Băn khoăn về các môn học trong chương trình phổ thông mới

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đã được Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến rộng rãi toàn xã hội đến trước ngày 29-4. Trước đó, tháng 8-2015, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình tổng thể để lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều ý kiến băn khoăn về dự thảo lần này ở nhiều vấn đề, trong đó có các môn học.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đã được Bộ GD-ĐT tổ chức lấy ý kiến rộng rãi toàn xã hội đến trước ngày 29-4. Trước đó, tháng 8-2015, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Chương trình tổng thể để lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều ý kiến băn khoăn về dự thảo lần này ở nhiều vấn đề, trong đó có các môn học.

Chương trình lần này có điểm khác biệt là tích hợp tiểu học và THCS, phân hóa và tự chọn ở THPT. Cụ thể, hệ thống các môn học của chương trình GDPT được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Ở THPT, dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Với lớp 11 và lớp 12, các môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học tự chọn bắt buộc, học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập. Các môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Băn khoăn về các môn học trong chương trình phổ thông mới ảnh 1 

Theo kế hoạch, đến tháng 9 này, toàn bộ chương trình GDPT, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học sẽ được ban hành.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT), về các môn học bắt buộc ở lớp 11, 12, không rõ dự thảo dựa trên cơ sở nào để đưa ra các môn học bắt buộc bao gồm Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. “Theo tôi, Giáo dục quốc phòng và an ninh tuy rất quan trọng nhưng nên tập trung thực hiện trong phạm vi nghĩa vụ quân sự, như vậy sẽ hiệu quả, chất lượng hơn. Giáo dục thể chất nên dành cho các hoạt động câu lạc bộ phù hợp với sở thích và năng khiếu từng cá nhân. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cần được coi là hoạt động nhất thiết phải có trong từng môn học. Vì vậy, tôi không nhất trí cách xác định các môn học bắt buộc như dự thảo”, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến thẳng thắn bày tỏ và cho biết, hiện nay chương trình GDPT trên thế giới thường có bổ sung một số môn học mới, cụ thể là môn khoa học về trái đất và môi trường, môn tài chính. “Đây là 2 môn học cần xem xét để đưa vào chương trình GDPT nước ta, đặt biệt ở THCS và THPT vì phù hợp với thực tiễn hiện nay”, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất.

Với các môn học mới, GS Nguyễn Lân Dũng cũng bày tỏ hoài nghi về hiệu quả, nhất là các môn học sẽ được tích hợp. Cụ thể, ông hoài nghi hiệu quả thực sự của 2 môn học Giáo dục lối sống (tiểu học) và Giáo dục công dân (THCS). “Chưa hiểu các thầy cô sẽ dạy những gì? Nếu vẫn theo cách cũ thì liệu 2 môn này có thực hiện được trách nhiệm giáo dục nhân cách, đạo đức, lý tưởng, lối sống cho thế hệ trẻ không”, GS Nguyễn Lân Dũng đặt vấn đề. Vẫn theo GS Nguyễn Lân Dũng, ông tin tưởng hiệu quả của các môn học: cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên ở bậc tiểu học. Bởi nó phù hợp với trẻ em bậc tiểu học. Nhưng ông lại thiếu niềm tin với các môn học công nghệ, hướng nghiệp ở THCS cũng như môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, bởi đó là những nội dung khó, Việt Nam chưa có kinh nghiệm giảng dạy và đào tạo. “Bao giờ mới có SGK đáng tin cậy cho các môn này? Liệu nội dung nông nghiệp công nghệ cao sẽ được giảng dạy ra sao khi mà thời điểm năm 2018 đã cận kề” - GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra những lo lắng và đề nghị Tổng chủ biên chương trình GDPT mới lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân. Tương tự, GS Nguyễn Cương, Phó Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam đề nghị giảm số giờ Hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở THCS từ 105 tiết xuống còn 70 tiết, lý do đây là hoạt động mới cần được khuyến khích nhưng nội dung không dễ, giáo viên lại chưa có kinh nghiệm nên chỉ để số giờ cho hoạt động này bằng với số giờ ở THPT.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Vũ Dương Thụy (Hội Giảng dạy toán học phổ thông), dự thảo lần này có bước đổi mới rất căn bản, phù hợp với xu thế chung cũng như yêu cầu thực tiễn cửa Việt Nam bằng cách chia ra các môn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa, tự chọn và tự chọn bắt buộc. Rõ nhất là các môn bắt buộc ở lớp 11, 12 cũng như bắt buộc tiếng Anh là môn bắt buộc có thể dạy từ lớp 1. “Sự thay đổi này sẽ được xã hội đồng tình”, PGS-TS Vũ Dương Thụy nói.

Bộ GD-ĐT cho biết, theo kế hoạch, đến tháng 9 này, toàn bộ chương trình GDPT, bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học sẽ được ban hành. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới. Có khả năng bộ sẽ thực hiện đúng tiến độ Quốc hội đã đề ra: đầu năm học 2018 - 2019 sẽ triển khai chương trình mới và toàn bộ việc triển khai chương trình mới sẽ hoàn thành vào năm học 2022 - 2023. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, dù phải bắt kịp tiến độ, nhưng yêu cầu bảo đảm chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu chương trình, SGK bảo đảm chất lượng, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở được chuẩn bị tốt, cơ sở vật chất của các trường đáp ứng được yêu cầu, ít nhất là đối với lớp 1, thì công việc sẽ được triển khai. Nhưng nếu không bảo đảm chắc những điều kiện tối thiểu nói trên thì phải báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục