Bài 4: Dân chủ trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam

Quyền làm chủ về sở hữu

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam, dân chủ vừa được xem là mục tiêu, vừa được xem là động lực. Thế nhưng, trong khi Đảng CSVN lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” thì các thế lực thù địch luôn rêu rao là “chế độ Đảng trị, phi dân chủ, nhân quyền…”. Thực chất thế nào? Bài viết sau đây của GS-TS Phạm Ngọc Quang như một dẫn chứng cụ thể.

Quyền làm chủ về sở hữu

Một nét dễ thấy nhất là nhờ phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với việc xác lập thị trường sức lao động, đã cho phép người có sức lao động mà không có điều kiện cũng như năng lực tự mình tổ chức sản xuất kinh doanh có thể làm việc cho bất kỳ chủ thể kinh tế nào để thực hiện quyền lao động chính đáng, hợp pháp mang lại lợi ích cho mình cũng như của sự phát triển xã hội nói chung.

Quyền làm chủ về sở hữu đã được thể hiện cụ thể qua quyền vận dụng các nguồn lực kinh tế, đưa chúng vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi khẳng định vai trò của chế độ công hữu, Đảng ta cũng chủ trương đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp cổ phần, làm cho nó trở thành hình thức tổ chức kinh tế phổ biến, thúc đẩy xã hội hóa sản xuất kinh doanh và sở hữu. Thực hiện chủ trương đó, đã có nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, hàng triệu người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đó đã có cổ phần –là đồng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Cùng với kinh tế cổ phần, kinh tế hợp tác xã, kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân cũng có nhiều khởi sắc, mang lại những đóng góp có giá trị cho đất nước. Cũng nhờ việc xác lập nhiều chế độ sở hữu, nhiều thành phần kinh tế - trong đó có kinh tế tư nhân - mà không ít người có tiềm lực kinh tế, có năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh có thể làm chủ tiềm lực và năng lực của mình, biến năng lực thành thực tiễn để mang lại lợi ích chính đáng cho bản thân và có tác động tích cực tới sự phát triển xã hội.

Trong những năm gần đây, đóng góp của khu vực tư nhân, vai trò động lực của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định. Ngày 13-10, Ngày Doanh nhân Việt Nam, đã đi vào tâm thức của mọi người. Qua đó cho thấy, việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã góp phần giải phóng về kinh tế cho cả hai lớp người: người nghèo, cái duy nhất họ có là sức lao động, và người giàu - có năng lực làm kinh tế; khiến cho cả hai lớp người đó đều có điều kiện và thực tế đã từng bước vươn lên làm chủ về kinh tế phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của mình.

Dân chủ trên lĩnh vực chính trị

Thứ nhất, đó là quyền được có một nhà nước thực sự dân chủ. Nhà nước do nhân dân bầu ra qua phổ thông đầu phiếu và kín. Mọi hoạt động của nhà nước phải đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp và thông qua các tổ chức đại diện của nhân dân. Thứ hai, quyền của người dân tham gia vào công việc nhà nước. Thứ ba, bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo đảm cho mọi người dân quyền tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng... Thứ tư, mọi đại biểu cho dân phải được nhân dân bầu ra, mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật... Nhìn vào thực tế, trên cả 4 vấn đề vừa nêu chúng ta đều có những bước tiến căn bản.

Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - được đổi mới cả về phương thức tạo lập đến phương thức vận hành. Việc cải tiến cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội đã góp phần khuyến khích nhân dân tự ứng cử, tăng khả năng lựa chọn của cử tri, tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm làm cho hoạt động Quốc hội trở nên chuyên nghiệp hơn; tranh luận và chất vấn, trả lời chất vấn trong sinh hoạt Quốc hội đã trở thành nền nếp ổn định trong các kỳ họp Quốc hội...

Chúng ta cũng đã cải cách nền hành chính quốc gia trên cả 4 phương diện: Thể chế hành chính, bộ máy hành chính, công chức hành chính và quản lý tài chính công. Nhờ vậy, một nền hành chính gần dân, thân dân, vì nhân dân, chuyên nghiệp, theo hướng hiện đại đang từng bước hình thành...

Quyền làm chủ trên lĩnh vực xã hội, dân sự

Quyền công dân - quyền con người của nhân dân ta - không chỉ bảo đảm bằng pháp lý thông qua việc thể chế hóa thành luật, mà quan trọng hơn được bảo đảm trong thực tế. Nhu cầu cao nhất của quyền công dân, quyền con người là được sống trong một đất nước hòa bình, độc lập, tự do.

Trong hơn 20 năm qua, mặc dù có xuất hiện một số điểm nóng gây mất ổn định cục bộ ở một số địa phương trong khoảng thời gian nhất định, nhưng Việt Nam vẫn được bạn bè trên thế giới xem là một trong số rất ít quốc gia có môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển. Nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân được bảo đảm.

Có cách nhìn thông thoáng hơn đối với hiện tượng tâm linh. Nền văn hóa thống nhất nhưng đa dạng, những giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam được trân trọng giữ gìn, phát huy. Đã có thay đổi lớn trong quan niệm và cơ chế thực hiện quyền tự do cư trú, quyền đăng ký hộ khẩu – hộ tịch, quyền lựa chọn quốc tịch và quyền có hai quốc tịch... của công dân...

Mặt trái của kinh tế thị trường là thúc đẩy sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng miền, giữa các cộng đồng dân cư. Sớm thấy rõ điều đó, Đảng ta đã có nhiều chủ trương chỉ đạo góp phần giảm sự phân cực giàu nghèo vì các lý do phi kinh tế, có chính sách tích cực xóa đói giảm nghèo; khuyến khích làm giàu chính đáng nhưng nâng cao tinh thần lá lành đùm lá rách...

Qua hơn 20 năm đổi mới, có thể nói các quyền làm chủ của nhân dân ta trên các lĩnh vực xã hội đã có những bước tiến lớn, tạo thành động lực mạnh mẽ cho đổi mới. Song những gì đã đạt được vẫn còn rất xa so với nhu cầu mà nhân dân cần phải có. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân còn diễn ra ở nhiều nơi. Các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài là một biểu hiện của tình trạng đó.

Không ít văn bản pháp luật thể chế hóa quyền công dân, quyền con người chưa được cả cơ quan nhà nước lẫn người dân thực hiện nghiêm minh... Việc tìm ra những biện pháp khắc phục tình trạng đó đang là đòi hỏi bức xúc của cuộc sống, của nhân dân.

Trình độ dân chủ trong một chế độ xã hội không chỉ phụ thuộc vào việc thể chế hóa các quyền dân chủ thành luật, mà còn phụ thuộc trình độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, trình độ thông tin, trình độ văn hóa của nhân dân… Những yếu tố đó không thể xác lập một sớm một chiều. Chúng chỉ có thể là kết quả sự nỗ lực lâu dài của cả dân tộc. Do vậy, một mặt, cần chống trì trệ, bảo thủ, trì kéo quá trình dân chủ hóa; mặt khác, phải chống chủ quan, nôn nóng. Tìm ra hình thức, bước đi, nhịp điệu thích hợp với thực tiễn đất nước là chìa khóa bảo đảm thành công của quá trình dân chủ hóa ở nước ta.

GS-TS Phạm Ngọc Quang

Học thuyết Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội:
Trào lưu hay quy luật tất yếu?

- Bài 1: Chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu - Vì sao sụp đổ?

- Bài 2: CNXH ở Việt Nam trước đổi mới

- Bài 3: Thành tựu thời kỳ đổi mới ở Việt Nam: Con đường đi lên CNXH hình thành những nét cơ bản

Tin cùng chuyên mục