Đổi mới công tác cán bộ và cơ chế kiểm soát quyền lực

Bài 4: Phát huy dân chủ cơ sở, dựa vào dân, lắng nghe dân

Đề cập đến việc đổi mới công tác cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hơn 2 năm nữa là tới Đại hội Đảng XIII nên ngay từ bây giờ cũng cần phải chuẩn bị đội ngũ kế cận có bản lĩnh chính trị và chuyên môn vững vàng, vì nước, vì dân.
Đồng chí Phạm Thế Duyệt (ảnh), nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Đồng chí Phạm Thế Duyệt (ảnh), nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Những cán bộ cấp chiến lược không chỉ phải nêu cao vai trò gương mẫu mà còn phải quán triệt sâu sắc thực hiện quan điểm của Bác Hồ “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”, trên nêu gương tốt thì dưới cũng noi theo.

Cán bộ chủ chốt mà hỏng thì mất hết lòng tin

* PHÓNG VIÊN: Tại sao Đảng phải ban hành Nghị quyết 26 về công tác cán bộ ở thời điểm này?

- Đồng chí PHẠM THẾ DUYỆT: Đây là yêu cầu đặt ra trong tình hình mới của Đảng và đất nước, cũng như có một thời gian dài việc thực hiện công tác cán bộ có nhiều hạn chế, cách xa so với thực tế. Đối với Nghị quyết 26 vừa qua, tôi thấy có ý nghĩa rất lớn khi công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đang có nhiều kết quả tốt. Vì thế cần phải nâng tầm cao hơn nữa của công tác này nhằm đáp ứng tình hình mới của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chứ không dừng lại. Hơn nữa, trong tình mới có thể thấy mối quan hệ của các cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược rộng hơn trước nhiều. Từ những vấn đề trong nước, ngoài nước, đến hội nhập quốc tế, cho tới việc nhiều cán bộ được đào tạo cũng khác so với lớp cán bộ được học tập, rèn luyện, trưởng thành trong kháng chiến, lao động sản xuất và đào tạo ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Bây giờ nhiều cán bộ lãnh đạo được học tập ở các nước phát triển như Anh, Mỹ... nên họ có kiến thức rất sâu rộng, chuyên môn tốt hơn, nhưng bảo họ có hiểu biết, thấm nhuần ý thức giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng tiền phong thì không dễ. Vì thế, cần phải ban hành Nghị quyết 26 để những ai tới đây được đề bạt vị trí lãnh đạo phải thấy rõ trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ vai trò của Đảng tiền phong.

* Việc Nghị quyết 26 khẳng định tập trung vào đội ngũ chiến lược có ý nghĩa gì?

- Việc tập trung vào đội ngũ chiến lược rất phù hợp với quan điểm của Bác: “Trên trước dưới sau”, “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Nếu chỉ có cấp trên kêu gọi hành động chống tiêu cực, tham nhũng mà các ủy viên trung ương, cấp ủy các cấp không bày tỏ ý kiến, hành động mạnh mẽ thì khó có hiệu quả và không thể có chuyển biến tích cực được. Do đó, Trung ương nhấn mạnh tới việc xây dựng đội ngũ cấp chiến lược, cũng như đề cao vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhất là trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế. Nếu “nhà bị dột”, nhưng dột phía dưới, có hư hỏng chỗ nào cũng dễ sửa chữa; chứ nếu “dột từ nóc”, hỏng từ trên, thì rất khó sửa chữa. Nói như vậy để thấy rằng, cán bộ chủ chốt mà hỏng, thì mất hết lòng tin của nhân dân. Nếu ở dưới, đảng viên hỏng, chỉ mất lòng tin với một số bộ phận dân cư, lĩnh vực. Nhưng với các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chưa cần hỏng, mới chỉ “bị nghi ngờ” thôi cũng đã đủ phức tạp, mất hết uy tín với nhân dân. Vì thế, đòi hỏi những cán bộ chiến lược, cán bộ cấp cao phải nhận thức sâu sắc đường lối, nghị quyết của Đảng, đồng thời phải hành động gương mẫu, trong sáng trước Đảng và trước dân.

* Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí cả ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật. Đồng chí nhìn nhận việc này như thế nào?

- Chúng ta hiện đang thực hiện tốt và có kết quả trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng lãng phí nhưng cũng chưa thực sự yên tâm. Bởi lẽ thực tế cho thấy, tại nhiều đại hội đảng bộ ở địa phương, của các ngành, các cấp một số nhiệm kỳ qua, có ai nói tới cán bộ hư hỏng đâu? Cũng không thấy ai chỉ ra đảng viên nào, cán bộ nào ở trong cấp ủy, trong trung ương tham nhũng, tiêu cực? Trong khi qua nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện và xử lý vừa qua có tới 2/3 những người vi phạm bị xử lý là cán bộ đảng viên giữ những vị trí cao trong Đảng, trong chính quyền, bộ, ngành cơ quan nhà nước. Những cán bộ vi phạm bị xử lý vừa qua, họ ở vị trí nào, dù là lãnh đạo chính quyền địa phương hay các bộ ngành thì cũng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định cả. Vì thế, việc lựa chọn được những cán bộ ở vị trí chiến lược, cấp cao là đòi hỏi, yêu cầu rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Đó phải là những cán bộ trong sạch, “há miệng mà không mắc quai” mới được người dân tin tưởng.

Để làm được việc này phải thực sự quán triệt sâu sắc tư tưởng của Bác về người cán bộ “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”, đừng để cán bộ ba hoa, hình thức, đánh bóng bản thân. Chúng ta đều biết, những cán bộ cấp cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ là người quyết định các vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước; nếu những người đó không gương mẫu, hành động quyết liệt theo nghị quyết đại hội đề ra thì làm sao mang lại sự chuyển biến hiệu quả toàn bộ. 

Ủng hộ, tin tưởng, nhưng chưa thực sự yên tâm

“Tôi chỉ ước rằng mỗi nghị quyết của Đảng ban hành ra thực hiện được khoảng 60%-70% là tốt lắm rồi, chưa nói tới 80%-90%. Và, nghị quyết có làm được hay không, có hiệu quả thiết thực như thế nào thì cứ xuống dưới kiểm tra, nghe dân phản ánh là biết rõ ràng ngay...”

Đồng chí Phạm Thế Duyệt

* Đồng chí nghĩ sao khi Nghị quyết 26 đề cập tới vấn đề kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ?

- Việc Nghị quyết 26 đề cập kiểm soát quyền lực để nhấn mạnh thêm, chứ thực tế, Đảng ta cũng đã có các quy định về kiểm tra, kiểm soát đảng viên. Tuy nhiên trước đây kiểm tra, kiểm soát phát hiện cán bộ, đảng viên sai phạm “hàng đống, hàng mớ” nhưng không kết luận chỉ rõ để xử lý mà hầu hết là “9 bỏ làm 10”. Như vậy thì làm sao chống tiêu cực, tham nhũng trong Đảng được? Vừa rồi chúng ta xử lý vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... có thể coi là tiêu biểu của việc chống tiêu cực, tham nhũng trong Đảng; nhưng thử hỏi như vậy đã xong chưa, hết chưa, những người khác đều trong sạch cả không?... Công bằng mà nói, trong toàn Đảng, toàn dân không tin chỉ có chừng đó! Người dân vẫn còn rất băn khoăn và lo lắng về vấn đề này.

Trung ương đề cao vai trò của việc kiểm soát quyền lực là đúng đắn. Nhưng trước hết, Đảng nói và đề ra về kiểm soát quyền lực thì Đảng phải thực hiện nghiêm, nhất là những cán bộ trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư phải là những người gương mẫu đầu tiên. Lãnh đạo gương mẫu, nghiêm minh mới giữ được kỷ cương, phép nước. Quan trọng hơn, để kiểm soát quyền lực, Đảng phải dựa vào dân theo như lời Bác đã từng nói “Dân là gốc”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cùng với đó, phải có cơ chế để toàn bộ hệ thống chính trị, như: công đoàn, mặt trận, thanh niên, hội khoa học kỹ thuật, hội văn học nghệ thuật… được thẳng thắn, dân chủ bày tỏ ý kiến, thái độ đóng góp cho Đảng trong mọi vấn đề. Bởi thực tế lâu nay, chúng ta vẫn nặng nề vai trò Đảng lãnh đạo nên không ít cá nhân, đảng viên trong công đoàn, mặt trận... có suy nghĩ, ý kiến với Đảng trên tinh thần đóng góp, xây dựng nhưng do nhiều “cơ chế ràng buộc” đã không dám nói ra chính kiến.

* Đồng chí có thể nói rõ hơn vai trò của nhân dân trong việc giám sát quyền lực?

- Trong thực tế hiện nay, nếu không có cơ chế để người dân công khai giám sát một cách dân chủ trong Đảng, thì sẽ có những bộ phận, những người mà không ai dám đụng tới. Điều đó là không công bằng và không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được. Người dân bây giờ đang phấn khởi, tin tưởng những việc mà Đảng đã làm trong thời gian qua về việc xây dựng, chỉnh đốn bộ máy, chống tham nhũng… Tuy nhiên, nói để người dân thực sự yên tâm thì chưa được, nhất là trong thực tế vẫn còn những cán bộ, đảng viên “ham chức, ham quyền”. Đảng cần phải dựa vào dân, lắng nghe dân để thực sự chọn được những người có đức, có tài trong quy hoạch cán bộ các cấp. Việc đó phải làm rất chân thành, thẳng thắn, công khai, minh bạch, mới có hiệu quả và mang lại chuyển biến lớn cho công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Tin cùng chuyên mục