Đổi đời nhờ xây dựng nông thôn mới

Bài 2: Thuyết phục bằng mô hình thực tế

Ở Hà Giang, vận động bà con đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao, Tày, Nùng… hùn vốn, góp đất làm kinh tế rất khó. 
Trang trại bò trên đỉnh núi của anh Lò Xín Quân ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ - Hà Giang
Trang trại bò trên đỉnh núi của anh Lò Xín Quân ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ - Hà Giang
Thậm chí được mời vào HTX, nhiều người vẫn còn nghi ngại nêu ra câu hỏi, liệu có hiệu quả hay không, vào thì làm gì? Nhưng các đảng viên ở đây đã thuyết phục bà con bằng việc đích thân làm kinh tế, làm đầu tàu lôi kéo mọi người cùng theo. 
Trang trại bò trên núi
Chúng tôi lên huyện Quản Bạ nằm cách trung tâm TP Hà Giang 50km, nơi khởi đầu của vùng cao nguyên đá xưa kia nghèo và gian khó.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quản Bạ Giàng Cồ Diu dẫn chúng tôi xuống các xã để trực tiếp thăm từng mô hình nông dân, đảng viên đang làm kinh tế như trồng dược liệu, chăn nuôi bò thịt, xây dựng cánh đồng bắp lai, trồng đặc sản hồng không hạt...
Bài 2: Thuyết phục bằng mô hình thực tế ảnh 1 Đường giao thông ở xã Trung Thành (Vị Xuyên - Hà Giang) được xây dựng khang trang . Ảnh: VĂN PHÚC
Trời mưa, con đường dẫn từ thị trấn Tam Sơn về xã Quyết Tiến nằm dưới chân “cổng trời” Quản Bạ thật xa, nhưng đi lại chẳng còn khó khăn như trước vì đã và đang được trải nhựa, đổ bê tông đến tận từng bản theo chương trình thi đua làm nông thôn mới. Từ trung tâm thôn Dìn Sán, vượt qua một nửa quả núi là lên tới một trang trại nuôi 46 con bò thịt và 20 con hươu sao của anh Lò Xín Quân (35 tuổi, người Mông).
Theo Phó Bí thư xã Quyết Tiến Vương Đức Sơn, lâu nay tập quán của người Mông, Dao, Tày… ở đây là nuôi dăm ba con bò thả rông trong rừng. Nhưng trang trại của anh Quân rộng 400m2 được xây kiên cố, mái lợp tôn, tường bao lưới bạt, ở giữa đồng cỏ 7ha làm thức ăn dự trữ, đã minh chứng cho những đổi thay trong tư duy chăn nuôi, làm trang trại của đồng bào dân tộc hôm nay. 
Bò, hươu không còn thả rông như trước mà nuôi tập trung, cỏ trồng quanh năm để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, không lo đói rét. Thậm chí Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo toàn tỉnh trồng cỏ voi để chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Trong đó, số lượng bò thịt sẽ phấn đấu nâng lên 110.000 con vào năm 2025. Còn bò sữa thì hiện Tập đoàn TH đang có dự án khảo sát nuôi khoảng 1.000 con.
Trường hợp anh Quân, được ngân hàng nông nghiệp cho vay 1 tỷ đồng theo Nghị quyết số 209 (hỗ trợ 100% lãi suất), HĐND huyện Quản Bạ cũng tin tưởng hỗ trợ anh thí điểm nuôi hươu trên địa bàn, nếu phù hợp sẽ nhân ra các xã khác. Ngày ngày, Lò Xín Quân cùng vợ hăm hở lên đồi cỏ, cắt về, cho vào máy băm nhỏ để vỗ. Bò mẹ lại đẻ bò con. Mục tiêu của anh là trong 2 năm sẽ nhân lên khoảng 100 con bò. Với giá bán 20-25 triệu đồng/con bò thịt hoặc 10-15 triệu đồng/con bê giống, anh Quân rất tin tưởng hướng đi của mình. 
Phó Bí thư Giàng Cồ Diu nói: Bây giờ phải chăn nuôi kiểu gia trại, trang trại mới làm giàu được. Lợi thế ở cao nguyên đá rất nhiều mà bao nhiêu năm không “đánh thức” được. Bây giờ Huyện ủy chỉ đạo các xã phải hướng dẫn bà con liên kết nuôi bò, mỗi gia đình cố gắng nuôi từ 10 con trở lên. Thậm chí, cán bộ huyện cũng góp vốn cùng bà con nuôi bò thịt, có nhiều trang trại lên tới 60-80 con. Tại các xã như Thái An, Yên Thuận còn hình thành cả những HTX nuôi bò, nuôi dê, nuôi ngựa…
Cùng với nuôi bò, trồng dược liệu, huyện cũng đã chỉ đạo mỗi cơ quan đoàn thể trong huyện phải có trách nhiệm đỡ đầu, dìu dắt một thôn bản, mỗi năm ít nhất phải có 2 hộ thoát nghèo. “Chúng tôi đi xuống từng gia đình nghèo để tìm hiểu xem vì sao nghèo và hướng dẫn cách làm ăn”, đồng chí Giàng Cồ Diu chia sẻ.
Làm du lịch và trồng dược liệu
Cũng theo Phó Bí thư Giàng Cồ Diu, do mỗi địa phương có những tiềm năng lợi thế riêng nên từ chủ trương chính sách chung của Đảng bộ tỉnh, trong nhiệm kỳ này, huyện Quản Bạ đã chọn ra các sản phẩm độc đáo của mình là xây dựng cánh đồng bắp lai, hình thành vùng đặc sản hồng không hạt, nuôi bò thịt; đặc biệt là phát triển vùng cây dược liệu, hỗ trợ quảng bá thương hiệu rượu ngô Thanh Vân, thổ cẩm - dệt lanh Lùng Tám và làm du lịch kiểu homestay Nậm Đăm... để xây dựng nông thôn mới.
Đảng bộ huyện Quản Bạ đã có hẳn một nghị quyết về vấn đề này. Hiện nay, vùng cây dược liệu ở xã Quyết Tiến đã thu hút được 3 doanh nghiệp vào đầu tư trên diện tích hơn 200ha. Một số tập đoàn lớn cũng đang khảo sát, mở ra một tiềm năng lớn cho cao nguyên đá. 
Từ thị trấn Tam Sơn, chúng tôi cũng đã đến thăm bản du lịch homestay (du lịch cộng đồng) Nậm Đăm ở xã Quản Bạ đẹp như tranh phía sau “núi Đôi Hà Giang”. Đây là bản của người Dao với những ngôi nhà trình tường độc đáo nhưng nhiều năm nay đã tu sửa để đón du khách trong và ngoài nước. Bí thư chi bộ bản Nậm Đăm là Lý Đại Thông cho biết, trong thôn có 14 đảng viên thì 4 đảng viên đang tham gia làm du lịch, 5 đảng viên đầu tư trồng cây dược liệu. 
Ông Trưởng bản Nậm Đăm Lý Tà Đành, đồng thời cũng là một gương đảng viên tiên phong về làm du lịch cộng đồng, cho biết, hiện nay Nậm Đăm đã có tên trong bản đồ homestay của du lịch Việt Nam. Trong bản đang có 13 ngôi nhà đăng ký đón khách du lịch nhưng xã mới chỉ cấp phép cho 4 ngôi nhà đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế, các nhà còn lại đang phải cố gắng hoàn thiện tiêu chuẩn về nơi ăn ở, điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường.
Chỉ sang ông Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, đồng thời là Chủ tịch HĐND xã Quản Bạ Lý Tà Mìn, Trưởng bản bảo: “Đây, nhà ông Phó Bí thư cũng đang đăng ký làm du lịch homestay cộng đồng sinh thái”. 
Còn ông Phó Bí thư thì cho biết: “Các gia đình trong bản chúng tôi đã thống nhất, nếu nhà nào xây lại nhà mới thì cũng phải làm đúng kiến trúc nhà trình tường của người Dao để tạo bản sắc văn hóa cũng như cảnh quan đồng nhất. Nếu làm kiểu nhà hiện đại thì phải ra một khu riêng, không được ảnh hưởng không gian kiến trúc”.
Theo ông, ban đầu các gia đình rất dè dặt, không hiểu du lịch sinh thái là như thế nào, nhưng bây giờ khách du lịch đến ngày càng đông, không chỉ bản làng tươi vui sôi động mà bà con cũng có thêm nguồn thu nhập. Bản chưa được công nhận nông thôn mới, nhưng đã làm được nhà trưng bày các sản vật văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, rồi đường giao thông bằng bê tông vừa được mở… cho xe du lịch qua lại. 
Trong bản, có nhiều gia đình vừa làm homestay lại vừa làm nghề trồng dược liệu nấu lá thuốc cổ truyền chữa bệnh. Thậm chí, con trai của bí thư chi bộ bản là Lý Tà Dèn (33 tuổi, cũng là một đảng viên) còn dám đứng ra thành lập HTX cây dược liệu do anh làm chủ nhiệm, vận động 28 xã viên tham gia góp đất, cùng vay vốn ngân hàng mở một xưởng điều chế thuốc đông y từ cây dược liệu.
Lý Tà Dèn đi khắp nơi, tham gia khắp các hội chợ triển lãm nông nghiệp và y dược để giới thiệu sản phẩm của HTX mình. Nhờ vậy doanh thu mỗi năm của HTX được hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu được khoảng 200 triệu đồng, đem chia cho các thành viên tham gia, ngoài ra những ai trực tiếp sản xuất tại “nhà máy” thì được trả lương khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.

Tin cùng chuyên mục