Kỷ nguyên khai thác "vàng xanh"

Bài 2: Tranh chấp quanh cây xương rồng chữa bệnh béo phì

Bài 2: Tranh chấp quanh cây xương rồng chữa bệnh béo phì

Trước những trường hợp lạm dụng ngày càng tăng, Liên Hiệp Quốc đã thông qua Hiệp ước về tính đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn những việc làm có tính hủy hoại tính đa dạng sinh học và kiểm soát việc phân chia một cách công bằng giữa các quốc gia “cung cấp” ở phía Nam và các quốc gia “sử dụng” ở phía Bắc. Tới tháng 12-1993, 168 nước trên thế giới đã ký kết hiệp ước này nhưng có một nước không thông qua là Mỹ.

Nghiên cứu thông qua trung gian

Các doanh nghiệp cần tới những kiến thức cổ truyền của người địa phương về những đặc tính chữa bệnh của chúng. Vì thế họ thường nhờ người bản địa. Việc này giờ đây ngày càng bị phê phán, các công ty thay đổi chiến thuật. Họ không trực tiếp làm việc này mà thông qua những người trung gian, thường là những nhà nghiên cứu của các trường đại học: Người ta ít nghi ngờ một vị giáo sư hơn là một nhà kinh doanh.

Đại học Lausane (Thụy Sĩ) đã tiến hành những nghiên cứu khoa học không hợp pháp ở Zimbabwe cho công ty công nghệ sinh học Mỹ Phytera. Sau đó, trường đã đăng ký sở hữu một hợp chất có tính chống nấm được lấy ra từ cây có tên gọi là Swartzia madagascariensis, là điều mà nhà nước Zimbabwe cũng như các “thầy lang” ở địa phương không hề hay biết. Bị phản đối sau đó, Trường Đại học Lausane đã nhận lỗi “vì không biết là đã vi phạm hiệp ước quốc tế về tính đa dạng sinh học”.

Một hợp đồng khác được ký kết giữa Công ty Dược phẩm Janssen Phamaceutica của Bỉ với Trường Đại học West Visayas State University của Philippines, có nhiệm vụ thu thập các loài hoa, các loại rễ cây và những thứ lá có khả năng chữa bệnh. Trong sự hợp tác này, một nhà nghiên cứu của Trường Đại học Gand đại diện cho hãng Janssen…

Khi xương rồng sa mạc chữa được bệnh béo phì

Giả thiết rằng những hoạt động nghiên cứu này được ký kết bằng một hợp đồng giữa các bên sẽ dẫn đến một câu hỏi lớn đặt ra là: Phân chia lợi nhuận như thế nào? Quả là một vấn đề rất nan giải, như câu chuyện dưới đây về hoodia, loài xương rồng có khả năng cắt cơn đói. Với “dịch” béo phì đang diễn ra ở phương Tây, thị trường thuốc chống mập năm 2005 trị giá 800 triệu USD. Tới năm 2010, con số này ước tính vượt quá 2 tỷ USD.

Bài 2: Tranh chấp quanh cây xương rồng chữa bệnh béo phì ảnh 1

Theo kinh nghiệm cổ truyền của người San, Namibia, cây xương rồng hoodia có khả năng “cắt” cơn đói, giúp giảm cân

Người ta nói rằng chỉ cần ăn một lượng hoodia bằng nửa trái chuối là có thể không cảm thấy đói trong 24 tiếng liền, nghĩa là không cần ăn, nghĩa là có thể giảm bớt được cả ngàn calorie mỗi ngày, ốm bớt đi. Người San sống ở vùng sa mạc Kalahari châu Phi là những người sở hữu hiểu biết này. Từ hàng trăm năm nay, kinh nghiệm của họ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: Họ ăn hoodia trước khi đi săn lâu ngày trong sa mạc.

Từ những năm 1960, Ủy ban Khoa học và công nghiệp Nam Phi CSIR đã tiến hành những nghiên cứu về cây hoodia. Hoạt chất trong cây được phân lập vào những năm 1990. Năm 1997, CSIR đăng ký bản quyền sở hữu loại hoạt chất này dưới tên P57 và cho phép hãng dược Phytopharm của Anh độc quyền ứng dụng.

Năm 2001, Phytopharm nhượng lại quyền này cho hãng dược phẩm lớn Pfizer với mục đích làm ra một loại thuốc hàng đầu chống béo phì. Năm 2002, sau khi đã tiêu tốn 25 triệu USD, Pfizer bỏ cuộc. Việc tổng hợp ra loại hợp chất này quá phức tạp.

Đến lượt Unilever mua lại quyền sử dụng brevet với giá 21 triệu USD. Hãng này có ý định sản xuất các loại thực phẩm chức năng (làm giảm cân, weight-loss) sử dụng trực tiếp hoạt chất được chiết xuất ra từ hoodia. Như thế, họ sẽ phải ký kết hợp đồng với các nông dân trồng hoodia của Nam Phi.

Trong khi brevet của CSIR-Phytopharm ở châu Âu còn chưa được cấp, các sản phẩm làm từ hoodia đã được rao bán khắp nơi trên mạng, dù hiệu quả chưa được chứng minh. Còn người San trong tất cả những chuyện này thì sao? Họ chỉ được biết một cách ngẫu nhiên rằng những hiểu biết của họ đang được đăng ký brevet. Bị kết tội “ăn trộm sinh học”, Phytopharm giải thích: Họ tưởng rằng tộc người San không còn tồn tại nữa!

4,5 triệu euro cho sự hiểu biết về một giống cây

Cuối cùng một hợp đồng đã được ký kết giữa người San và CSIR vào tháng 3-2003. Người San được trả 4,5 triệu euro. Sau đó, họ sẽ được hưởng 6% trên doanh số bán các sản phẩm hoodia của Unilever. Số tiền này có thể lên tới vài triệu euro mỗi năm.

Thị trường hoodia trên thế giới phát triển nhanh chóng. Nông dân Nam Phi bắt đầu trồng hoodia trên diện rộng. Tháng 3-2007 một hợp đồng thứ hai đã được ký kết giữa người San với những người trồng hoodia Nam Phi - không thuộc số những người trồng hoodia cho Unilever. Theo đó, người San sẽ nhận được 200 euro cho mỗi ký hoodia sấy khô bán được. Năm nay, khoản thu nhập này có thể lên tới 12 triệu euro. Số tiền này được trao cho cộng đồng chứ không phải trả cho từng cá nhân, giúp họ cải thiện đời sống, giáo dục…

Câu hỏi cuối cùng: Liệu việc dùng các sản phẩm hoodia sẽ có hiệu quả như mong muốn? Về điều này, Ameenah Gurib-Fakim, giáo sư hóa học của Trường Đại học Maurice cho biết: “Khi một phân tử bị tách rời khỏi chất chiết xuất của một loài cây nào đó, nó không phải luôn luôn mang lại đặc tính mong muốn. Người ta nhận thấy rằng giữa các phân tử chủ yếu của chất chiết xuất trong cây với những loại phân tử khác số lượng ít hơn luôn có một mối quan hệ tương tác lẫn nhau. Chính mối tương quan này đem lại hiệu năng cho chất chiết xuất”.

Đó cũng là trường hợp của cây neem hay còn gọi là cây xoan Ấn Độ nổi tiếng về khả năng tiêu diệt côn trùng, sâu bọ. Khi thử nghiệm trên 20 thế hệ côn trùng, phân tử cô lập được hoạt động ngày càng kém hiệu quả nhưng khi đưa nó trở lại trong hợp chất chiết xuất, nó hoạt động vẫn hiệu quả!.

NHỊ BÌNH (theo Le Temps)

 
Bài 3: Nỗ lực cho tương lai

Tin bài liên quan:

Bài 1: Ăn cắp bản quyền sinh học

Tin cùng chuyên mục