Bài 2: Làm rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm

VŨ TRUNG KIÊN

Trên chỉ đạo, dưới thờ ơ:

>> Bài 1: Quả bóng trì trệ

Trước yêu cầu đẩy nhanh tốc độ phát triển, lãnh đạo TPHCM mong muốn có một sự chuyển bộ lớn trong lãnh đạo, điều hành bộ máy hoạt động để mang lại hiệu quả cao. Trong khi đó, thực trạng trên bảo dưới không chấp hành đang diễn ra tại nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều cấp… gây cản trở sự phát triển. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần nhận diện đúng nguyên nhân để có giải pháp cho bộ máy nhà nước tại sở, ngành, chính quyền các cấp được vận hành trơn tru, mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bổ nhiệm sai cán bộ, giám sát thiếu hiệu quả

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng tình trạng trên bảo, dưới không nghe có nguyên nhân xuất phát từ cơ chế giám sát còn nhiều hạn chế, lỏng lẻo và còn nhiều tiêu cực giữa cơ quan cấp trên và cấp dưới. Việc giám sát thuộc về chức năng và nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan cấp trên, nhưng thực tế, còn có rất nhiều cơ quan lãnh đạo chưa quan tâm hoặc còn rất yếu kém trong hoạt động giám sát. “Một cơ chế giám sát hiệu quả không chỉ về chuyên môn, tổ chức bộ máy quản lý mà kể cả tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân có thẩm quyền.

Xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp góp phần giảm sự trì tuệ của bộ máy. Ảnh giải quyết hồ sơ cho người dân tại UBND quận 1. Ảnh: Cao Thăng

Tuy nhiên, nhiều cơ quan cấp trên lại chưa đáp ứng được những yêu cầu này”, luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá. Theo ông, việc giám sát đòi hỏi cấp lãnh đạo luôn phải có ý thức theo dõi, quan sát một cách chủ động, thường xuyên, liên tục hoạt động của cơ quan cấp dưới và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo, quy chế. Ngoài ra, luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng, việc chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến cơ chế giám sát. “Do đó, nếu khâu giám sát không hiệu quả thì việc cơ quan cấp dưới không nghe, thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả chỉ đạo của cấp trên là điều tất yếu xảy ra”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, nhiều cá nhân ở những cơ quan nhà nước cấp thấp hiện nay còn yếu kém và hạn chế về kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động quản lý cũng như hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình, không năng động, chủ động trong công tác và nhiệm vụ chuyên môn, đợi ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, ngay cả trong những công việc thuộc khả năng, trách nhiệm và thẩm quyền. Mà vấn đề xuất phát từ chính những cá nhân trong cơ quan nhà nước cấp dưới, từ chính khâu “chọn lọc” cán bộ, công chức, không chú trọng đến thực tài mà còn nhiều kẽ hở, hạn chế trong việc thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định, đề bạt, điều động, bổ nhiệm nhân sự. Đây là vấn nạn chung đối với hầu hết các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Nói như vậy không có nghĩa là vơ đũa cả nắm, thực tế vẫn có rất nhiều những cá nhân có tài, có tâm và trách nhiệm, nhưng bên cạnh những người như vậy thì có không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”, không có ý thức nâng cao năng lực chuyên môn, mở rộng kiến thức về luật pháp, không trau dồi kỹ năng kinh nghiệm, dẫn đến nhiều cơ quan cấp dưới lúng túng khi được giao nhiệm vụ từ cấp lãnh đạo. Họ không biết phải làm như thế nào và khi làm sai gây hậu quả thì lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thậm chí, không ít trường hợp cơ quan cấp dưới còn “đá” trách nhiệm cho cơ quan cấp trên!

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, khẳng định: Vấn đề bổ nhiệm, đánh giá cán bộ là khâu rất quan trọng. Nếu lãnh đạo cấp trên không đánh giá đúng thực chất, thực lực của cán bộ cấp dưới, đề bạt không phù hợp với thực tế thì bộ máy không thể nào vận hành được trơn tru.

Dân phải biết, phải bàn, phải kiểm tra

Ở góc nhìn khác, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đặt vấn đề: Thực trạng trên bảo dưới không nghe đang có mặt tràn lan trong nhiều lĩnh vực của đời sống, có mặt ở nhiều cấp, nhiều ngành đã và đang gây ra những hệ lụy lớn, đó là kỷ cương phép nước không được tôn trọng. Nhưng quan trọng hơn hết là đã có ai bị xử lý vì những sự chậm trễ đó chưa? Câu trả lời là chưa, vì thế dẫn đến nơi này thực hiện không nghiêm, nơi khác cũng bắt chước theo và đương nhiên vì vậy mà người dân ngày càng mất niềm tin. Cũng theo ông, còn một thực tế khác là nhiều việc phân công, phân việc chưa rõ ràng, thiếu địa chỉ trách nhiệm…

Trước thực tế này, theo đồng chí Nguyễn Thành Tài, cùng với việc chấn chỉnh đội ngũ công quyền thì trong công tác lãnh đạo, điều hành phải phân công rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ trách nhiệm. Đồng thời, rà soát bộ máy tổ chức từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài để loại trừ kịp thời những đối tượng “sâu mọt”, quy định rõ hơn chế độ trách nhiệm, chỉnh đốn để mỗi cán bộ, công chức luôn chấp hành nghiêm các quy định và pháp luật. Quan trọng là phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; giám sát chặt chẽ, đồng thời với việc công khai, minh bạch kết luận sau khi đã làm rõ các vụ việc và cách xử lý, trong đó báo chí là một kênh quan trọng.

Với yêu cầu trên, tại cuộc họp kiểm điểm tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 3-2017 mới đây, trong công tác lãnh đạo điều hành, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các thành viên trong Thường trực UBND TP khi họp giao việc thì đầu việc phải thật cụ thể, rõ ràng để các sở ngành dễ triển khai thực hiện. “Quan trọng là sau mỗi cuộc họp, biên bản kết luận cuộc họp cũng phải thực hiện nhanh, làm cơ sở để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện chỉ đạo, tránh trường hợp tháng 6 họp đến tháng 8 mới có kết luận. Chưa nói là có những kết luận không theo tinh thần lãnh đạo kết luận”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 Nhìn nhận lãnh đạo TPHCM đang rất linh hoạt, sốt sắng, tích cực và mạnh mẽ trong việc kiến tạo tìm những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của TP, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân thì có những giải pháp TP phải chờ Trung ương tháo gỡ do vướng cơ chế. Tương tự, hiện nay ở các sở ngành, quận huyện trong thực hiện công việc tại địa phương, đơn vị cũng có những cái vướng. Để giải quyết một việc, đôi khi phải chờ ý kiến của sở này, ngành nọ nên thủ tục còn lòng vòng. Mặt khác, đối với các chủ trương của lãnh đạo TP thì sở ngành, quận huyện cần phải tích cực triển khai mạnh mẽ. “Nói là trên bảo dưới không nghe, nhưng có khi người ta nghe mà người ta có làm được hay không lại là một chuyện khác”, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhìn nhận. Ngoài ra, ông cho rằng một giải pháp quan trọng nữa là TPHCM cần đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử làm cơ sở để giám sát, kiểm tra công việc thông suốt từ TP đến các sở ngành, quận huyện, mới có thể đánh giá đúng nguyên nhân của sự ách tắc, trì trệ.

 "Vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Tổ công tác này đã kiểm tra và làm việc với nhiều bộ ngành, nhiều địa phương và kết quả là đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, đặc biệt là tình trạng nợ đọng văn bản đã dần được khắc phục, nhiều vụ việc cụ thể đã được tiến hành khẩn trương, từ khi chỉ đạo đến khi có kết quả chỉ trong một thời gian ngắn. Đây có thể khẳng định là một quyết tâm chính trị rất lớn của người đứng đầu Chính phủ và đã, đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. TPHCM có thể học tập mô hình này".

            Thạc sĩ VŨ TRUNG KIÊN, Học viện Chính trị khu vực II

 VÂN ANH - ÁI CHÂN - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục