Vì sao du lịch TPHCM chưa hấp dẫn

Bài 2: Kết nối để tạo sức bật

Vùng đất Sài Gòn - TPHCM hơn 300 năm tuổi, với rất nhiều di tích lịch sử, cảnh quan đẹp, ghi dấu ấn trong lòng du khách. 
Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Ảnh: THÀNH TRÍ
Du khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Ảnh: THÀNH TRÍ
Tuy nhiên, nơi đây vẫn được xem là điểm trung chuyển, đón các đoàn khách ghé ngang TP hơn là vùng đất giúp du khách có lựa chọn vui chơi, chi tiêu dài hơi. Bài toán kết nối điểm đến đã được nhiều sở ngành, doanh nghiệp (DN) lữ hành đặt ra trong bối cảnh ngành du lịch TP được giao chỉ tiêu đón trên 7 triệu lượt du khách quốc tế năm 2017 này. 
Khách lưu trú chưa tới 2 ngày

Ghi nhận từ các cơ quan chuyên trách về du lịch TPHCM cho thấy, số ngày bình quân khách du lịch lưu trú ở TP chỉ khoảng 1,6 ngày. Nếu xem độ dài lưu trú thể hiện sức hấp dẫn của điểm đến, thì con số này rất khiêm tốn so với tiềm năng, thế mạnh thực tế mà TP đang có. 
Ông Ngô Quốc Túy, giám đốc một DN, chia sẻ rằng du khách đến Sài Gòn chỉ được trải nghiệm lòng vòng các điểm quen thuộc như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành, hầm Thủ Thiêm, Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ… Nếu có tham quan tour đường sông, khách cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” lúc chiều mát (16 giờ - 18 giờ), sau đó rồi về vì không còn chỗ để vui chơi…

Vừa qua, dù một số DN TPHCM đã chủ động làm mới các tour tham quan TP nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Trăn trở về điều này, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, cho rằng để thu hút du khách, sản phẩm du lịch phải thể hiện một góc nhìn tinh tế, mới lạ. Để “mở đường” cho các tour du lịch hút khách đến với TP trong thời gian tới, ngành du lịch TP liên tục có đợt khảo sát đến các địa bàn như huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 9... Trong đó, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rất được quan tâm đầu tư, phát triển. Tuy vậy, qua ghi nhận thực tế, nhiều DN lữ hành khá băn khoăn bởi chủ trương của TP rất hay, nhưng các sản phẩm du lịch, đặc biệt du lịch đường sông, còn khá nghèo nàn. 

Một đại diện của Saigontourist chia sẻ, đơn vị vừa có chuyến khảo sát thực tế tại hàng loạt quận, huyện của TP và thấy không yên tâm vì cách làm du lịch tự phát của nhiều bà con. Chính vì thế, DN không đủ tự tin đưa du khách đến tham quan. Vị này dẫn chứng, một điểm đến được mệnh danh là khu làng bánh tráng truyền thống, nhưng thực tế chỉ có ít sản phẩm lèo tèo, không có chỗ cho khách trú chân; hay đường vào một điểm tham quan cá Koi khá xa xôi, bụi bặm…  “Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư. Nếu để bà con tự làm sẽ không đi đến đâu”, đại diện Saigontourist nói. 

Đa dạng sản phẩm, kết nối điểm đến

Một trong những nét chấm phá, tạo điểm nhấn cho du lịch TPHCM đó là các chương trình lễ hội áo dài, biểu diễn nghệ thuật đường phố, liên hoan ẩm thực đất phương Nam, lễ hội trái cây Nam bộ… Một số sản phẩm nghệ thuật khác được du khách quốc tế yêu thích như À ố show, The V show… Thế nhưng, nói như một lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM, cái vòng luẩn quẩn bao lâu nay của Nhà nước cũng như các DN du lịch vẫn là đầu tư nhưng chưa chắc đã sinh lời. Chẳng hạn như các suất diễn tại Nhà hát TP không ổn định; Nhà hát Trần Hữu Trang gặp khó khăn vì thiếu kinh phí hoạt động, thiếu nguồn nhân lực nên ảnh hưởng đến khả năng phục vụ khán giả; các chương trình của nhà thiết kế Sĩ Hoàng, nghệ sĩ Vân Sơn mặc dù được chăm chút đầu tư nhưng lại bị co cụm, ít người tới xem… 

Dẫn chứng về những con số ấn tượng của ngành du lịch TP, ông Bùi Quang Sơn, Phó Giám đốc Tài chính - Kế hoạch BenThanh Tourist, cho biết năm 2016 vừa qua, TPHCM đón khoảng 5,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với năm 2015; lượng khách nội địa đạt 21,8 triệu lượt (cả nước có 60 triệu lượt), tăng 10% so với năm 2015; tổng doanh thu ngành du lịch chiếm 10% GDP của TP. Đây là một TP năng động, kết nối với hàng loạt tuyến điểm du lịch đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ, nhưng theo ông Sơn, ngành du lịch TP vẫn thiếu sức bật. 

“TP nên đầu tư sản phẩm, nâng cấp các chương trình vui chơi, giải trí về đêm; nâng cấp chợ đêm, vì chợ đêm của TP hiện nay đa phần bán hàng dễ dãi, kém chất lượng. TP cần xây dựng một chương trình biểu diễn nghệ thuật xứng tầm, như “Nụ cười Angkor” của Campuchia hay Tống Thành thiên cổ tình của Hàng Châu - Trung Quốc chẳng hạn. Thêm nữa, TP cần gấp rút tập trung cho ngành du lịch theo chiến lược dài hạn; xây dựng các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm gắn với du lịch. Đáng lưu ý, lãnh đạo TP, Sở Du lịch phải thường xuyên hỗ trợ, đồng hành và tham gia cùng DN khi đón tiếp các đối tác là các tập đoàn lớn trên thế giới, các đoàn khách du lịch đến tham quan TPHCM”, ông Bùi Quang Sơn đề xuất. 

Gợi mở đường ra cho ngành du lịch TP, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho rằng ngành du lịch TP muốn phát triển cần có sự kết nối, hỗ trợ chặt chẽ từ các sở ngành khác. Ở góc độ Sở Du lịch, đơn vị sẽ nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị chuyên trách ban hành quy hoạch cụ thể cho ngành du lịch TP. Hiện tại, sở cũng đang triển khai đề tài kiểm tra, hệ thống tài nguyên du lịch của TP để sớm có kế hoạch phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này cho phù hợp; đẩy mạnh kết nối với các tuyến điểm du lịch của TP đến các tỉnh bạn; cho ra các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử vốn có của địa phương; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến cho du lịch TPHCM… 
Vừa qua, Saigontourist đã tung ra chùm tour “Khám phá Sài Gòn” với lịch trình tham quan từ 1 - 2 ngày, tùy khách lựa chọn. Ví dụ như tour “Hội trường Thống Nhất - Bảo tàng tranh 3D - Tòa nhà Bitexco - Hầm Thủ Thiêm”; “Nông trại Củ Chi - Công viên cá Koi”; “Cần Giờ - Rừng Sác - Đảo khỉ - Chợ Hàng Dương - Khu bảo tồn dơi nghệ - Khu du lịch Vàm Sát”…  Nét mới ở từng tour chính là du khách được hòa mình vào làm nông dân, tự tay vắt sữa bò, hái nấm, trồng rau sạch (tour tham quan Củ Chi); trải nghiệm cảm giác lướt ca nô xuyên qua khu rừng dự trữ sinh quyển Cần Giờ (tour Cần Giờ - Rừng Sác…).

Tin cùng chuyên mục