Bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao

Những ngày gần đây, dư luận ở ĐBSCL xôn xao khi Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tiến hành khởi kiện một cựu giảng viên của trường này để đòi bồi thường chi phí đào tạo tiến sĩ. Khoan nói đến chuyện đúng hay sai giữa hai bên, nhưng vấn đề thất thoát nguồn nhân lực chất lượng cao ở ĐBSCL gần đây đã diễn ra thường xuyên hơn. Trước đó, không ít ứng viên của Chương trình Mê Công 1.000 đi học rồi không về, hoặc về rồi thì chạy đi chỗ khác, không thực hiện đúng cam kết trở về phục vụ địa phương.

Những ngày gần đây, dư luận ở ĐBSCL xôn xao khi Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tiến hành khởi kiện một cựu giảng viên của trường này để đòi bồi thường chi phí đào tạo tiến sĩ. Khoan nói đến chuyện đúng hay sai giữa hai bên, nhưng vấn đề thất thoát nguồn nhân lực chất lượng cao ở ĐBSCL gần đây đã diễn ra thường xuyên hơn. Trước đó, không ít ứng viên của Chương trình Mê Công 1.000 đi học rồi không về, hoặc về rồi thì chạy đi chỗ khác, không thực hiện đúng cam kết trở về phục vụ địa phương.

Từ năm 2005, trước thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của ĐBSCL, Trường ĐHCT đã chủ động đề xuất đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (gọi tắt là Chương trình Mê Công 1.000) và được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Từ đó đến nay, chương trình đã cử 550 ứng viên đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài tại 160 viện, trường của 23 quốc gia. Trong đó, nghiên cứu sinh có 50 người, còn lại là thạc sĩ. Tổng kinh phí đã sử dụng tương đương 19 triệu USD. Một số địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu đào tạo như: Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long; cơ cấu đào tạo căn cứ theo nhu cầu và định hướng của các địa phương.

Một số ngành được ưu tiên lựa chọn đào tạo như: kinh tế, tài chính, thương mại, quản lý dự án, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp, thủy sản, luật, giáo dục và quản lý giáo dục… Theo đánh giá chung của ĐHCT và các tỉnh, thành, việc tuyển chọn và đào tạo các ứng viên theo Chương trình Mê Công 1.000 đã tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng cao và khi được bố trí phù hợp chuyên ngành sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, từng bước bổ sung, hoàn thiện vào nguồn nhân lực còn thiếu và yếu ở ĐBSCL.

Tuy nhiên, Chương trình Mê Công 1.000 vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Trình độ ngoại ngữ của các ứng viên còn thấp, gây khó khăn cho việc quy hoạch đào tạo, dẫn tới số cán bộ công chức, viên chức tham gia đề án này còn quá ít, sự chênh lệch nhóm ngành nghề được đào tạo còn cao. Cụ thể, Cần Thơ cử 7 ứng viên, trong đó, chỉ có 5 ứng viên làm nghiên cứu sinh là quá ít so với kế hoạch đào tạo 24 tiến sĩ. Một số nhóm nghề như y tế và sức khỏe cộng đồng, công nghệ sinh học, công nghiệp vật liệu, công nghiệp hóa..., có rất ít ứng viên tham gia. Ngoài ra, một số ít cơ quan đơn vị sử dụng thiếu quan tâm đến việc tạo môi trường làm việc trong điều kiện cho phép, có nơi không trang bị kịp thời phương tiện làm việc tối thiểu như bàn ghế, máy vi tính. Bên cạnh đó, nhóm ngành về nông nghiệp rất ít ứng viên, trong khi ĐBSCL cần có một lực lượng các nhà khoa học nông nghiệp đủ mạnh để nghiên cứu phương pháp canh tác, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp cho vùng. Thêm nữa, trong quá trình thực hiện đề án, xuất hiện một số người đòi hỏi quyền lợi, tự động bỏ việc, không về nước; thậm chí khi về nước thì không yên tâm, so bì về thu nhập. Mặt khác, chính quyền tại một số địa phương còn thiếu sót, ít quan tâm đến công tác cán bộ. Có những trường hợp được đào tạo chuyên sâu về KHKT nhưng khi về nước lại được bố trí vào các cơ quan hành chính, dẫn tới chán nản.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng các địa phương cần tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo các tỉnh, thành xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo lộ trình cụ thể; chủ động trong việc thu hút nguồn nhân lực; có sự liên kết trong công tác đào tạo giữa địa phương với các trường đại học. Bên cạnh đó là xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách dài hạn và căn cơ; tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước cho GD-ĐT, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình, dự án; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng; có chính sách đãi ngộ và bố trí công việc phù hợp để tránh tình trạng thất thoát nhân lực chất lượng cao như thời gian qua.


TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục