Thành phố Hồ Chí Minh tri ân người có công

Bài 3: Viết tiếp truyền thống

Truyền thống hào hùng cứ thế nối dài, khi lớp kế thừa theo gương cha anh, xả thân bảo vệ bình yên, dựng xây đất nước. Với họ, sự hy sinh của thế hệ đi trước chính là động lực cống hiến của lớp người đi sau…
Bà Hồ Thị Hồng trong một hoạt động chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm Thạnh Lộc
Bà Hồ Thị Hồng trong một hoạt động chăm sóc người khuyết tật tại Trung tâm Thạnh Lộc
Dấu ấn nữ giám đốc

Ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM), Giám đốc Hồ Thị Hồng luôn là tấm gương sáng đối với cán bộ, nhân viên. Mọi người càng thêm kính trọng bà Hồng khi biết bà là con liệt sĩ. Từ nhỏ, bà Hồng luôn tự hào về người cha phi công đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Lúc ấy, bà tròn 5 tuổi.  

Trước khi làm việc trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, bà Hồng có khoảng thời gian trui rèn trong môi trường quân đội. Có lẽ vì thế mà tác phong, cử chỉ của bà luôn toát lên dáng dấp người lính. 36 năm gắn bó với sở, bà cùng đồng nghiệp nỗ lực từng ngày, tìm tòi nhiều giải pháp trong quản lý, chăm sóc đối tượng đặc biệt. Nhờ vậy, người bệnh vào trung tâm có chế độ tăng thêm hàng năm; hưởng khẩu phần ăn phong phú, được khám chữa bệnh bằng thiết bị hiện đại... Bà Hồng tâm sự: “Có lẽ do hoàn cảnh phần nào tương đồng nên tôi luôn tâm niệm các cụ như cha, mẹ trong gia đình. Chính vì vậy, tôi chưa bao giờ nản chí trong công việc”. 

Bên cạnh đó, bà cùng ban giám đốc tích cực tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên học tập nâng cao trình độ. Trung tâm do bà quản lý là đơn vị điển hình về đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ gồm 41 cán bộ có trình độ: thạc sĩ (1 người), đại học (16 người) và trung cấp. Bác sĩ Lê Xuân Tuynh, phó trạm trưởng trạm y tế, cho biết anh là một trong những cá nhân được lãnh đạo tạo điều kiện, động viên đi học. “Hoàn thành chương trình bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tôi tiếp tục dốc sức phục vụ người bệnh. Không chỉ tôi mà tất cả anh em đều hiểu chủ trương của ban giám đốc, nhất là tấm lòng của cô Hồng. Đây chính là chất keo gắn kết, động lực giúp chúng tôi nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa”, bác sĩ Lê Xuân Tuynh khẳng định. Trong phòng truyền thống của trung tâm, huân chương lao động, bằng khen, giấy khen, cờ thi đua treo kín tường, là kết quả xứng đáng cho quá trình phấn đấu của tập thể trung tâm, trong đó có dấu ấn của giám đốc Hồ Thị Hồng. 

Không những giỏi việc nước, bà Hồng còn là hình mẫu người vợ, người mẹ đảm việc nhà. Hiện chồng bà cũng quản lý một trung tâm bảo trợ xã hội, con gái lớn của bà làm việc trong ngành ngân hàng, con gái út là sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. 

Nối nghiệp cha

Khi cha hy sinh ở chiến trường biên giới Tây Nam năm 1978, thiếu tá Lê Văn Dương, Trợ lý điều tra của Phòng Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM), mới tròn 1 tuổi. Nhà có 3 anh em, nhưng không ai nhớ rõ mặt cha. Anh nghe mẹ kể ngày ấy chiến tranh ác liệt, cha đi tòng quân như bao thanh niên khác. Khi nhà có thêm em gái út, cha biết tin vui qua thư báo tin mẹ gửi. Em gái chào đời không bao lâu thì giấy báo tử chuyển về. Nén đau thương, mẹ một mình gánh gồng, nuôi dạy con thơ. Người thân, xóm giềng khuyên mẹ đi bước nữa. Nhưng, mẹ từ chối. Mẹ quyết tâm ở vậy nuôi con. Cha đi, để lại duy nhất bức chân dung phóng ra từ tấm ảnh chụp chung với tập thể, do đồng đội mang về. Một thời gian sau, bức chân dung cũng thất lạc. Mọi người luôn nhận xét anh và cha như từ một khuôn đúc ra. Nhắc đến cha, anh nhớ như in những lần đi tìm mộ cha. Năm 1998, anh cầm theo tờ giấy báo tử, lặn lội đến huyện Tịnh Biên (An Giang), vào từng nghĩa trang tìm kiếm. Lúc anh thông báo tìm thấy cha ở nghĩa trang, cả gia đình khóc vì mừng. Đến nay, 3 anh em vẫn áy náy vì chưa có điều kiện đưa cha về gần mẹ. 

Mấy anh em trưởng thành dưới sự đùm bọc của xóm giềng và tình thương của mẹ. Học xong phổ thông, nung nấu ý chí nối tiếp con đường cha chưa đi trọn, anh Dương tình nguyện đi bộ đội. Trong đơn vị, anh vừa rèn luyện, vừa ôn thi. Năm 2004, anh tốt nghiệp Học viện Biên phòng và về công tác tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM). Anh kể, hồi đó đường đi cách trở, vợ chồng, cha con mấy tháng không gặp nhau. Anh động viên vợ rằng nhiều đồng chí xung phong ra biên giới, đảo xa, gia đình họ còn hoàn cảnh gấp vạn lần. Mẹ già ở quê, mỗi lần đi công tác, anh đều tranh thủ ghé nhà thăm mẹ, thắp hương cho cha. 

21 năm công tác, anh Lê Văn Dương trải qua nhiều đơn vị trực thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM. Dù đảm nhận nhiệm vụ nào thì anh đều đặt truyền thống gia đình, trách nhiệm và lòng yêu nghề lên trên tất cả. Trực tiếp tham gia nhiều chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm, anh hiểu đây công việc nguy hiểm, gian truân, đặc biệt là ở cửa biển, cửa sông. Nhưng không vì thế mà anh nề hà gian khổ, đã góp công trong nhiều chuyên án. Gần đây nhất, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM quyết định khen thưởng đột xuất anh Dương cũng như tổ công tác, sau khi phá thành công một vụ gian lận thương mại quy mô, có tính chất nghiêm trọng. 

Giống anh Dương, chị Nguyễn Thị Bảo Hòa (quê huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cũng tiếp bước cha, gia nhập lực lượng vũ trang. Hòa hiện là sinh viên năm cuối Trường Đại học An ninh nhân dân. “Cha tôi là thương binh trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Bốn chị em chúng tôi lớn lên với những câu chuyện ở chiến hào, dưới hầm trú ẩn từ cha và nhiều cô bác thân thích từng tham gia cách mạng kể lại. Từ nhỏ, tôi đã cảm phục và quyết đi theo con đường của lớp người đi trước”, Bảo Hòa chia sẻ. Trong quá trình học tập, Bảo Hòa không chỉ nỗ lực trau dồi kiến thức mà còn tích cực tham gia hoạt động phong trào.

Tin cùng chuyên mục