Bắc Triều Tiên trông đợi một hiệp ước hòa bình?

CHDCND Triều Tiên tuyên bố xóa bỏ mọi thỏa thuận chính trị, quân sự với Hàn Quốc, đổ lỗi cho phía Hàn Quốc đẩy quan hệ hai nước đến bờ vực của chiến tranh. Phía Hàn Quốc, Tổng thống Lee Myung-bak cũng cảnh báo đất nước này sẽ phải đối phó với tình huống tồi tệ sắp đến. Quan hệ hai miền đã có bước thụt lùi từ khi ông Lee Myung-bak lên làm tổng thống giờ đây càng căng thẳng hơn khiến dư luận lo ngại.

Hai miền Triều Tiên đã có cả thập kỷ hợp tác, kể từ khi cựu Tổng thống Kim Dae – jung đưa ra chính sách “Ánh dương” thiện chí hướng đến miền Bắc. Vị Tổng thống kế tiếp, Roh Moo-hyn cũng tiếp tục các thỏa thuận mở rộng hợp tác về kinh doanh, du lịch… Khu du lịch núi Kumgang đã thu hút hàng vạn người Hàn Quốc mỗi năm.

Đặc biệt khu công nghiệp Kaesong thu hút hơn 35.000 công nhân Bắc Triều Tiên và chuyên gia Hàn Quốc làm việc như một biểu tượng hợp tác hiệu quả. Nhưng khi cầm quyền, Tổng thống Lee Myung-bak tuyên bố thực hiện chính sách cứùng rắn với Bình Nhưỡng, gắn viện trợ cho Bình Nhưỡng với từ bỏ chương trình hạt nhân.

Quan chức trong chính quyền Hàn Quốc có tuyên bố coi Bắc Triều Tiên là mối đe dọa hạt nhân và kêu gọi “tấn công phủ đầu” các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc còn cùng Nhật Bản và EU lên án vấn đề nhân quyền của Bắc Triều Tiên; để mặc cho nhiều nhóm người thả bóng mang truyền đơn chống Bình Nhưỡng bay vào nước này. Bình Nhưỡng đã giận dữ, trục xuất gần toàn bộ nhân viên Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong. Sự hợp tác của hai nước cả chục năm đến nay gần như kết thúc.

Vấn đề là liệu những phản ứng giận dữ của Bắc Triều Tiên có biến thành hành động? Không đoán được, nhưng căng thẳng quá mức thì khả năng xảy ra xung đột và theo giới phân tích, nếu có, là ở trên biển. Thời điểm dễ xảy ra nhất là trong mùa đánh bắt cua, khi tàu đánh bắt của Bắc Triều Tiên hoạt động, gây ra thách thức đối với tàu tuần tra của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải, như đã xảy ra vào tháng 6-1999 và tháng 6-2002. Tuy nhiên đụng độ này sẽ ở cấp độ nhỏ bởi việc gây căng thẳng của Bình Nhưỡng là nhằm mục đích khác: lôi kéo sự chú ý của Mỹ trong khi Mỹ đang bận tâm tới Trung Đông.

Việc Bắc Triều Tiên coi mọi thỏa thuận với Hàn Quốc không còn giá trị hàm ý Bình Nhưỡng giờ đây chỉ đàm phán các vấn đề an ninh khu vực với chính quyền mới của Mỹ. Trong căng thẳng hiện nay lại có tin Bình Nhưỡng chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo, càng cho thấy họ muốn tạo nên khủng hoảng để kéo Washington vào đàm phán. Bởi theo họ cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên có gốc rễ ởû quan hệ song phương Bắc Triều Tiên - Mỹ.

Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu Mỹ ngừng đe dọa họ. Mỹ và Bắc Triều Tiên hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ thỏa thuận ngừng bắn năm 1953. Cho đến nay Washington vẫn từ chối thảo luận việc ký một hiệp ước hòa bình với Bắc Triều Tiên.

Người phát ngôn của Tổng tham mưu trưởng quân đội CHDCND Triều Tiên lại vừa phát biểu trên truyền hình rằng “Bình Nhưỡng sẽ không từ bỏ bom nguyên tử và sẽ giữ vũ khí hạt nhân đến khi Mỹ xóa bỏ mọi mối đe dọa với nước này”. Bắc Triều Tiên phải chăng một lần nữa phát đi thông điệp với chính quyền Mỹ rằng một hiệp ước hòa bình là điều CHDCND Triều Tiên đang trông đợi? 

LỆ THƯ

Tin cùng chuyên mục