Bài toán Brexit ngày càng khó giải

Theo một kết quả khảo sát công bố ngày 27-7 cho thấy, số người dân Anh ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã vượt số người phản đối ý tưởng này.

 

 

Ngoài ra, đa số người Anh trong các cuộc thăm dò đều không ủng hộ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May.

Một người dân Anh giương bảng kêu gọi Anh trở lại EU
 Trở lại EU hay không ?


Các tiếng nói phản đối Brexit và muốn bỏ phiếu lại về các điều khoản “ly hôn” đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống chính trị tại Anh.  Khảo sát của YouGov đăng trên tờ The Times cho thấy có 42% người dân Anh đồng ý tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về các điều khoản của thỏa thuận Brexit, cao hơn so với 40% ý kiến phản đối. YouGov đã tiến hành khảo sát thường xuyên với câu hỏi này từ tháng 4-2017. Tỷ lệ ủng hộ so với phản đối ban đầu là 31% - 48%. Tuy nhiên, khoảng cách này đã dần thu hẹp lại từ đó đến nay. Ngoài ra, YouGov cũng hỏi người dân Anh về lựa chọn của họ nếu tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân về Brexit vào thời điểm hiện tại. Đối với vấn đề này, 45% lựa chọn ở lại EU so với 42% chọn ra đi. Ngoài ra, 9% không có câu trả lời và 4% từ chối bỏ phiếu. 

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019 và hai bên muốn đạt được một thỏa thuận rút khỏi vào cuối tháng 10 này để có đủ thời gian cho quốc hội các bên thông qua. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các cuộc đàm phán thỏa thuận này gặp khó khăn do vấn đề liên quan đến kiểm soát biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland (phần lãnh thổ thuộc Anh). Thủ tướng Theresa May tuyên bố sẽ không tiến hành thêm bất kỳ cuộc trưng cầu ý dân nào về Brexit. Tuy nhiên, một cuộc vận động do báo The Independent tiến hành từ ngày 25-7 đã thu thập được gần 300.000 chữ ký chỉ trong vòng 24 giờ ủng hộ tổ chức trưng cầu.

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh, bà Justine Greening, cũng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit, và nói thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May là “né tránh vấn đề”. Bà đưa ra 3 phương án cho cuộc trưng cầu dân ý: đề xuất của thủ tướng, ở lại trong EU hay ra hẳn EU mà không có thỏa thuận. Bà nói có các nghị sĩ đảng Bảo thủ cao cấp khác cũng ủng hộ quan điểm của bà và nói thêm rằng những người trong phe Brexit cũng cảm thấy đề xuất của chính phủ “không phải là những gì họ bỏ phiếu cho”.

Khó khăn chồng chất

Hiện Brexit đang gặp cản trở ở 3 vấn đề: biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland; thủ tục nhập cư của công dân EU vào Anh và ngược lại; thỏa thuận thương mại. Cả Anh và EU đều khẳng định không muốn dựng một đường biên giới giữa tỉnh Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland, một thành viên của EU, thời hậu Brexit. Vì việc này còn mang ý nghĩa duy trì thỏa thuận hòa bình năm 1998 giúp chấm dứt ba thập kỷ xung đột đẫm máu giữa phe ly khai và phe ủng hộ Liên hiệp Anh ở Bắc Ireland. EU cũng muốn duy trì Bắc Ireland trong liên minh thuế quan với EU sau Brexit. Nhưng London lại cho rằng việc này xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của Anh.

Theo kế hoạch của Thủ tướng May, những người đến Anh trước Brexit có thể được cấp thẻ cư trú vĩnh viễn ở Anh với điều kiện sống 5 năm liên tục tại vương quốc Anh nhưng các thành viên đến đoàn tụ gia đình sau thời kỳ chuyển tiếp sẽ không được hưởng quy chế đặc biệt, mà phải theo những quy định thông thường về nhập cư, trong đó có cả điều kiện về thu nhập. Ngoài ra, việc đạt được một thỏa thuận toàn diện với EU về quan hệ thương mại trong tương lai trước tháng 3-2019 sẽ là một thách thức. Người đứng đầu bộ phận chính sách của khu tài chính London Catherine McGuinness dự báo, khu tài chính London sẽ mất từ 3.500 đến 12.000 việc làm, tùy thuộc kết quả thỏa thuận cuối cùng giữa Anh và EU.

Tin cùng chuyên mục