Bác đề nghị “xem xét” cho tồn tại công trình sai phép

Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản trả lời không đồng tình với đề xuất của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) liên quan đến khu dân cư thấp tầng Thảo Điền Sapphire - TDS (phường Thảo Điền, quận 2), do Công ty cổ phần TDS làm chủ đầu tư.
Trước đó, Horea đã đề nghị cơ quan chức năng cho các công trình xây dựng sai phép tại dự án trên được tồn tại theo phương thức nộp lại số lợi có được (bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép) để tăng thêm tiện ích cho khu dân cư!
“Quan tâm xem xét” công trình xây dựng sai phép
Dự án TDS có diện tích 27.018,4m2, gồm 30 căn biệt thự ven sông cao 3 tầng, được chủ đầu tư quảng bá “đây là khu đất ven sông cuối cùng tại khu dân cư phát triển cao trong nội thành TPHCM”. Thế nhưng, trái với sự tô hồng đẹp đẽ đó lại là một “núi” xây dựng sai phép tại dự án!
Theo Thanh tra Sở Xây dựng, dự án TDS đã xây dựng sai phép trên phần đất cây xanh, cảnh quan, nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn; ngày 29-3-2017, Đội Thanh tra địa bàn quận 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính và đình chỉ thi công.
Bác đề nghị “xem xét” cho tồn tại công trình sai phép ảnh 1 Dự án Thảo Điền Sapphire xây dựng sai phép tại rạch Ông Hóa, vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn
Chánh Thanh tra sở đã ban hành quyết định xử phạt hành chính, trong đó phạt tiền 40 triệu đồng; đình chỉ thi công toàn bộ công trình, buộc Công ty TDS tự tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phép có diện tích 1.127m2.
Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án không chấp hành mà tiếp tục thi công, đồng thời phát sinh thêm phần công trình xây dựng vi phạm mới với diện tích 269,64m2, nằm trên phần đất cây xanh, cảnh quan, đường kết nối, trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, rạch Ông Hóa.
Phát hiện sự việc, Đội Thanh tra địa bàn quận 2 đã tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm.
Ngày 20-5-2017, UBND TPHCM ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1 tỷ đồng, buộc Công ty cổ phần TDS tự phá dỡ phần công trình sai phép với tổng diện tích 1.396,64m2.
Đến ngày 28-7-2017, UBND TPHCM ký quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành trước đó. “Ngày 10-8-2017 chủ đầu tư dự án TDS có văn bản trình bày đã nộp tiền phạt và đã tháo dỡ 2 trong số 14 hồ bơi, trả lại hiện trạng ban đầu”, một cán bộ Thanh tra Sở Xây dựng cho biết. Tuy nhiên, công ty lại đề nghị cho phép không tháo dỡ phần diện tích sai phạm và đóng phạt theo khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013.
Ngày 18-8-2017, Horea có văn bản đề nghị xem xét đơn cứu xét của Công ty TDS với những nội dung đã nêu trên.
Có tạo tiền lệ?
Trong văn bản trả lời của Thanh tra Sở Xây dựng, thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 121/2013 đã quy định rõ: “Khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121 chỉ được áp dụng đối với trường hợp khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính thì hành vi này đã kết thúc, công trình xây dựng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng”.
Trong khi đối với dự án TDS, tại thời điểm phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính, công ty đang thi công công trình sai phép và xây dựng trên phần đất thuộc cây xanh, cảnh quan, đất thuộc đường kết nối, nằm trong hành lang bảo vệ sông, rạch.
Mặt khác, trước đó, ngày 12-1-2016, Sở Xây dựng đã có văn bản số 576 hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật trên, nêu rõ: “Các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch… không được áp dụng khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121 để xử lý, mà phải kiên quyết tháo dỡ”.
Như vậy, việc Horea đề nghị cho phép tồn tại công trình xây dựng trái phép của dự án TDS là không có cơ sở. Đó là chưa nói, hệ thống hồ bơi được xây dựng nhằm phục vụ lợi ích cho chủ sở hữu căn biệt thự, không phải là công trình phục vụ lợi ích công cộng.
Cũng theo Thanh tra Sở Xây dựng, cơ quan này đã có văn bản phúc đáp và sao gửi hồ sơ báo cáo toàn bộ lên Thanh tra Bộ xây dựng, nhưng chưa nhận được văn bản nào khác liên quan đến vụ việc…
Thanh tra Sở Xây dựng cũng thông tin thêm, ngày 22-8-2017, Đội Thanh tra địa bàn quận 2 phối hợp với Phòng Quản lý đô thị quận 2, UBND phường Thảo Điền và ban ngành đoàn thể có liên quan, giám sát thực hiện việc tự tháo dỡ của chủ đầu tư. Khi đoàn có mặt, nhận thấy công ty đã tháo dỡ khoảng 30% các hạng mục công trình vi phạm và đang tiếp tục tháo dỡ phần còn lại.
Đại diện chủ đầu tư hợp tác, xin gia hạn thời gian tháo dỡ chậm nhất đến hết ngày 22-9-2017, nếu quá thời hạn trên mà vẫn chưa tháo dỡ xong, UBND quận 2 sẽ thực hiện cưỡng chế.
Rõ ràng, việc xây dựng sai phép hàng loạt công trình như vậy tại dự án TDS phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Nếu chấp nhận cho tồn tại sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và dư luận sẽ bức xúc: Vì sao cùng một hành vi vi phạm xây dựng sai phép, không phép, chính quyền xử lý nghiêm, buộc tháo dỡ các công trình của người dân, nhưng lại cho tồn tại đối với các dự án bất động sản? 

Tin cùng chuyên mục