Bài 2: Hàng “ảo” lừa đảo trên mạng

Thời công nghệ thông tin, cần cái gì người ta cũng lên mạng tìm kiếm. Công cụ hỗ trợ hay “hàng nóng” cũng không ngoại lệ. Vào bất cứ trang mạng tìm kiếm nào và gõ dòng chữ “vũ khí nóng”, “hàng nóng”… trong vòng vài giây, chúng tôi nhận được hơn cả trăm ngàn kết quả. Nhưng, đó chỉ là những thông tin ban đầu, còn thực sự chưa hẳn như vậy
Bài 2: Hàng “ảo” lừa đảo trên mạng

Mua bán “hàng nóng”

Thời công nghệ thông tin, cần cái gì người ta cũng lên mạng tìm kiếm. Công cụ hỗ trợ hay “hàng nóng” cũng không ngoại lệ. Vào bất cứ trang mạng tìm kiếm nào và gõ dòng chữ “vũ khí nóng”, “hàng nóng”… trong vòng vài giây, chúng tôi nhận được hơn cả trăm ngàn kết quả. Nhưng, đó chỉ là những thông tin ban đầu, còn thực sự chưa hẳn như vậy.

Cây súng M1911 được rao bán trên mạng với giá 4,5 triệu đồng.

Khoe hàng!

Phải lần mò tìm kiếm trên trang web với các từ khóa khác nhau, chúng tôi mới có thể tiếp cận được các cửa hàng, shop, cá nhân bán hàng nóng, hàng tự vệ… được “cài” lẫn khuất trong các trang mua bán với đủ các loại sản phẩm. Trang web nào cũng tự xưng mình bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng, giá cao hơn so với thị trường, hay súng cũ giá rẻ. Nhiều trang web không ngại ngần niêm yết luôn giá cả, số điện thoại, tên chủ cửa hàng với hình ảnh và video clip về súng ngắn, súng dài, roi điện, dùi cui, dao, kiếm… Và tựu trung địa chỉ liên hệ chỉ chung chung ở TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng… Không ít trang web còn cẩn trọng nêu rõ thông điệp rằng: chỉ bán súng đồ chơi, vũ khí tự vệ; không liên quan vũ khí quân dụng và đòi hỏi người xem trang web phải đủ 18 tuổi. Vài trang web mua bán “hàng nóng” còn giới thiệu luật chơi, cách chơi Airsolf và tính năng từng loại súng ngắn, súng dài… được những người tham gia ý kiến, trao đổi rất nhiệt tình.

Các trang Facebook, Youtube còn sôi động hơn, với nhiều hình ảnh, video clip kèm theo. Do là trang nội bộ, nên muốn xem phim, hình ảnh, trao đổi, chúng tôi buộc phải đăng ký là thành viên. Nhờ có người giới thiệu, chúng tôi đã là thành viên của các trang Facebook mang tên K.V, U.H, A.P, T.T… Để giới thiệu sản phẩm, các chủ trang web đã tung lên nhiều đoạn video clip khá ấn tượng. Trang Facebook V.K. mở đầu bằng việc trưng bày khoảng 20 cây súng lớn, nhỏ… rồi giới thiệu cách sử dụng, tháo lắp và tính năng từng loại súng. Để thuyết phục hơn, V.K. mặc quần áo lính SWAT và biểu diễn bắn từng loại súng. Tiếng nổ nghe chát chát, khói bốc nơi họng súng cho thấy sức công phá của viên đạn tròn, đạn dẹt bằng cao su hay chì. Trong phần giới thiệu của mình, V.K. cho biết viên đạn bắn ra không gây sát thương.

Công an TPHCM bắt một vụ tổ chức cướp giật có sử dụng vũ khí quân dụng. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

A lô… tít tít

Các cửa hàng, shop cá nhân đều không có địa chỉ cụ thể, thông thường chỉ có tên và số điện thoại để liên lạc. Qua tìm hiểu, những người chơi hàng nóng đang chuộng loại súng số hiệu M1911, do Đài Loan sản xuất, ổ chứa đạn 23 viên, súng vận hành bằng gas và khi bắn hơi đẩy viên đạn ra khỏi nòng khiến cây súng bị giật lại y như thật. Chúng tôi gọi vào một số điện thoại hỏi: “Tôi cần mua súng M1191. Anh có không?”. “Có! Bạn lấy súng cũ hay mới?”. “Mới”. “4 chai rưỡi (4,5 triệu đồng). Bạn đang ở đâu?”. “Sài Gòn”. “Bạn chuyển khoản cho mình, 2 giờ sau bạn sẽ nhận được hàng?”. “Xem hàng trước được không?”. “Yên tâm. Mình làm ăn uy tín mà. Có gì gọi lại nha!”. Hàng hóa công khai còn bị lừa đảo, không thưa kiện được, huống chi “hàng nóng” thuộc loại hàng cấm. Mình mua súng gas, nhưng họ giao súng nước thì sao? Để loại trừ rủi ro, chúng tôi tiếp tục tìm mua hàng qua các số điện thoại ghi trên trang Facebook khác. Đó là số điện thoại của Airsolf H.L. Trang Facebook khá ấn tượng với phần giới thiệu các loại “hàng nóng”, công cụ hỗ trợ và cách thức đặt hàng, giao hàng… H.L. không yêu cầu chuyển khoản hết số tiền mà chỉ cần đặt cọc qua việc cào thẻ điện thoại số tiền khoảng 100.000 đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần đổi sim điện thoại cũng như kiên trì gọi suốt 2 ngày vào số đó vẫn không thấy ai nhấc máy. Nhiều số điện thoại khác lại… tít tít. Cuối cùng, một số điện thoại “nhận sóng” và bên kia một người giọng miền Bắc lên tiếng hỏi chúng tôi cần gì. Cũng như các yêu cầu trước, chúng tôi nói cần mua một khẩu M1191 và một roi điện hình dáng cây đèn pin. Đầu dây bên kia cho biết ngay giá cả từng mặt hàng, tuy nhiên cũng yêu cầu chúng tôi chuyển khoản.

Liên quan đến đường dây mua bán hàng nóng trên mạng, ông Trần Văn Trình ở tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Cách đây không lâu tôi mon men trên mạng tìm mua 1 cây kiếm Nhật để trang trí trong nhà. Tôi liên hệ với số điện thoại ghi trên trang mạng “Shop vũ khí tự vệ” ở một tỉnh phía Bắc. Cây kiếm Nhật trị giá 2,4 triệu đồng. Tôi đồng ý giá cả và theo quy định thì tôi chuyển khoản 1/3 số tiền, phần còn lại sẽ trả khi nhận được hàng vào ngày hôm sau. Sáng sớm hôm sau, họ gọi điện thông báo hàng đã về đến và yêu cầu tôi chuyển khoản hết số tiền còn lại. Tôi yêu cầu nhận hàng rồi giao tiền. Họ cho biết “hàng nóng” nên không tiện nhận tiền mặt. Nếu tôi không đồng ý thì họ không giao hàng. Tôi chuyển khoản luôn số tiền còn lại. Một lúc sau, tôi nhận được điện thoại của người giao hàng yêu cầu cào thẻ điện thoại số tiền 500.000 đồng để nhận hàng. Tôi không đồng ý và điện thoại cho chủ hàng thì được cho hay tiền hàng khác, tiền vận chuyển khác. Đã lỡ phóng lao phải theo lao, tôi cào thẻ. Vậy, nhưng đợi mãi chẳng ai giao hàng. Gọi điện thoại cho chủ hàng thì tắt máy, còn gọi cho người chuyển hàng cũng không nhấc máy”. Thật ảo khó lường! Đây có lẽ là bài học chung cho những ai vì lý do gì đó muốn trang bị “hàng nóng”, công cụ hỗ trợ.

ĐOÀN HIỆP - ĐĂNG NGUYÊN

- Thông tin liên quan:

>> Mua bán “hàng nóng”. Bài 1: Súng giả như thật

Tin cùng chuyên mục