Bài học giải quyết kẹt xe

Chuyện kẹt xe trên cầu Kênh Tẻ (quận 4) không chỉ cản trở sự phát triển TPHCM, mà còn làm khổ hàng vạn người mỗi ngày qua lại, mất cả giờ đồng hồ, lẽ ra chỉ phải qua vài phút.

Hơn 10 năm trước, thường xuyên đi qua đây, tôi thấy mật độ giao thông không nhiều, không xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Dọc đường Nguyễn Hữu Thọ là các dãy đất trống được bao phủ hoa cỏ, mảng xanh, ít dân cư, nhưng nay xuất hiện dày đặc tòa nhà cao tầng với quần thể dân số ước tính hàng chục ngàn người. Các tuyến đường lân cận cũng xuất hiện nhiều dự án bất động sản nền đất, căn hộ.

Đáng chú ý, hầu hết công trình lớn nhỏ đều được quy hoạch xây dựng sát mặt đường. Tình trạng tập trung quá nhiều dự án bất động sản, nhà cao tầng, chung cư làm tăng đột biến dân số, trong khi hạ tầng không phát triển theo kịp, là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông nhiều khu vực, trong đó xuất hiện tình trạng kẹt xe trên cầu Kênh Tẻ.  

Cầu Kênh Tẻ nối đường Khánh Hội (quận 4) với đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), có mặt đường cho xe chạy rộng 12m và lề đi bộ mỗi bên rộng 1m. Việc mở rộng thêm mỗi bên 1m (vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng) chỉ là xử lý chắp vá, tốn kém nhưng giảm kẹt xe không bao nhiêu. Nhiều người kỳ vọng sẽ hết kẹt xe khi xây dựng mới cầu Kênh Tẻ 2 (từ đường Hoàng Diệu gần cầu Ông Lãnh đến vòng xoay Tôn Đản và Vĩnh Hội, sau đó vượt đường Tôn Thất Thuyết băng qua Kênh Tẻ rồi nối với đường Lê Văn Lương, quận 7).

Đây là việc thiết thực, trước sau gì cũng phải làm, làm càng sớm càng lợi. Cầu Kênh Tẻ 2 đã có trong quy hoạch giao thông TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 và có điều chỉnh năm 2013, đã xác định phải làm để phát triển trục giao thông Bắc - Nam.

Với mật độ giao thông hiện tại ở cầu Kênh Tẻ, thay vì cơi nới mở rộng thêm mặt cầu cũ mỗi bên chỉ 1m, hãy xây cầu mới bên cạnh có bề rộng phù hợp quy hoạch mặt đường Khánh Hội và Nguyễn Hữu Thọ, để đồng bộ bề rộng giữa các tuyến đường kết nối cùng với phương tiện giao thông qua lại trong khu vực, tránh nút thắt cổ chai.

Để TPHCM giải quyết kẹt xe, về lâu dài, ngoài sự tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, giải pháp trước mắt là hạn chế xây nhà cao tầng như chung cư hoặc mở khu dân cư mới ở những nơi vốn đã quá tải và kẹt xe. Cần có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý đô thị trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn. Như khi quy hoạch hoặc cấp phép xây dựng, ưu tiên cơ sở hạ tầng giao thông đi trước, tính toán nhu cầu tương lai đi kèm giải pháp phát triển bền vững đời sống người dân về đi lại, môi trường, phù hợp phát triển dân số và nhu cầu xã hội.

Tin cùng chuyên mục