Bất cập cổ phần hóa

Bài 1: Trên chờ văn bản, dưới không muốn buông

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đặt ra để đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế trong thời mở cửa. Thế nhưng, thời gian dài vừa qua, việc này gần như ngưng trệ.
Những khó khăn trong công tác cổ phần hóa như nguy cơ làm thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động định giá giá trị thương hiệu, giá trị lợi thế đất đai… vẫn chưa được giải quyết. Dù số lượng DN cổ phần hóa còn lại không phải là lớn, nhưng vẫn ách, vì… trên thì chờ văn bản luật, còn dưới thì lại không muốn buông!
Đình trệ vì thiếu hướng dẫn
Kế hoạch thoái vốn, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN của TPHCM giai đoạn 2016-2018 là phải xử lý 60 DN. Trong đó, đã có 50 DN được Ban Đổi mới quản lý DN TP thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa DN. Thế nhưng, đến giờ đã giữa năm 2017, hoạt động cổ phần hóa của TP vẫn đóng băng tại chỗ, chưa một DN nào hoàn thành cổ phần hóa của giai đoạn này. 
Trong số 60 DNNN phải sắp xếp, cổ phần hóa (15 công ty mẹ, 15 công ty con và 30 DN độc lập), UBND TPHCM đã phân loại có 7 DN giữ lại 100% vốn nhà nước; 4 DN nắm giữ trên 65% vốn; 27 DN nắm giữ trên 50% vốn và 9 DN giữ dưới 50% vốn. Còn lại hơn chục DN đã được Chính phủ phê duyệt từ trước năm 2010 là phải bán, giải thể, phá sản, thế nhưng, đến giờ vẫn chưa làm được!
Câu hỏi đặt ra là tại sao Chính phủ liên tục chỉ đạo phải đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới DNNN và TPHCM cũng liên tục họp để tháo gỡ khó khăn trong công tác cổ phần hóa mà đến giờ vẫn chưa ra được “sản phẩm” nào? “Nguyên nhân của việc trì trệ trong công tác cổ phần hóa của TP thời gian qua là do có quá nhiều tranh cãi trong việc định giá tài sản ở các liên doanh. Vì chưa có hướng dẫn thống nhất giữa các bên nên các đơn vị không dám định giá, xử lý tài sản để cổ phần hóa, vì lo sợ trách nhiệm”, ông Huỳnh Trung Lâm, Phó ban Đổi mới quản lý DN TP, nói. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác làm trì trệ tiến trình cổ phần hóa như chưa có hướng dẫn cụ thể về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, chưa có hướng dẫn trong định giá giá trị thương hiệu DN, giá trị lợi thế đất đai… 
Dù nghị định quy định việc chuyển DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần được ban hành lần sau cùng là năm 2015, nhưng do không dự liệu được những vấn đề phát sinh, nên chỉ sau 1 năm, Chính phủ đã phải dự thảo một nghị định mới thay thế và đến giờ… vẫn chưa ra đời. Đó là lý do khiến công tác cổ phần hóa thời gian qua bị giậm chân tại chỗ!
Bài 1: Trên chờ văn bản, dưới không muốn buông ảnh 1 Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cholimex. Ảnh: THÀNH TRÍ
 Và… sợ mất quyền
Theo báo cáo của Ban Đổi mới quản lý DN Trung ương, hiện có nhiều tỉnh, bộ, ngành suốt thời gian dài không có một DN nào hoàn thành cổ phần hóa. Lý do, ngoài việc thiếu các quy định hướng dẫn như kể trên, thì còn có một thực tế tế nhị khác khiến cho công tác thoái vốn, cổ phần hóa DNNN chậm, là quyền lợi. Bởi, theo quy định, sau khi thoái vốn, cổ phần hóa các DNNN thì số tiền thu được phải chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Do vậy, nếu phải thoái vốn, cổ phần hóa DNNN thì các cơ quan quản lý cũ (là các bộ, ngành, tỉnh, thành) không những không thu được tiền vào ngân sách đơn vị mình, mà còn mất đi quyền quản lý, điều hành… Vì sợ mất quyền nên các cơ quan quản lý nhà nước không mặn mà với việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN.
Nghị định thay thế dự kiến bổ sung thêm nội dung hướng dẫn đối với một số trường hợp đặc thù: Trong trường hợp hợp đồng (hoặc giấy phép đầu tư) góp vốn liên doanh có điều khoản “kết thúc thời hạn hoạt động của công ty liên doanh, toàn bộ tài sản được bàn giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam” thì xử lý tài sản như sau: 
- Nếu DN cổ phần hóa tiếp tục kế thừa thì phải xác định lại giá trị khoản đầu tư trong liên doanh, khi liên doanh kết thúc, giá trị tài sản chuyển giao không bồi hoàn cho bên Việt Nam. Cơ quan chủ sở hữu lập phương án bán đấu giá tài sản báo cáo Thủ tướng quyết định. Nguồn thu này nộp về cho Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.
- Trường hợp DN cổ phần hóa không kế thừa thì thống nhất với các bên góp vốn để chuyển giao cho DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoặc bán lại phần vốn góp cho đối tác hoặc các nhà đầu tư.
Thực tế, tại TPHCM, số tiền thu được từ việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của TP. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) thời gian qua đã quản lý và sử dụng rất tốt nguồn vốn này để làm vốn đối ứng, kêu gọi, thu hút đầu tư từ nước ngoài vào các công trình phúc lợi xã hội. Khác với SCIC, HFIC không những kinh doanh sinh lợi từ nguồn vốn nhà nước mà còn làm cả nhiệm vụ chính trị, đó là đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các công trình an sinh xã hội. Do vậy, nếu phải chuyển nguồn vốn này về SCIC thì những nơi hạ tầng “quá tải” như TPHCM sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, còn một vấn đề phát sinh từ thực tế cần phải được giải quyết, đó là phải có chế tài xử lý những cán bộ cố tình trì hoãn tiến trình cổ phần hóa. Khi DN cổ phần hóa, có nghĩa là quyền quản lý DN sẽ do các cổ đông quyết định, dựa trên vốn góp, chứ không phải do Nhà nước toàn quyền bổ nhiệm cán bộ như trước. Nếu lãnh đạo DN 100% vốn nhà nước không thật sự giỏi thì sẽ khó có thể được cổ đông lựa chọn tiếp sau khi cổ phần hóa. Do vậy, một số lãnh đạo DN không giỏi sẽ không hợp tác đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa theo chỉ đạo của cấp trên, vì sợ bị… mất ngôi!

Tin cùng chuyên mục