Bấm chuột tra cứu thông tin quy hoạch

Chúng tôi đang cố gắng đến tháng 9-2017 sẽ đưa tất cả các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 ở quận Thủ Đức lên mạng, đồng thời đang hoàn thiện phần mềm để người dân tải ứng dụng xuống điện thoại thông minh và tra cứu thông tin quy hoạch...
“Chúng tôi đang cố gắng đến tháng 9-2017 sẽ đưa tất cả các đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 ở quận Thủ Đức lên mạng, đồng thời đang hoàn thiện phần mềm để người dân tải ứng dụng xuống điện thoại thông minh và tra cứu thông tin quy hoạch, thay vì phải đến phường, đến quận viết yêu cầu cung cấp thông tin như lâu nay”, anh Vũ Chí Kiên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức (TPHCM), thông tin.
Ngồi nhà click chuột gửi yêu cầu
Anh Vũ Chí Kiên cho biết, quận đã triển khai việc cung cấp thông tin quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1/2000 ở các phường Bình Thọ, Linh Chiểu, Linh Tây, Linh Xuân, Linh Trung và Trường Thọ lên trang web http://ttqh-thuduc.tphcm.gov.vn.
“Lâu nay, tôi muốn có các thông tin quy hoạch của một lô đất như chức năng sử dụng đất, diện tích, tình trạng quy hoạch thì phải sao y giấy đỏ và bản đồ hiện trạng khu đất nộp đến quận, rồi chờ khoảng 10 ngày mới được trả lời. Nhưng giờ tôi có thể vào địa chỉ http://ttqh-thuduc.tphcm.gov.vn và điền các thông tin về tọa độ, số thửa - số tờ bản đồ của thửa đất là lập tức có ngay các thông tin quy hoạch”, ông Nguyễn Hữu Nhân, chuyên làm dịch vụ thủ tục và môi giới bất động sản hiện ở phường Bình Thọ, cho biết.
Theo ông Nhân, các thông tin về quy hoạch của khu đất gắn liền với quyền lợi của người sử dụng đất và có ý nghĩa đặc biệt đối với những người có nhu cầu mua đất. “Tôi từng tư vấn xử lý một trường hợp người mua đất không nắm rõ thông tin quy hoạch và kết cục phải ôm “trái đắng”. Số là anh ta nghe giới thiệu về một thửa đất hơn 200m² ở phường Tam Phú, sẽ thành mặt tiền khi Nhà nước làm tuyến đường Vành đai 2 nối từ nút giao Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng. Nhưng sau khi mua đất, quận thông báo sẽ giải tỏa trắng phần đất anh ta vừa đầu tư. Theo đơn giá bồi thường quận đang lấy ý kiến thì tiền bồi thường anh ta sẽ nhận được dự kiến chỉ bằng 1/3 so với số tiền anh ta bỏ ra mua miếng đất ấy”, ông Nhân kể.
Anh Vũ Chí Kiên cho biết, việc công khai quy hoạch để người dân tiếp cận thông tin sẽ hạn chế đến mức tối đa những tình huống trên. Theo đó, khi người dân truy cập vào địa chỉ trang web nêu trên sẽ biết chính xác thông tin quy hoạch, biết có được xây dựng trên thửa đất đó hay không. Ngoài ra, khi người dân vào mục “Cấp chứng chỉ quy hoạch”, chụp ảnh sổ đỏ cùng bản đồ hiện trạng vị trí nhà, đất tải lên và gửi thì hồ sơ sẽ được chuyển đến UBND quận. Đồng thời, quận cũng thông báo cho người dân biết thời hạn giải quyết hồ sơ trong vòng 7 ngày. “Như vậy, người dân ngồi nhà chỉ cần vài thao tác là có thể nộp hồ sơ và được cấp chứng chỉ quy hoạch phục vụ cho các giao dịch mua, bán nhà đất hoặc thế chấp ngân hàng”, ông Kiên chia sẻ.
Bấm chuột tra cứu thông tin quy hoạch ảnh 1 Anh Vũ Chí Kiên hướng dẫn thao tác tra cứu  thông tin quy hoạch trên mạng
 Mở rộng, áp dụng toàn TPHCM
Theo anh Vũ Chí Kiên, sau một thời gian thí điểm, số lượng người dân truy cập trang web http://ttqh-thuduc.tphcm.gov.vn tăng mạnh. Cụ thể, những ngày đầu thí điểm chỉ có 10 - 15 người sử dụng, đến nay con số này tăng lên hơn 10 lần. Quận đang tập trung mở rộng ra ở tất cả các phường.
“Chúng tôi đang phấn đấu trong tuần tới sẽ triển khai thêm ở 2 phường Linh Đông và Tam Phú; đến tháng 9-2017 sẽ triển khai ở 4 phường còn lại. Quận cũng làm việc với đơn vị tư vấn để xây dựng một phần mềm tra cứu thông tin quy hoạch trên điện thoại thông minh”, anh Kiên nói thêm. Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, bổ sung: Quận sẽ cập nhật nhiều tính năng như cung cấp thông tin thửa đất có tranh chấp, đang được thi hành án hay đang thế chấp ngân hàng… để công khai cho người dân.

Cán bộ, người dân đều khỏe

“Hàng năm, quận Thủ Đức tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ cung cấp thông tin quy hoạch; tính ra, cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận phải mất khoảng 2.500 giờ làm việc để giải quyết các đề nghị của người dân. Với phần mềm hiện nay, việc nhập liệu thông tin đầu vào (thông qua tọa độ thửa đất) và trích xuất dữ liệu, in phiếu thông tin chỉ mất từ 15 - 20 phút/hồ sơ. Còn làm theo theo cách cũ phải mất 160 - 180 phút/hồ sơ. Vì vậy, một khi người dân tin tưởng, sử dụng phần mềm này thì số lượng hồ sơ đề nghị cung cấp thông tin quy hoạch bằng văn bản sẽ giảm, các chuyên viên của phòng sẽ có nhiều thời gian hơn để giải quyết các công việc khác cho người dân. Ngoài ra, phần mềm này còn giúp lãnh đạo phòng và người dân theo dõi được tiến độ giải quyết công việc nên tránh được tình trạng trễ hẹn”, anh Vũ Chí Kiên cho biết.
Quy hoạch sử dụng đất theo đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000 ở TPHCM, đã phê duyệt xong và phủ kín toàn TP. Tuy nhiên, việc công khai thông tin đang gặp nhiều bất cập và người dân có nhu cầu khá khó khăn để tiếp cận. Trong khi đó, TPHCM đang hướng đến cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến, giảm dần số lượng người dân đến cơ quan công quyền giao dịch. Mặc khác, vừa qua tình trạng sốt giá đất diễn ra trên diện rộng ở TPHCM cũng có nguyên nhân xuất phát từ các thông tin mập mờ. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải công khai toàn bộ quy hoạch cho doanh nghiệp và người dân.
“Cơn sốt đất vừa xảy ra ở TPHCM đã được xử lý khá nhanh và tình hình mau chóng ổn định trở lại. Đây là một bài học về tính công khai minh bạch thông tin quy hoạch. Đến tháng 12-2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải hoàn tất phần mềm tra cứu tình trạng đất đai, để người dân có nhu cầu thì chỉ cần dùng điện thoại thông minh là biết được tình trạng thửa đất, tránh các thông tin mù mờ và hạn chế được nguy cơ bị lừa, bị thổi giá khi giao dịch nhà đất”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục