Bài toán khó của dịch vụ ăn uống

Các nhà hàng, quán ăn ở Singapore đang chạy nước rút tìm ra giải pháp giải quyết nạn thiếu hụt nhân công khi chính phủ sở tại bắt buộc hạ thấp tỷ lệ tối đa của lao động nước ngoài từ mức 40% hiện tại xuống 38% vào tháng 1-2020, và tiếp tục giảm xuống 35% một năm sau đó.

Thu hẹp hạn ngạch lao động nước ngoài trong ngành dịch vụ là một trong những nỗ lực tìm cách giảm sự phụ thuộc vào lao động nước ngoài và cải thiện năng suất lao động trong nước mà Chính phủ Singapore quyết tâm theo đuổi. Giới hạn nghiêm ngặt đối với việc sử dụng lao động nước ngoài ngày càng gia tăng trong ngành dịch vụ, lĩnh vực mà các điều kiện làm việc (như bữa ăn, giờ làm...) có khuynh hướng “đóng cửa” với người dân địa phương. 

Bắt đầu từ ngành ít người nước ngoài nhất là ngành dịch vụ. Đây là bước đầu để doanh nghiệp và lao động bản địa trở nên cạnh tranh hơn so với các quốc gia trong khu vực. Công nhân tại các cơ sở hay dịch vụ ăn uống thường kiếm được ít tiền hơn nhiều so với các lĩnh vực khác như tài chính, lại còn làm cả 6 ngày trong tuần với nhiều giờ dài liên tục. Do người trẻ Singapore không được khuyến khích làm việc tại các quán ăn, các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống phải thay thế bằng lao động nước ngoài mà họ tự thuê. Việc siết chặt hạn ngạch lao động nước ngoài sẽ làm gia tăng căng thẳng tài chính trong ngành dịch vụ. Trước mắt, chi phí thuê nhân công là người bản xứ sẽ tăng vọt. 

Theo Nikkei Asian Review ngày 25-6, một chuỗi nhà hàng của Nhật tăng chi tiêu gấp 10 lần trong tháng 6 và tháng 7 tới so với bình thường để quảng cáo tìm nhân công  trong các ấn phẩm miễn phí định kỳ. Chuỗi nhà hàng này cũng đang xem xét áp dụng cung cấp các tiêu chuẩn chế độ ăn Hồi giáo để thu hút người lao động địa phương gốc Malaysia.

Bất chấp hiện tượng nhiều công việc người nước ngoài chịu đảm nhận thì người bản địa lại chê bai lương thấp hoặc không xứng với họ, Chính phủ Singapore vẫn cho rằng việc giảm phụ thuộc vào lao động nước ngoài là cần thiết. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat trước đó cho biết, Singapore cần hành động quyết đoán để quản lý nhân lực trong ngành dịch vụ và khuyến khích các công ty cải tổ quy trình làm việc, thiết kế lại công việc và đào tạo lại công nhân Singapore. Lực lượng lao động của Singapore đang mỏng dần và nếu không nhanh chóng đào tạo lực lượng lao động, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai. Các ngành như nhà hàng và bán lẻ vẫn rất tốn nhân công và việc dựa vào lao động nước ngoài ngày càng nhiều không phải là giải pháp lâu dài. Chính phủ Singapore đang yêu cầu các doanh nghiệp dần thoát ra khỏi sự phụ thuộc đó. 

Ông Eiji Kamada, Giám đốc điều hành Đổi mới Ẩm thực khu vực châu Á - Thái Bình Dương - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ăn uống Đông Nam Á, cho biết Singapore là một trong những thị trường khó khăn nhất của châu Á trong việc đảm bảo lao động. Các nhà hàng tiếp tục chen chân vào Singapore, nơi đã có hơn 1.000 quán ăn Nhật Bản. Nhưng việc thắt chặt lao động như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống khó có thể tồn tại lâu dài mà không có kế hoạch tuyển dụng toàn diện. Với một quốc gia vẫn luôn phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư như Singapore thì đây là một bài toán khá khó khăn.

Tin cùng chuyên mục