến sĩ đến hiện trường. Việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn do đêm tối, khu vực quanh vị trí xảy ra cháy có rất ít trụ lấy nước. Cảnh sát phải lấy thêm nước từ ao, ruộng gần đó mới đảm bảo được việc chữa cháy.
Sau gần 2 giờ tích cực dập lửa, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp mới dập tắt được đám cháy phức tạp này; tuy nhiên, toàn bộ nhà xưởng rộng 2.000m2 cùng nhiều tài sản, hàng hóa có giá trị bên trong bị thiêu rụi hoàn toàn. Trong quá trình chữa cháy có 1 chiến sĩ bị thương.
Trên đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ cháy cơ sở SX - KD xảy ra trên địa bàn TPHCM trong 2 năm qua, có vụ gây thiệt hại về tài sản lên đến cả trăm tỷ đồng, thương vong về người. Nguy hiểm là vậy nhưng công tác PCCC tại các cơ sở không được coi trọng. Đối tượng vi phạm các quy định an toàn PCCC trực tiếp là công nhân và chủ cơ sở. Đáng lưu ý, các vi phạm của 2 cơ sở trên đã được Cảnh sát PCCC phát hiện, nhắc nhở từ lần kiểm tra trước nhưng đến nay vẫn chậm khắc phục.
Thống kê của Cảnh sát PCCC TPHCM, từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị trực thuộc của cơ quan này đã kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 200 cơ sở sản xuất vi phạm các quy định PCCC; trong số này có hơn 30% trường hợp từng được nhắc nhở. 
“Bà hỏa” rình rập cơ sở sản xuất, kinh doanh ảnh 1 Cảnh sát PCCC kiểm tra việc chấp hành các quy định PCCC tại một cơ sở sản xuất trên địa bàn quận 1
Theo một cán bộ thuộc Phòng Hướng dẫn kiểm tra về phòng cháy (phòng 2) - Cảnh sát PCCC TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm vẫn tồn tại, như mức phạt ở một số lỗi còn nhẹ, không đủ sức răn đe người vi phạm; ý thức của chủ cơ sở, người dân nói chung còn kém do công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật của chính quyền, ngành chức năng chưa đạt hiệu quả cao. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo một số quận - huyện cho rằng, vi phạm PCCC tồn tại nhiều, có một phần trách nhiệm của ngành PCCC. Cụ thể là việc quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm chưa thật sự nghiêm, thậm chí còn tình trạng bỏ lơ, bảo kê...
“Thanh tra cảnh sát PCCC cần tăng cường thanh tra, kiểm soát đối với lực lượng kiểm tra; đặc biệt, phải xử lý nghiêm những trường hợp “đi đêm” với doanh nghiệp, cơ sở. Có như vậy, vi phạm mới được kéo giảm, nguy cơ cháy nổ mới được ngăn chặn triệt để”, lãnh đạo một quận ở trung tâm TP kiến nghị.  
Đẩy mạnh phòng ngừa
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy nổ, nhất là ở các cơ sở SX - KD, UBND các quận Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, 12 cho biết, địa phương đang yêu cầu các phòng tư pháp, văn hóa thông tin phối hợp với cảnh sát PCCC, UBND các phường, ngành điện lực, công an tổ chức làm mới, sinh động các hình thức tuyên truyền, như hàng tháng tổ chức hội thi về PCCC, tuyên dương các gương, điển hình có sáng kiến, cải tiến hiệu quả trong PCCC; cảnh sát PCCC gia tăng số lượt nói chuyện, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho công nhân, người đứng đầu cơ sở SX - KD. 
Đối với ngành PCCC, Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, cùng với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, hiện cơ quan này đang thống kê, rà soát lại các cơ sở SX - KD trên địa bàn thành phố, nắm kỹ hồ sơ thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Sau đó sẽ phân loại theo từng mức độ (nguy cơ cháy) khác nhau để lên phương án và có giải pháp cụ thể, hợp lý, hiệu quả hơn. Các thiếu sót, tồn tại sẽ được phân tích và khắc phục triệt để. Đồng thời, kiến nghị địa phương, các ngành chức năng kiên quyết rút giấy phép, tạm đình chỉ, hoặc đình chỉ hoạt động các cơ sở cố tình không khắc phục vi phạm.
Ngoài ra, Cảnh sát PCCC TPHCM cũng yêu cầu chỉ huy các phòng cảnh sát PCCC quận -  huyện quán triệt, yêu cầu cán bộ phụ trách địa bàn phải theo dõi chặt chẽ việc chấp hành quy định PCCC của các cơ sở sản xuất để kịp thời phát hiện, nhắc nhở khắc phục các tồn tại ngay khi mới phát sinh, hạn chế cháy nổ xảy ra.
Nhà hàng Dim Tu Tac Đông Du (57 Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) vừa bị tạm đình chỉ hoạt động do hệ thống PCCC của nhà hàng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã đưa vào hoạt động. Ở lần kiểm tra gần đây nhất, cảnh sát PCCC phát hiện hàng loạt vi phạm tại đây như cửa thoát hiểm bị chèn, chốt không mở được; không lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas; cạnh khu vực để bình gas lại đặt tủ điện, máy phát điện; hệ thống trung tâm báo cháy không có người trực…

Tin cùng chuyên mục