Tranh giả, đồ cổ giả

Bài 3: Đồ giả "chạy" vào bảo tàng

Khi kiểm tra tính xác thực của những tác phẩm điêu khắc, các nhà phục chế ngày nay sử dụng loại đèn soi trong để "nhìn" vào hốc bên trong tượng, kiểm tra các mối hàn và sử dụng tia X quang. Nhưng các tay làm đồ giả cũng đọc các báo chuyên ngành nên biết các thủ thuật này
Bài 3: Đồ giả "chạy" vào bảo tàng

Khi kiểm tra tính xác thực của những tác phẩm điêu khắc, các nhà phục chế ngày nay sử dụng loại đèn soi trong để "nhìn" vào hốc bên trong tượng, kiểm tra các mối hàn và sử dụng tia X quang. Nhưng các tay làm đồ giả cũng đọc các báo chuyên ngành nên biết các thủ thuật này.  

  • Khảo cổ bắt tay khoa học 

Một chuyên gia nói: "Mối quan hệ giữa ngành khảo cổ truyền thống và khoa học tự nhiên ở một mặt và với cánh làm giả ở mặt khác thì không phải là cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa. Các phát minh khoa học lập tức được công bố và bọn làm giả đọc được và đem ứng dụng vào hoạt động gian manh của chúng".  

Bài 3: Đồ giả "chạy" vào bảo tàng ảnh 1
Bức tượng bán thân Flora : đồ giả chạy vào bảo tàng Nhà nước

Đối với các bức tượng bằng đá, gần như không thể phân biệt thật- giả. Bọn làm giả cũng sử dụng những dụng cụ như cây đục, cái nạo từng sử dụng hồi 2.000 năm trước. Chúng cũng có được các loại đá cẩm thạch đã được sử dụng làm đồ cổ. Những cách làm này đã dẫn đến những cuộc tranh cãi quyết liệt. Cay đắng nhất có lẽ là bức tượng "Kouros", tạc một cậu bé cổ Hy Lạp. Nó được cho là có niên hạn 2.500 tuổi và Bảo tàng Getty ở Malibu (California, Mỹ) sở hữu. Theo nghiên cứu của bảo tàng này, lớp đá mòn của tượng chỉ có thể là hậu quả của hàng ngàn năm phơi sương gió. Nhưng họ vẫn gắn cạnh tượng một tấm bảng ghi "vào khoảng năm 530 trước Công nguyên hoặc đồ giả hiện đại".
 
Khách tham quan Bảo tàng Bode ở Berlin (Đức) cũng bị lừa, khi trưng bức tượng "Flora" cao 75cm và người hướng dẫn rất tự hào giới thiệu bức tượng nửa người, mô tả người phụ nữ để ngực trần và đang cười này là một bí ẩn lớn, vì có nguồn gốc là của một thiên tài thời Phục hưng. Họ còn giới thiệu rằng sự bí ẩn ở chỗ có thể đó là một tác phẩm của đại danh họa Leonardo da Vinci. Thực chất "Flora" vẫn chỉ là một trong những món đồ giả nhưng làm rúng động thị trường nghệ thuật. Năm 1909, giám đốc bảo tàng là Wilhelm Bode lặng lẽ qua Anh để mua bức tượng sáp này từ một tay cò "chui" với giá 185.000 mác. Trở về Berlin, ông khoe đó là "Nàng Mona Lisa thứ hai". Nhưng đối tác của Bode ở Anh chỉ cười và đưa ra 3 bản khai có thề nói chỉ sự thật, rằng một thợ gốm đã tạc bức tượng này trong xưởng của ông ta năm 1846. Nhưng vụ bị gạt này được ém nhẹm đến tận năm 1966 nhân một cuộc trưng bày, được giới thiệu là "một tác phẩm của da Vinci".  

  • "Quyết định nguy hiểm"

 Sự thật chỉ được phơi bày hoàn toàn năm 1986, khi các phân tích hóa học cho thấy bức tượng chứa chất stearin tổng hợp vốn được sản xuất trong thế kỷ 19. Nhưng "Flora" vẫn được giữ gìn: ngày nay cạnh bức tượng có tấm biển ghi "ghi công Leonardo da Vinci hoặc của một trong những thợ học việc của ông và được xem là một tác phẩm giả của thế kỷ 19". Nhưng tay cò nghệ thuật Leon ở Basel nói đó là một "quyết định nguy hiểm", do nó giúp việc làm giả tác phẩm nghệ thuật càng phát triển và nhất là ngày càng có nhiều đồ giả "chạy" vào những bảo tàng do các cấp chính quyền điều hành. Ông nói: "Nhưng họ đều phủ nhận vấn nạn này, nhất là khi họ trở thành nạn nhân của bọn mafia làm giả đồ nghệ thuật".
 
Một vụ ở Bảo tàng Winckelmann ở thị trấn Museum (Đông Đức) cũng khá rắc rối. Bảo tàng này gây xôn xao khi trưng bày một bức tượng đồng bán thân Alexander Đại đế. Trước đây không ai biết bức tượng này nên giới nghệ thuật chuyên nghiệp đều bất ngờ, do hầu như không có một di vật nào về vị tướng cổ Hy Lạp từng đưa quân qua Ấn Độ và chết ở Babyon năm 323 trước Công nguyên này. Họ cũng thắc mắc tại sao một bức tượng hiếm đến thế chỉ được trưng ở một thị trấn nhỏ? Bức tượng này có giá trị ít nhất 10 triệu USD trên thị trường.
 
Họ cũng tìm hiểu người tổ chức cuộc trưng bày là ai: Max Kunze, 63 tuổi, từng là giám đốc Bảo tàng Pergamon ở Berlin. Vào thời Đông Đức, đó là bảo tàng uy tín nhất, nhưng khi nước Đức thống nhất, ông Kunze từ chức giám đốc bảo tàng. Mặt khác, bức tượng chỉ được triển lãm ở đây 7 tuần, nhưng lại có bộ hồ sơ giới thiệu rất chi tiết bằng tiếng Đức và tiếng Anh. Trong đó, Kunze hết lời tán dương bức tượng, thậm chí nói nói bóng gió rằng nó có thể là tác phẩm của nhà điêu khắc cổ Hy Lạp rất nổi tiếng là Lysippus. Điều khiến các chuyên gia nghệ thuật bị sốc. Leon khẳng định bức tượng hoàn toàn không thể là đồ cổ. Chuyên gia điêu khắc cổ Hy Lạp Floren cũng tin bức tượng bí ẩn này là "chắc chắn là đồ giả".
 
Khi tờ báo Spiegel tiếp cận, Kunze thừa nhận ông ta mua bức tượng từ Robin Symes, một "trùm" buôn nghệ thuật thống trị thế giới đồ cổ. Hai nhân vật này quen nhau đã lâu. Như năm 1999, Kunze viết lời "ca" ngắn cho 4 bức tượng chân dung bằng đồng cổ Hy Lạp, mà Symes đã muốn bán cho một thân chủ "sộp" ở New York. Chuyên gia Leon khẳng định cả 4 bức tượng này là đồ giả, làm ở một xưởng Tây Ban Nha chuyên sản xuất đồ giả cổ với trình độ tuyệt khéo. Nhưng Kunze nhấn mạnh ông ta không hề lấy thù lao. Ông ta cũng "thề" sẽ không tổ chức những cuộc triển lãm "đồ cổ" nào ở Stendal nữa do vụ này gây quá nhiều tranh cãi.
 
Phần Symes, hồi đầu năm 2005 ông ta bị tuyên án 7 tháng tù do một tội không liên quan chuyện làm giả đồ nghệ thuật. Mãn án, ông ta vẫn thong dong với cuộc sống phong lưu. Lúc bị bắt, ông ta có 33 nhà kho chứa số tài sản trị giá khoảng 180 triệu bảng Anh. Chúng cũng bị xem là nơi làm hàng nghệ thuật giả. Hồi tháng 11 năm ngoái, Brian Greenhalgh, 46 tuổi, người Anh và đồng bọn cũng bị tuyên án tù vì làm đồ nghệ thuật giả: Chúng tạc một bức tượng giả về một công chúa Ai Cập rồi tuyên bố tìm được ở Amarna, tức ngai vàng của vua Pharaon Akhenaten. Nhưng các vụ bắt bớ chẳng làm chấm dứt làn sóng làm đồ nghệ thuật giả… . 

Trần Trí (tổng hợp) 

Thông tin liên quan

 - Bài 1: Dân giàu chuộng hàng giả
- Bài 2: Thần thánh cũng giả

Tin cùng chuyên mục