Bài 2: Mô hình không thu tiền tăng tiết của THPT Nguyễn Thái Bình: Học sinh hưởng lợi, nhà nước cấp bù

Trong khi các trường công lập tự chủ tài chính (CLTCTC) chỉ được ngân sách rót 70% kinh phí hoạt động thì THPT Nguyễn Thái Bình (NTB) được hưởng 100% ngân sách cho việc thí điểm mô hình không thu học phí tăng tiết.
Bài 2: Mô hình không thu tiền tăng tiết của THPT Nguyễn Thái Bình: Học sinh hưởng lợi, nhà nước cấp bù

Trong khi các trường công lập tự chủ tài chính (CLTCTC) chỉ được ngân sách rót 70% kinh phí hoạt động thì THPT Nguyễn Thái Bình (NTB) được hưởng 100% ngân sách cho việc thí điểm mô hình không thu học phí tăng tiết.

  • Người thầy tăng thu nhập

Nếu như các trường công lập được ngân sách cấp 100% trên đầu HS nhưng chỉ thu 30.000 đồng/tháng; thì Trường THPT NTB – gốc bán công chuyển sang CLTCTC lại được thu đến 110.000 đồng/tháng. Ông Lê Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT NTB, vui mừng: Với cơ chế hiện nay, trường có điều kiện cải thiện CSVC, môi trường sư phạm khang trang, trường lớp tươm tất. Không chỉ thế, HS yếu được phụ đạo, HS có năng khiếu được bồi dưỡng mà không phải đóng thêm khoản phí nào...

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng có lần khẳng định: Mô hình trường NTB đã triệt tiêu nạn dạy thêm, học thêm. Giáo viên tăng thu nhập bằng chính công sức lao động của mình, không phải cực khổ dạy thêm để trò phải học thêm. Tài chính của trường thu - chi minh bạch. Trong đó, các khoản thu được chi cho con người chiếm 80%, 20% còn lại dành cho khen thưởng, hoạt động hỗ trợ công tác dạy học, hoạt động ngoại khóa...

Từ năm 2007, khi bắt đầu thực hiện mô hình này đến nay, tổng thu không tăng, nhưng trường thu được nhiều thuận lợi về tâm lý: HS học tăng tiết không tốn tiền, GV tăng thu nhập bình quân 200.000 – 500.000 đồng/tháng. Cuối năm 2008, mỗi cán bộ – công chức của trường được thêm khoản thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng từ khoản tiết kiệm chi của nhà trường.

Mô hình trường NTB đang áp dụng khiến nhiều trường ao ước. Và hiện đã có 9 trường đăng ký với Sở GD-ĐT xin được triển khai.

  • Chưa thống nhất việc nhân rộng mô hình

Cái lợi về phía nhà trường và PHHS có thể thấy rất rõ ràng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP, lại băn khoăn: “Ban Văn hóa – Xã hội chưa thống nhất việc nhân rộng mô hình của Trường THPT Nguyễn Thái Bình. Bởi lẽ, mô hình này không đúng quy định, thu học phí như bán công nhưng lại được hưởng ngân sách giống trường công, sẽ dẫn đến sự so bì giữa các trường”.

Chẳng hạn, trường công lập thuần túy như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân… thu 30.000 đồng/HS/ tháng. Trường CLTCTC Marie – Curie, Hoàng Hoa Thám, hay Nguyễn An Ninh thu 110.000 đồng/HS/tháng nhưng ngân sách chỉ cấp 70%. Nhiều trường thường không thu tiền tăng tiết cho HS vào mùa cao điểm thi cử và coi đó là nhiệm vụ tất yếu giúp HS “vượt vũ môn quan” tốt hơn.

Xét ở khía cạnh dân sinh, mô hình NTB tiết kiệm cho PHHS một khoản tiền tăng tiết trong 9 tháng. Nhưng nếu phân tích ở góc độ xã hội hóa giáo dục thì mô hình này chưa ổn ở những điểm: Nhà trường không thu thêm một đồng nào của PHHS nên ngân sách phải cấp bù cho khoản giáo viên bỏ công sức ra dạy tăng tiết cho HS. Thêm nữa, nếu chỉ một trường thí điểm thì ngân sách cấp bù còn gánh được, nếu như có thêm nhiều trường cùng làm thì không biết lấy đâu ra nguồn cấp bù?

Mặt khác, nguồn ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục TPHCM rất lớn (26%/năm), do vậy, chắc chắn khó có thể xin cấp thêm. Nếu không cấp thêm sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt, bởi nguồn ngân sách này ví như một “cái bánh” chia ra nhiều miếng tương ứng với số HS của mỗi trường, với ngân sách hoạt động chung của ngành GDĐT. Như vậy, càng có nhiều trường được cấp 100% ngân sách thì sẽ ảnh hưởng đến “miếng bánh chung”.

Tháng 2-2009, tại buổi làm việc của đoàn Đại biểu Quốc hội với trường, nhà trường đã báo cáo một tuần tăng 12 tiết đối với các bộ môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh. Hơn nửa năm sau, số tiết đã giảm xuống 10 tiết/tuần cho 5 môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh ở khối 12 và 6 tiết/tuần cho các môn tương ứng ở khối 10, 11. Thời buổi trượt giá nên số tiết giảm theo?

Theo giải thích của ban giám hiệu trường, số tiết này vừa mức để HS tự học ở nhà hay luyện tập. Nhưng đối với PHHS, 1,5 - 2,5 tiết/tuần không thể đủ. Chị P.T, nhà ở phường 9, quận Tân Bình cho biết: “Tôi phải đóng tiền thêm cho con học ở Trung tâm Văn hóa ngoài giờ Nguyễn Thái Bình mới hy vọng cháu đậu được đại học”.

Trên danh nghĩa, mỗi trường học đều có trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ với giáo viên của chính trường giảng dạy, nên lẽ đương nhiên, đa phần HS của NTB đăng ký học ở trung tâm trường. Và một băng rôn quảng cáo giữa sân trường “Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa NTB khai giảng ngày 15-7 các lớp căn bản và nâng cao. Ghi danh và xem chi tiết xin liên hệ tại phòng thư viện”. Ông Lê Xuân Dũng cho rằng: “HS đăng ký tự nguyện học tại trung tâm nếu có nhu cầu, chứ nhà trường không hề bắt ép”.

Buổi chiều tăng tiết không thu tiền nhưng vẫn tốn tiền cho những lớp ngoại khóa khác thì mô hình Trường THPT NTB vẫn không thể triệt tiêu được căn bệnh dạy thêm – học thêm như kỳ vọng của ngành GD-ĐT

HỒNG LIÊN

Thông tin liên quan

>> Mô hình thu học phí cao tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Bài 1: Hiệu quả còn… “tiềm ẩn” 

Tin cùng chuyên mục