Tuyến đường sắt Lộc Ninh - Sài Gòn: Ngày ấy, bây giờ

Bài 1: Lộc Ninh vắng tiếng còi tàu

Thật không dễ dàng cho những người đi tìm lại dấu tích của nhà ga Lộc Ninh và tuyến đường sắt chạy qua ga vì nó đã ngưng hoạt động cách đây hơn nửa thế kỷ. Anh Hoàng Ngọc Anh (Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Ninh) nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi trong hành trình tìm lại dấu tích nhà ga và tuyến đường sắt ngày xưa.
Bên trong Nhà máy toa xe lửa Dĩ An
Bên trong Nhà máy toa xe lửa Dĩ An
Người ta đã nói nhiều về tính khoa học trong xây dựng đường giao thông, chia tỉnh, quy hoạch cây trồng, vật nuôi của người Pháp tại Đông Dương thời thuộc địa. Và một trong những quyết định ấy là thiết lập tuyến đường sắt Lộc Ninh - Sài Gòn để vận chuyển hành khách, hàng hóa, đặc biệt là chuyên chở mặt hàng mủ cao su, một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của vùng Đông Nam bộ đi thẳng về Sài Gòn để xuất khẩu sang các nước châu Âu. Giờ đây, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khi cạnh tranh thương mại càng khốc liệt thì một lần nữa người ta lại thấy tầm quan trọng của tuyến đường sắt này. 
Nhạt nhòa dấu tích thời gian
Sau nhiều cái lắc đầu, cuối cùng chúng tôi cũng được một người dân địa phương quả quyết rằng, dấu tích của nhà ga và đường sắt Lộc Ninh ngày trước chính là cầu Quay ở ngay trung tâm thị trấn, là nơi xe lửa quay đầu mỗi khi ra vào ga. Nhưng dấu tích ấy giờ chỉ là vài hàng đá đen, đỏ đặc trưng còn sót lại cao khoảng hơn 50cm và trên đó đã mọc lên một quán cà phê nhỏ. Theo con đường đá nhỏ, chúng tôi đi về phía Đông thì bắt gặp một cái cống cũng làm bằng đá đen và đá ong tương tự. Chủ nhà cho biết xưa kia đây là cống của đường rầy xe lửa. Đi ngược về phía chợ Lộc Ninh, chúng tôi bắt gặp một phần của bồn nước đã ố vàng, bên trên và tứ phía bị xâm chiếm, cơi nới. Bồn nước bị phá bỏ gần hết nên ít người biết, nó là một phần của nhà ga ngày xưa.
Để có cơ sở khẳng định chắc chắn, chúng tôi lội xuống căn nhà nằm phía dưới taluy âm, ngay vị trí bồn nước gióng xuống sâu hơn chục thước và bắt gặp nhà để máy bơm xưa cùng hệ thống trụ, tường xây đỡ đường ống chạy ngược lên bồn nước đang nằm trong vườn nhà ông Ngô Văn Ky (56 tuổi) thuộc tổ 7, ấp 3, khu phố Ninh Thái, thị trấn Lộc Ninh. Ông cho biết, ngày trước ở đây có hồ nước ở dưới và người ta đặt máy bơm lên trên, sau đó hồ này đã bị lấp để lấy đất trồng rau. Vườn nhà ông có diện tích 3,6 sào đã được cấp sổ còn toàn bộ các nhà ở phía trên đường, nằm trong hành lang đường tàu đều không có sổ.
Ông tâm sự: “Tôi mua đất này từ năm 1992 thì phía trên đường rày chưa có nhà ở, từ khoảng năm 1997 người ta bắt đầu tới ở, ban đầu làm cái nhà nho nhỏ, dù chính quyền không cho xây cất, nhưng vài năm trở lại đây, người ta ở nhiều, chính quyền phạt và cho làm nhà tạm”. Theo con đường bê tông đi tiếp khoảng 300m, chúng tôi bắt gặp một cây cầu sắt bắc qua một con suối sâu dẫn vào cổng sau nhà máy chế biến mủ tờ của Công ty Cao su Lộc Ninh. Hai bên thành cầu cũng bằng sắt đã bị gỉ toàn bộ nhưng vẫn gợi nhớ về một phần của tuyến đường sắt xưa.    
Bài 1: Lộc Ninh vắng tiếng còi tàu ảnh 1 Bản đồ tuyến đường sắt Lộc Ninh - Dĩ An năm 1933
Chúng tôi liên hệ với ban giám đốc Công ty Cao su Lộc Ninh và được các anh tạo điều kiện cho tham quan nhà máy chế biến mủ tờ từ thời Pháp để tìm hiểu thêm về quy trình chế biến, vận chuyển cao su ngày trước. Tuyến đường sắt ngày xưa người Pháp làm chủ yếu phục vụ cho việc chuyên chở cao su với tên gọi Rubber Line từ nhà máy ở Lộc Ninh về Dĩ An, Sài Gòn rồi xuống tàu thủy để xuất khẩu trực tiếp về chính quốc cùng nhiều nước châu Âu.
Ông Đào Văn Lừng (quê Nam Định) phụ trách phân xưởng chế biến mủ cao su loại mủ tờ (CBMT) vốn là bộ đội xuất ngũ vào lập nghiệp ở Lộc Ninh và làm công nhân của nhà máy cách đây hơn 30 năm. Ông cho biết: “Năm 1985, tôi đã có mặt ở nhà máy và cơ ngơi y nguyên tới bây giờ, khi đó đường rày vẫn còn, khu phơi mủ của dây chuyền mủ cốm và khu để củi sau đã bị lấp, toàn bộ dây chuyền sản xuất gồm máy móc như hai dàn cán mủ, khuôn đánh đông, xe goòng, xe rùa đẩy cán kéo mủ… cho đến quy trình kỹ thuật làm mủ tờ như còn y ngày xưa”. 
Xe lửa Dĩ An - một thời vang bóng
Tuyến đường sắt Lộc Ninh - Sài Gòn ngày trước đi qua địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương), qua những cái tên ga vốn khá quen thuộc với người dân địa phương như Lái Thiêu, Chợ Búng và nhất là ga Dĩ An (vẫn đang hoạt động). Ở đây vẫn còn một nhánh đường sắt kết nối từ ga đến Nhà máy Toa xe Dĩ An và đầu máy xe lửa hơi nước trưng bày trước cổng nhà máy gọi nhớ một thời hoàng kim của ngành Hỏa xa Đông Dương. Tập trung các khu công nghiệp (KCN) với số lượng nhiều nhất nước, Bình Dương đang rất cần có một hệ thống đường sắt kết nối các KCN vào tuyến chính Lộc Ninh - TPHCM để xuôi về các cảng sông, cảng biển nhằm tăng tốc phát triển kinh tế. Nhưng hiện tại, đường sắt Dĩ An đang bị “chảy máu” tài nguyên đất đai. 
Do tuyến đường sắt đã bị khai tử hơn 50 năm nên giờ đây ít ai biết đến những tên ga, tên địa danh gắn liền với hành trình của tuyến đường. Dò hỏi rất nhiều người, chúng tôi cũng không tìm ra địa danh An Mỹ - một điểm dừng trên tuyến đường sắt đi qua Thủ Dầu Một. Trở ngược về Lái Thiêu, một người dân chỉ đường cho chúng tôi đến Ngã tư ga (không phải Ngã tư ga ở Gò Vấp, TPHCM). Ở gần đó có cụ bà Trần Ngọc, năm nay đã 81 tuổi.
Bà Ngọc chỉ tay về phía nhà đối diện và nói: “Tui sanh đẻ ở đây, ngày trước nhà ga nằm bên đó, có cổng gác đàng hoàng, tên là Ga Bình Nhâm, hồi đó tui còn nhỏ hay đi tàu lên chợ Búng hay xuống chợ Lái Thiêu hoài”. Tất cả dấu vết của con đường sắt qua đây đã bị thời gian và bàn tay con người xóa sạch. Hỏi về  cầu Sắt Ngã tư ga, nhiều người biết, nhưng giờ chỉ còn cái tên và được thay bằng cầu xi măng. Còn trên nền đường xe lửa xưa kia giờ đã thành con đường trải nhựa láng o với cái tên rất kiêu hãnh “Đường rày xe lửa”. Dạo quanh vài con phố, nhất là khu cảng bến sông Lái Thiêu nằm bên một làng gốm sầm uất, một lần nữa chúng tôi phải thán phục cách các kỹ sư, công nhân làm đường sắt xưa kia đã khéo chọn đặt vị trí các ga kết nối. Cho đến nay, Lái Thiêu vẫn là một vùng cây trái ngon nổi tiếng của xứ đất Thủ, một phố gốm ven sông rất gần chợ vẫn đầy sức sống thì đủ biết sự sung túc của vùng đất này từ hơn 70 năm trước khi còn tuyến đường sắt chạy qua, khi còn ga Lái Thiêu. 
Cách chợ Lái Thiêu chưa đầy một cây số là một cây cầu có cái tên khá quen thuộc với cư dân Lái Thiêu và phường Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM): Cầu Sắt. Cầu bắc qua một nhánh sông Sài Gòn vẫn còn hữu dụng cho nhu cầu đi lại của người dân hai địa phương. Đó là chứng tích sống động còn lại của tuyến đường sắt Lộc Ninh - Sài Gòn cách đây hơn nửa thế kỷ. 
“Chảy máu” tài nguyên đất
Chúng tôi tiếp cận cơ ngơi của Nhà máy Toa xe lửa Dĩ An (nay là Công ty CP Xe lửa Dĩ An) từ trên cao. Nhìn từ phía Bắc, bên trong nhà máy thật hoành tráng với nhiều đường rày đan xen khá đẹp mắt, một số chạy vào đề - pô nơi có xưởng cơ khí sửa chữa, đóng mới toa tàu và một số chạy thẳng ra cổng sau nơi có một số toa tàu đang rỉ sét. Nếu ở phía cổng sau cỏ mọc um tùm, hoang phế thì ở phía có đường rày chạy qua đường Lý Thường Kiệt thì khung cảnh cứ ngỡ đang ở một nhà ga sầm uất nào đó bên trời Âu với hệ thống đường rày uốn cong. Kế bên là khu dân cư cao cấp, được cắt từ đất của ngành đường sắt làm phông nền cho khung cảnh. Tuy nhiên, khung cảnh đó đang thiếu sức sống vì chỉ một phần diện tích nhà xưởng, đất đai được sử dụng, công nhân lèo tèo.  
Bên ngoài hàng rào của nhà máy toa xe là một con phố mới đã mọc lên. Bên cạnh các ngôi nhà cao 3-4 tầng khang trang thì cũng có nhiều lô đất trống đang được rao bán. Hỏi một điểm dịch vụ nhà đất được biết, nhà đất ở đây thuộc dự án Toa Xe lửa Dĩ An có tên gọi là Khu dân cư Thành Lễ. Ngày xưa, đây là một phần đất của khu đất do ngành đường sắt quản lý mới được xẻ ra quy hoạch khu dân cư. Bao quanh nhà máy là một con phố mới với tên mới là Nguyễn Đức Thiệu (tên cũ là đường Nghiệp vụ xe lửa) dài khoảng hơn 2km và đoạn chạy qua cổng sau nhà máy có khu Liên hợp Thể thao giải trí Đề - pô Dĩ An. Cách cổng nhà máy hơn 500m, một khu đất nữa của ngành đường sắt mới được “xẻ thịt” thành một dự án bất động sản đang rậm rịch phân lô bán nền thuộc Công ty phát triển nhà xe lửa Dĩ An, đang có đoạn đường sắt từ Ga Dĩ An - nhà máy Toa xe chạy qua. Tìm gặp UBND phường Dĩ An thì được biết, toàn bộ diện tích Nhà máy Toa xe lửa Dĩ An quản lý trước 24ha, sau cắt ra 9ha làm khu dân cư; còn dự án của Công ty phát triển nhà xe lửa Dĩ An là đất thuộc Trạm Vật tư đường sắt cắt có diện tích 14ha, trừ 1ha dành cho trường học, còn đã được hóa giá và hợp thức hóa thành khu dân cư.  

Tin cùng chuyên mục