Bài toán khó của Tokyo

 

Nhật Bản được biết đến là nước có tỷ lệ sinh thấp, tổng dân số dần giảm đi, nhưng hiếm người có thể nhận ra điều đó nếu họ chỉ sống và làm việc ở Tokyo hoặc khu vực lân cận. 

Khu vực trung tâm thủ đô luôn đông và còn đông hơn mỗi ngày, bởi cư dân thành phố không ngừng tăng lên.

Các cư dân luôn tăng này không phải là những em bé chào đời ở Tokyo mà là người dân khắp mọi miền nước Nhật đổ về. Trong suốt 22 năm qua, số người chuyển đến Tokyo luôn vượt trội so với số người chuyển đi. Hiện tại, ước tính dân số 23 quận trung tâm Tokyo hơn 9 triệu người. Nếu tính luôn khu vực phụ cận là hơn 13 triệu người. Còn toàn vùng thủ đô Tokyo (bao gồm Tokyo và 6 tỉnh lân cận) có dân số tới 38 triệu người, chiếm gần 1/3 tổng dân số Nhật Bản.

Nguyên nhân có rất nhiều, chủ yếu do Tokyo là nơi có điều kiện học tập, cơ hội việc làm tốt nhất Nhật Bản. Hàng năm, sinh viên cả nước đến đây học đại học rồi kiếm việc làm. Những người giỏi nhất thường không về quê mà lập nghiệp ngay ở Tokyo. Điều này dẫn đến phân bố dân cư không đều. Vấn đề trầm trọng hơn qua từng năm, khiến các khu vực dân cư quy mô trung bình và nhỏ của Nhật Bản dần biến mất. Đã đến lúc chính phủ thảo luận về biện pháp rất trực tiếp: Làm sao đưa người dân từ Tokyo trở về quê hay đi đến những vùng khác?

Theo tờ Japan Today, Chính phủ Nhật đang nghiên cứu áp dụng chính sách tài chính mới. Theo đó sẽ hỗ trợ cho những ai đang sống tại 23 quận trung tâm của Tokyo với số tiền là 3 triệu yen (khoảng 27.000USD) để họ rời khỏi Tokyo và bắt đầu công việc mới hay lập công ty mới ở nơi khác. Chính sách dự định áp dụng sớm nhất vào năm tài chính 2019. Chính sách này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phía phản đối lo ngại 2 vấn đề. Một là, 3 triệu yen là số tiền không quá lớn so với lương 12 tháng của nhân viên văn phòng ở Tokyo. Vì vậy phải làm rõ, họ sẽ nhận được khoản tiền này trước thời gian chuyển đi là bao lâu. Nếu thời gian quá gấp rút sẽ không kịp xoay xở. Thứ hai, chính sách trên vẫn đang được thảo luận, nó chưa quy định rõ phải chuyển đi cách Tokyo bao xa mới được nhận tiền. Nếu nhiều người chọn cách chuyển đến vùng ngoại ô Tokyo, sau đó lái xe vào thành phố mỗi ngày thì đâu vẫn hoàn đó, không giải quyết được vấn đề quy hoạch dân cư.

Thống đốc Tokyo, bà Yuriko Koike, cũng bày tỏ nghi ngại: Chính phủ phải cân nhắc rất kỹ về tác động thực tế mà số tiền 3 triệu yen có thể mang lại. Tôi nghĩ điều cần làm nhất là tập trung phát triển những khu vực ngoài Tokyo - biến chúng trở thành nơi đáng sống và quảng bá về những nơi đó. Như vậy sẽ tự động thu hút nguồn lực.

Bên ủng hộ cho rằng điểm hấp dẫn nhất trong chính sách chuyển dân ra khỏi Tokyo là số tiền 3 triệu yen được trả hết một lần. Tuy vậy, người lao động sẽ phải cân nhắc, đắn đo vì xét về lâu dài, thủ đô Tokyo có thể đem lại cho họ nhiều cơ hội hơn. Để giải quyết triệt để vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng chính phủ nên hỗ trợ tiền và ưu đãi thuế nếu người dân chuyển đến những địa điểm cụ thể, tức các khu đô thị cỡ trung hay kể cả những thành phố khá lớn (nhưng cách xa vùng thủ đô Tokyo) như Sendai hay Sapporo.

Tin cùng chuyên mục