“Nhà giàn” trên biên cương

Bài 1: Nơi thượng nguồn sông Giăng

LTS
Bài 1: Nơi thượng nguồn sông Giăng

LTS: 34 năm lính, gần nửa đời người khoác áo biên phòng, Đại tá Nguyễn Việt Hà, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An sau khi đi thăm bộ đội ở Trường Sa trở về, đã đưa ra nhận xét về mức độ khó khăn gian khổ của bộ đội Trường Sa so với bộ đội biên phòng là “3 hơn, 3 kém”... Chúng tôi cũng đã đến Trường Sa, đã tận mắt chứng kiến những khó khăn gian khổ của bộ đội Trường Sa, nhất là các phân đội đóng quân trên các nhà giàn DK1 và các đảo san hô. Thế nhưng, khi được tận mắt thấy cuộc sống sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội biên phòng trấn giữ biên giới phía Bắc Trung bộ (các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), chúng tôi… không thể không công nhận: Có những đồn, trạm biên phòng nằm heo hút, chênh vênh giữa núi cao rừng thẳm, như những “nhà giàn” chốn biên cương!

Đại tá Hoàng Anh Thắng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An vạch ra lịch trình: Từ Đồn biên phòng Môn Sơn (đồn 555, đóng trên địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đi vào bản Cò Phạt, nơi cư trú của tộc người Đan Lai, đi thuyền chỉ mất khoảng hơn 1 giờ. Trước khi hành quân, Trung tá Nguyễn Ngọc Minh, Đồn phó Đồn 555 ra lệnh: “Để lại tất cả giày dép, nón, tư trang, túi xách, điện thoại di động. Mặc áo tay dài, đi dép rọ, đội nón cối... mới được xuống thuyền!”. Dòng sông trong xanh và lặng ngắt như cất giấu bao điều bí mật. Tất cả chúng tôi đều chưa biết gì về con sông có cái tên lãng mạn như giăng mắc, như vấn vương này - sông Giăng, cũng như chưa hiểu gì về những người lính biên phòng đang bám trụ nơi thượng nguồn con sông.

17km, 74 lần đẩy thuyền vượt sông

Bên mạn chiếc thuyền máy đuôi én đưa chúng tôi đi là dòng chữ: “Kiểm lâm Việt Nam” - Thuyền của Vườn quốc gia Phù Mát. Lái đò: La Văn Tạo - nhân viên vườn quốc gia. Hộ tống thuyền còn có 4 cán bộ, chiến sĩ biên phòng. Vậy là từ “cơ sở vật chất” đến “nguồn nhân lực” cho hành trình này đều theo chế độ ưu tiên. Vật dụng trên thuyền không có gì ngoài một cây sào, 2 can xăng độ 40 lít và vô số… chân vịt! Hỏi sao không mang theo vài cây sào nữa mà chèo chống cho dễ, lái thuyền trả lời: “Phải tiết giảm tối đa trọng lượng. Cái gì đáng mới đem theo, để cho thuyển nổi, đi nhanh!

Đẩy thuyền vượt thác sông Giăng. Ảnh: Mai Hương

Đẩy thuyền vượt thác sông Giăng. Ảnh: Mai Hương

Chúng tôi không phải thắc mắc lâu. Sau hơn trăm mét dạo đầu tương đối êm ả, ghềnh thác bắt đầu xuất hiện. Thuyền đang phăm phăm giữa sông, bỗng đâu có mỏm đá trồi lên chặn lối. Rất nhanh, 3 chiến sĩ nhảy xuống nước, tay bám vào mạn thuyền ra sức bẻ lái cho mũi thuyền tránh khỏi ghềnh đá. 3 người vừa trèo lên thuyền, chưa kịp vắt nước hai ống quần thì đáy thuyền lại va sàn sạt vào đá ngầm.

Lần này, cả Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An Ninh Công Chức cũng phải nhảy xuống nước. Càng ngược sông, mực nước càng xuống thấp, nhiều đoạn chỉ ngang mắt cá chân. Càng vào sâu, tiếng động cơ thuyền càng lọt thỏm giữa đại ngàn hoang lạnh. Đá tảng lổn nhổn xếp đầy đáy sông, lừng lững trồi sụt giữa lòng sông không theo bất cứ quy luật nào, nắn lệch dòng chảy, tạo thành những xoáy, hốc nước hiểm hóc sẵn sàng vồ túm, lật úp con thuyền. Lái đò Tạo phải ghì chặt, đè mạnh tay lái, để chân vịt chỉ là đà mặt nước, vừa đủ đẩy thuyền đi mà không va vào đá. Ngồi trên thuyền, chúng tôi cảm nhận rõ tiếng chà xát của đáy thuyền lên mặt đá. Con thuyền đi với tốc độ cực chậm.

Chỉ sau quãng đường, tất cả những người ngồi trên thuyền đều phải phóng xuống nước để đẩy và… khênh thuyền. Đá ngầm trơn như bôi mỡ. Đến lúc này, khi lội dưới lòng sông để tham gia đẩy thuyền, tôi mới thấy rõ công dụng của đôi dép rọ bộ đội. Cả 4 chiến sĩ biên phòng đã cởi bỏ quân phục, chỉ vận mỗi áo lót và quần cộc. Lái đò, biên phòng, phóng viên, người chèo, người chống đều ướt sũng nước. Nước tràn vào lòng thuyền lênh láng. Trên đầu, nắng tháng sáu của miền Trung hắt xuống như đổ lửa. Quần áo của chúng tôi hết ướt rồi khô, hết khô lại ướt không biết bao nhiêu lần.

Đang cật lực ngồi tát nước bằng chiếc mũ cối gần sau lái, tôi bị xô ngã chúi, suýt bắn ra đằng mũi thuyền. Chiếc máy Koler bật khỏi chân đế, lao thẳng về phía trước. May mà Tạo kịp dùng hết sức ghìm lại. Chân vịt đụng đá ngầm gãy mất 2 cánh. Vừa lúi húi thay chân vịt, Tạo vừa cười, nói: “Lúc nãy em mà không tránh kịp là gãy lưng rồi đó”. Một phóng viên hỏi: Còn phải đẩy thuyền bao nhiêu lần nữa? Tạo đáp: “Từ ngoài vào đến bản Cò Phạt, có lần chúng tôi phải đẩy thuyền 74 lần”. Trung tá Ninh Công Chức kể thêm: “Từ đồn vào đấy chỉ chừng 17km. Thế mà có chuyến vì đẩy thuyền, khênh thuyền mà có anh bị ốm hơn nửa tháng. Anh nào khỏe cũng bải hoải 2-3 ngày…”.

Khi thuyền vào tới Bản Búng - bản xa nhất thuộc địa bàn quản lý của Đồn 555, tổng cộng chúng tôi đã vật lộn với sóng nước hơn 4 giờ đồng hồ. Ai cũng rã rời. Tôi hỏi: Tại nước cạn nên chuyến này đi lâu hơn phải không? Lái đò Tạo bảo: Thế này là nhanh lắm rồi. Nước cạn thì đẩy nhiều hơn, nước lớn thì dòng chảy mạnh hơn, đều khó khăn và mất nhiều thời gian hơn… Thì ra, thời gian mà Đại tá Hoàng Anh Thắng thông báo với chúng tôi, đơn thuần chỉ là một lời… động viên!

Đệ nhất lạc hậu và... đắt đỏ!

Tộc người Đan Lai chỉ còn hơn 3.000 người sinh sống ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Để vào tận nơi người Đan Lai sinh sống, nếu đi đường bộ, leo núi phải mất hơn 1 ngày. Đi đường thủy theo sông Giăng vượt thác, lên độ cao 1.356m so với mặt nước biển, rổi theo Khe Khặng vào Bản Búng và Cò Phạt, gặp thời tiết thuận như chúng tôi cũng đã mất hơn 4 tiếng. Thế nhưng, cung đường này là nơi bộ đội biên phòng Đồn 555 xuôi ngược thường xuyên. Năm 2007, trên sông Giăng, 2 chiến sĩ biên phòng của Đồn 555 đã hy sinh khi vượt lũ cứu dân. Trước đó, năm 1996, chiến sĩ biên phòng Nguyễn Đình Thanh đã mãi mãi nằm lại với sóng thác sông Giăng trong lúc dẫn đường cho đoàn phóng viên thâm nhập vùng đất này. Năm đó anh vừa tròn 23 tuổi.

Bài 1: Nơi thượng nguồn sông Giăng ảnh 2

Người dân Bản Búng đi lấy nước. Ảnh: Mai Hương

Trạm biên phòng ở bản Cò Phạt trông tuềnh toàng như một trại cưa dã chiến. Ngay trước trạm là 2 cái máy cưa án ngữ. Trạm có 5 người thì 3 người đã đi tuần tra, còn lại 2 chiến sĩ đang hì hục cưa gỗ để làm nhà đại đoàn kết cho đồng bào. Không hổ danh là nơi sơn cùng thủy tận, Cò Phạt và Bản Búng đáp ứng đủ tiêu chí 7 không: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không thông tin liên lạc, không chợ búa giao thương và không quan hệ với người bên ngoài. Giữa đất liền mà như hoang đảo. Trời nóng như đổ lửa nhưng trong trạm chỉ vè vè một cái quạt máy con con chạy bằng thủy điện nhỏ từ dòng chảy sông Giăng. Nó nhỏ đến mức muốn bật quạt thì phải cúp đèn, còn xem tivi thì phải tắt cả đèn lẫn quạt. Tivi màu không xài được, chỉ dùng được tivi 14 inch đen trắng. Điện đóm phập phù, sóng hình chập choạng, thời lượng phát sóng tối đa chỉ khoảng 1 giờ/ngày.

Do đường sá đi lại khó khăn nên hàng hóa ở đây đã thiếu lại đắt kinh khủng vì cước phí vận chuyển. La Văn Long, một thanh niên người Đan Lai cho biết: Bình thường, tiền công để thuê một chiếc thuyền từ trung tâm xã Môn Sơn vào Cò Phạt, Khe Khặng, Bản Búng có giá từ 700.000 - 1,5 triệu đồng, tùy thời tiết và mực nước. Mỗi thuyền chỉ chở khoảng 6 người kèm theo một ít đồ dùng. Trung bình, mỗi kilômét phải mất gần trăm ngàn đồng tiền vận chuyển. Công vận chuyển 1 tạ gạo vào bản có giá 100.000 - 300.000 đồng. Một bao ximăng ngoài trung tâm xã có giá 60.000 đồng, chuyển được vào đây, phí vận chuyển đội giá lên 120.000 đồng…

Tộc người Đan Lai được bộ đội biên phòng phát hiện trong khi đi tuần tra và khảo sát biên giới. Từ chỗ sống biệt lập, lạc hậu trong rừng sâu, kinh tế hoàn toàn dựa vào đánh bắt, hái lượm, đến nay, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng, bà con đã biết trồng lúa, chăn nuôi, trẻ con được đến trường, người bệnh được đến trạm xá. Bản Cò Phạt giờ có được 81 hộ, 345 khẩu, 5ha lúa, 3ha ngô, 2ha lạc, 0,5ha vừng. Bản Búng có 87 hộ, 405 khẩu, 13,5ha lúa, 2ha lạc, 5ha ngô, 0,5ha vừng. Tuy nhiên, theo đại úy Trịnh Văn Quế, Chính trị viên phó Đồn 555, năm nào bà con trúng mùa cũng mới chỉ đủ gạo ăn trong 4 tháng, những tháng còn lại phải ăn độn sắn với măng rừng. Cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng đã trích tiền lương lập quỹ để mua quần áo, chăn màn cho bà con nghèo trong bản…

Bài 2: Phía sau dốc cao là mây mù

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục