Gỡ rào cản thủ tục hành chính

Bài 2: Vẫn “toát mồ hôi” vì thủ tục

Mặc dù chính quyền các cấp cùng các sở ngành đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, song thực tế những thủ tục rườm rà cùng với sự trì trệ, thờ ơ, thậm chí thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức đã tạo ra những rào cản lớn. 
Người dân đến UBND quận 1 (TPHCM) làm thủ tục hành chính. Ảnh: KỲ LÂM
Người dân đến UBND quận 1 (TPHCM) làm thủ tục hành chính. Ảnh: KỲ LÂM

Điều này không chỉ gây phiền toái, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp (DN) mà còn ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội.


Giấy tờ lằng nhằng, hướng dẫn hời hợt

Nhằm tìm ra hạn chế trong việc giải quyết thủ tục cho người dân, DN, từ đó có giải pháp khắc phục, TPHCM đã triển khai nhiều kênh để khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân và chấm điểm cán bộ. Theo kết quả điều tra vào cuối năm 2016, người dân đánh giá tích cực đối với việc thực hiện thủ tục hành chính tại nhiều đơn vị, lĩnh vực. Về thủ tục hành chính, 56,1% ý kiến chấm thang hài lòng, 40,6% bình thường, chỉ có 3,2% không hài lòng. Nhưng thực tế, nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn phải bở hơi tai vì thủ tục…

Chị Đ.N. (quận Tân Phú) cho biết chị phải làm gấp lại căn cước công dân (CCCD) vì CMND của chị bị thấm nước, hư hình chụp. “Trước khi đi làm thủ tục cấp CCCD, tôi xem kỹ các quy định rồi mới đến công an quận. Tại đây, tôi lại xem một lần nữa thủ tục dán ngay cửa nơi làm thủ tục. Xong, an tâm, tôi bấm số thứ tự, ngồi chờ gần 60 phút. Đến lượt, tôi đưa hồ sơ, anh công an nhận hồ sơ liếc qua liền nói phải về công an phường làm giấy xác nhận, vì CMND đã bị ướt nước, lem hình”, chị N. kể và bức xúc cho rằng nếu thủ tục dán tại trụ sở công an quận có liệt kê yêu cầu này thì chị đã không mất cả giờ vô bổ ngồi chờ. Do khi ấy đã gần hết giờ làm việc buổi sáng, chị N. không kịp trở về phường làm giấy xác nhận nên buộc phải xin nghỉ thêm một buổi chiều.

Tương tự, hai mẹ con anh Nguyễn T. (quận 2) cũng “bở hơi tai” khi anh đưa mẹ đi làm CCCD, thay cho CMND đã hết hạn. Anh T. kể, sau khi làm thủ tục xong, mẹ con về đợi đến ngày nhận CCCD theo phiếu hẹn. Tới ngày, hai mẹ con đến lấy thì tiu nghỉu với câu trả lời: Chưa có. “Tôi và mẹ phải đi vài lần như thế mới nhận được thẻ CCCD. Điều đáng trách là chúng tôi có ghi lại số điện thoại nhưng cán bộ không báo, mà đợi khi dân đến tận nơi mới trả lời chưa có, rồi hẹn lại”, anh T. kể và cho biết sau nhiều lần trễ hẹn thì của mẹ anh cũng đã có CCCD. Vậy nhưng, khi đưa phiếu hẹn thì cán bộ công an lại hỏi CMND. “Họ nhất định đòi phải giao cái CMND cũ đã hết hạn để thu, hủy mới giao thẻ CCCD. Càng nổi nóng hơn khi chúng tôi nhiều lần đến nhưng không ai dặn là phải mang theo cái CMND hết hạn đó mới được nhận thẻ CCCD”, anh T. bức xúc.

Cho dù có ấm ức, anh T. vẫn phải lộn ngược về nhà lục tìm CMND cũ để lấy CCCD cho mẹ. Tuy nhiên, khi đi làm thủ tục ở ngân hàng với CCCD thì không được chấp nhận. Ngân hàng yêu cầu phải có giấy xác nhận của công an rằng số CMND cũ và số CCCD mới cấp là của một người. Trở ngược lại cơ quan công an cấp thẻ CCCD, mẹ anh T. nêu thắc mắc sao không hướng dẫn, cấp luôn giấy xác nhận thì cán bộ công an trả lời tỉnh queo: Dân có yêu cầu mới cấp (?!). “Người dân không am hiểu hết thủ tục, không biết được việc thay đổi sẽ gây phiền phức nên không xin cấp giấy chứng nhận. Vậy mà công an thì… chờ dân có yêu cầu, thay vì chủ động gợi ý, tư vấn hoặc hướng dẫn cho dân rõ. Nếu họ làm đúng chức trách thì người dân không phải chạy tới chạy lui, làm cái này, bổ sung cái kia như vậy”, anh T. bày tỏ.

Dân nhấp nhổm, doanh nghiệp sốt ruột

Nghị quyết kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX (diễn ra vào tháng 7-2017) xác định mục tiêu đến cuối năm 2017 triển khai đoạn còn lại của tuyến đường Vành đai 2 và đưa vào sử dụng toàn tuyến trước năm 2020. Trên thực tế, TPHCM từng xác định “khép kín đường Vành đai 2 vào năm 2015”, nhưng đến nay vẫn còn 11,7km vẫn chưa thấy hình hài do gặp khó khăn về vốn (khoảng 12.500 tỷ đồng). Ngoài ra, tiến độ thực hiện các dự án này còn bị trì trệ do thủ tục hành chính, nên việc hoàn thành mục tiêu của nghị quyết HĐND TP nêu trên là không đơn giản. 

Trong số 11,7km còn lại của đường Vành đai 2, hiện chỉ có đoạn từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức) dài 2,7km đã có một liên danh đầu tư (theo hình thức BT - xây dựng, chuyển giao). Tháng 12-2015, UBND TPHCM đã tổ chức động thổ dự án xây dựng đoạn 2,7km nêu trên. Tại lễ động thổ, Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Tín đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trục đường giao thông huyết mạch nên yêu cầu các cơ quan ban ngành phải giảm bớt các thủ tục, đặc biệt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để trong 2 năm, tính từ ngày động thổ, có thể hoàn thành dự án. Thế nhưng, từ ngày động thổ đến nay, dự án vẫn chưa được khởi công và khu vực dự kiến bồi thường, giải tỏa vẫn án binh bất động.

Bà Phan Thị Thu H. (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) là một trong số những người dân có đất bị giải tỏa để thực hiện dự án, cho biết gia đình rất sốt ruột chờ đợi bồi thường để ổn định cuộc sống. “Hơn 2 năm trước, phường họp dân thông báo sẽ thu hồi đất làm đường. Sau đó, quận tổ chức đo đạc xác định ranh giải tỏa và kiểm kê tài sản để lập hồ sơ bồi thường, tái định cư. Trước các động thái này, giá đất ở khu vực tăng lên chóng mặt. Đến nay đã 2 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được bồi thường, vậy thì với số tiền được nhận sắp tới, người dân làm sao có thể mua đất nơi khác”, bà H. bức xúc.

Về phía chủ đầu tư, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc liên danh, bày tỏ việc chậm trễ bồi thường, bàn giao mặt bằng cho đơn vị đầu tư, xây đường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch của đơn vị. Theo ông Thắng, ngay sau khi động thổ, liên danh nhà đầu tư đã tập trung tối đa mọi nguồn lực, từ việc huy động tài chính đến máy móc, thiết bị và nhân lực để triển khai thi công các hạng mục của dự án, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo yêu cầu. “Tính đến nay, liên danh đã tạm ứng khoảng 500 tỷ đồng để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chúng tôi rất sốt ruột trông chờ được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua, còn thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Việc chậm trễ, kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới người dân, DN mà gây ra lãng phí cho xã hội”, ông Thắng nêu ý kiến.

Tin cùng chuyên mục