Khi tổ chức Đảng không còn “lãnh đạo toàn diện" trong doanh nghiệp cổ phần hóa

Bài 3 - Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Theo Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TPHCM Lê Văn Quang, hiện chỉ có khoảng 50% tổ chức Đảng trong các DN CPH xây dựng được quy chế phối hợp.
Chi bộ liên phòng, Đảng bộ Công ty CP Dệt - May - Đầu tư - Thương mại Thành Công tổ chức lễ kết nạp đảng viên tại Khu du lịch Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TPHCM
Chi bộ liên phòng, Đảng bộ Công ty CP Dệt - May - Đầu tư - Thương mại Thành Công tổ chức lễ kết nạp đảng viên tại Khu du lịch Rừng Sác, huyện Cần Giờ, TPHCM

Nhiều năm qua, hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa (CPH) được thực hiện theo Quy định 287-QĐ/TW và Quy định 288-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Ban Bí thư (Khóa X) quy định về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ trong công ty cổ phần (vốn nhà nước trên 50% và vốn nhà nước dưới 50%) để lãnh đạo, chỉ đạo. Trong thực tế, nhiều nội dung trong 2 quy định trên đã không còn phù hợp, không phát huy được vai trò của đảng viên và tổ chức Đảng trong các DN CPH.

Thiếu quy chế phối hợp hoạt động

Năm 2014, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công thoái hết vốn của Nhà nước, cổ đông chiến lược nắm giữ quyền điều hành là một DN Hàn Quốc. Những năm đầu chuyển đổi sang mô hình CPH, tổ chức Đảng, công đoàn và các đoàn thể tại đây hoạt động khá khó khăn. Mọi hoạt động, kể cả sinh hoạt Đảng, đoàn thể phải được phép của chủ DN và đều thực hiện ngoài giờ làm việc hoặc trong ngày nghỉ. Thế nhưng, theo Bí thư Đảng ủy công ty Nguyễn Hữu Tuấn, sau khi quy chế phối hợp giữa tổ chức Đảng với chủ DN được ban hành, dịch ra 3 thứ tiếng thì tình hình có sự thay đổi tích cực.

Để có được điều này, trước tiên trong thực hiện, mỗi đảng viên phải gương mẫu trong mọi mặt: từ đạo đức, lối sống, sinh hoạt đến trách nhiệm trên từng công việc được giao. Lúc đầu, chủ DN còn dè dặt, thiếu tin tưởng vào quy chế phối hợp; sau đó họ thấy những đảng viên đều là người tốt, tích cực trong công việc nên mạnh dạn giao việc và chủ động phối hợp. Mặt khác, Đảng ủy cử những đảng viên có năng lực và uy tín tham gia Ban chấp hành Công đoàn và giữ các chức vụ chủ chốt. 

“Có được vai trò quan trọng trong tổ chức này, chúng tôi xây dựng các quy chế phối hợp giữa Đảng ủy với HĐQT, tổng giám đốc; quy chế phối hợp giữa công đoàn với tổng giám đốc… Các quy chế nêu rõ trách nhiệm của từng bên trong việc tạo điều kiện cho tổ chức Đảng, công đoàn, các đoàn thể hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức này đối với DN ra sao… Mình đề ra quy chế và thực hiện tốt các điều cam kết là chủ DN tin và ủng hộ ngay”, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Hữu Tuấn tâm sự.

“Sau khi CPH, ngoài những DN mang tính đặc thù thoát ra từ DN nhà nước, khi CPH không thay đổi bộ máy, người đứng đầu cấp ủy và các thành viên trong cấp ủy có trong HĐQT thì hoạt động của tổ chức Đảng thuận lợi. Với những DN CPH mà cấp ủy Đảng không có chân trong HĐQT, chủ DN là người nắm giữ cổ phần chi phối và quyền quyết định mọi hoạt động của DN thuộc về HĐQT thì công tác Đảng ở những DN này chủ yếu là ra nghị quyết vận động cán bộ, đảng viên thực hiện tốt nghị quyết của HĐQT”.
Nguồn: Đảng ủy Khối Doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TPHCM


Theo Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp công nghiệp trung ương tại TPHCM Lê Văn Quang, hiện chỉ có khoảng 50% tổ chức Đảng trong các DN CPH xây dựng được quy chế phối hợp. Và để thực hiện tốt như ở Đảng bộ Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công và Tổng công ty May Nhà Bè thì rất ít, đặc biệt là đối với những DN vốn nhà nước còn dưới 30%, hoặc đã thoái hết. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng có xây dựng quy chế phối hợp nhưng còn nặng về hình thức, đặt ra nhiều nội dung chung chung, không mang tính ràng buộc pháp lý cho các bên và khi thực hiện thì không làm đúng với cam kết đã xây dựng. “Cái chính là phải có tính thuyết phục, từ văn bản đến hành động, thì mới tạo lòng tin cho chủ DN. Chủ DN đã tin thì họ sẽ tạo mọi điều kiện cho hoạt động, còn không tin thì mình có đặt ra quy chế, quy định gì đi chăng nữa mà họ không cho hoạt động thì cũng chịu”, Bí thư Đảng ủy Lê Văn Quang nói.

Trên thực tế, như xác nhận của Bí thư Đảng ủy Lê Văn Quang, chỉ khoảng 30% tổ chức cơ sở Đảng trong DN CPH xây dựng được quy chế phối hợp và hoạt động thực chất, còn phần lớn là đặt ra cho có. Về phía tổ chức cơ sở Đảng, nhiều cấp ủy phản ánh, khi xây dựng quy chế phối hợp đều dựa trên 2 quy định của Ban Bí thư. Những DN thực hiện quy chế phối hợp theo Quy định 287 (vốn nhà nước trên 50%) thì gặp thuận lợi trong phối hợp hoạt động, còn thực hiện theo Quy định 288 (vốn nhà nước dưới 50%) thì cực kỳ khó khăn, vì nhiều nội dung trong quy định không thể thực hiện được. 

Cần có hướng dẫn cụ thể 

Đó là nội dung kiến nghị của các tổ chức cơ sở Đảng trong DN CPH đối với Trung ương và Thành ủy TPHCM trước tình hình hoạt động của tổ chức Đảng ở loại hình DN này những năm qua. Thực tế cho thấy, bên cạnh những tổ chức Đảng hoạt động có hiệu quả trong DN sau CPH, cũng còn nhiều tổ chức Đảng chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, hoạt động kém hiệu quả, không khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong DN, nhất là ở những DN không còn vốn chi phối của Nhà nước, hoặc đã thoái hết vốn.

Theo Bí thư Đảng ủy Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi) Nguyễn Văn Hiếu, Trung ương cần sớm điều chỉnh một số nội dung của Quy định 287 và 288 cho phù hợp với thực tế hoạt động của tổ chức Đảng trong từng loại hình DN CPH. Trong đó, nên có quy định riêng về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của những DN mà Nhà nước đã thoái hết vốn.

Qua đó, giúp tổ chức Đảng tại đây hình thành mô hình và phương thức hoạt động sát với thực tế, Về quy định “Tổ chức Đảng trong DN đã CPH có vốn nhà nước dưới 30% sẽ chuyển về trực thuộc cấp ủy địa phương hoặc khu chế xuất, khu công nghiệp, nơi DN có trụ sở chính”, nhiều cấp ủy Đảng cho là chưa phù hợp, cần điều chỉnh lại. Do DN trong lĩnh vực công nghiệp có những đặc thù, điều kiện khác so với các tổ chức, đơn vị, địa phương nên không thể ghép chung vào, sẽ rất khó hoạt động.

Đặc thù của các DN công nghiệp là người lao động làm việc theo ca kíp, nên hoạt động của tổ chức Đảng và sinh hoạt Đảng của các chi bộ chủ yếu là ngoài giờ sản xuất, hoặc trong ngày nghỉ. Hay việc học tập chính trị, nghe thời sự, quán triệt nghị quyết… các cấp ủy Đảng thường tổ chức tại nơi làm việc hoặc kết hợp với các hoạt động, hội nghị chuyên đề của DN. Nếu chuyển về trực thuộc địa phương, các nội dung hoạt động này sẽ khó thực hiện.

Ông Đinh Văn Thập, Bí thư Đảng ủy Tổng công ty May Nhà Bè: Tối ưu hóa vai trò tổ chức công đoàn

Sau khi CPH, ngoài những DN mang tính đặc thù thoát ra từ DN nhà nước, khi CPH không thay đổi bộ máy, người đứng đầu cấp ủy và các thành viên trong cấp ủy có trong HĐQT thì hoạt động của tổ chức Đảng thuận lợi. Với những DN CPH mà cấp ủy Đảng không có chân trong HĐQT, chủ DN là người nắm giữ cổ phần chi phối và quyền quyết định mọi hoạt động của DN thuộc về HĐQT thì gặp nhiều khó khăn. 

 Để hoạt động của tổ chức Đảng trong DN CPH phát huy được trong điều kiện chưa hoàn thiện thể chế, pháp lý rõ ràng, thì giải pháp là tối đa hóa vai trò của công đoàn trong các hoạt động của DN.

Ông Trịnh Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy Công ty CP Phân bón miền Nam:  Cân nhắc việc thoái hết vốn

Thực tế, nhiều DN nhà nước đã thoái hết vốn, có tình trạng chủ DN chuyển đổi lĩnh vực hoạt động khác, làm mất thương hiệu, không còn giữ vai trò chủ đạo ngành. Kéo theo đó là sản xuất đình đốn, công nhân nghỉ việc, tổ chức Đảng và công đoàn, các tổ chức đoàn thể cũng giải thể. Chúng ta đã mất một nguồn lực rất lớn từ những DN có thế mạnh này. Theo tôi, Nhà nước nên cân nhắc kỹ việc thoái hết vốn ở những DN có tính chất ngành nghề, lĩnh vực chủ đạo, có thể giữ lại một tỷ lệ nào đó để kiểm soát được hoạt động của DN và duy trì hoạt động của tổ chức Đảng, các đoàn thể tại đây.

Tin cùng chuyên mục