Băn khoăn về “vùng giao thoa” trong trách nhiệm quản lý

Sáng 23-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

 

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu ý kiến
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu ý kiến
“Một cửa ba khóa cồng kềnh mà vẫn chưa chắc”!

Thảo luận về Luật An ninh mạng, nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm đến quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cho người dùng ở Việt Nam thì cần phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam.

Nói về sự cần thiết của Luật An ninh mạng, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) lập luận: “Vì sao trong môi trường xã hội, chúng ta đã có Bộ luật Hình sự để đấu tranh phòng chống các loại tội phạm rồi mà vẫn xây dựng thêm các luật chuyên ngành như: Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người? Đó là vì phạm vi điều chỉnh của các luật này hoàn toàn khác nhau. Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin nhưng mang mục đích chung nhất tính nguyên vẹn của thông tin, tính bảo vệ thông tin và khả dụng thông tin; còn Luật An ninh mạng tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Sau này có thêm những luật chuyên sâu cho môi trường mạng là chuyện bình thường”. Về quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói: “Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải toàn bộ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể. Vấn đề này cũng được các nước như Anh, Mỹ, Canada… yêu cầu các nhà mạng thực hiện”. 

Tuy nhiên, sử dụng quyền tranh luận, ĐB Sùng Thìn Cò (Hà Giang) thẳng thắn cho rằng, với nội dung quy định như trong dự thảo, Luật An ninh mạng sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý an toàn thông tin. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng đặt câu hỏi: “Chúng ta đã có 2 luật để bảo vệ an toàn thông tin mạng rồi. Nếu thêm một khóa nữa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một “người khác” giữ chìa thì có chắc hơn không, hay lại cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này”? ĐB Kim Thúy, cùng nhiều ĐB khác như ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Hà Nội) bày tỏ phân vân về yêu cầu buộc doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cho người dùng ở Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam, vì cho rằng quy định này trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

Lưu ý ban soạn thảo về kỹ thuật lập pháp, ĐB Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) đề nghị chuẩn hóa một số khái niệm dễ gây nhầm lẫn cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Theo ĐB Nguyễn Việt Dũng, sự đan xen, rối rắm, trùng giẫm, giao thoa trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý trong 3 luật cùng điều chỉnh về vấn đề này là không hề nhỏ. Giải pháp tốt hơn là tích hợp thành một luật; đồng thời sửa đổi các luật có liên quan… 

Giải quyết tố cáo với người nghỉ hưu để chặn “chuyến tàu vét cuối cùng”

Vấn đề giải quyết tố cáo với người đã nghỉ hưu trong dự thảo Luật Tố cáo được nhiều ĐB thảo luận. Dự thảo luật không quy định giải quyết tố cáo với người đã nghỉ hưu, điều này theo nhiều ĐB là không phù hợp. Thực tế Bộ luật Hình sự cũng đang xử lý cả cán bộ hưu, do đó Luật Tố cáo là luật gốc, phải quy định việc này. Không thể lý giải là Luật Cán bộ công chức chưa quy định xử lý với cán bộ về hưu nên luật này không quy định. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng nên giải quyết tố cáo cả với những người đã nghỉ hưu. Vì khi gần về hưu, nhiều người không vượt được cám dỗ đã có nhiều sai phạm, như báo chí đã gọi là “hội chứng nhiệm kỳ cuối”, “chuyến tàu vét cuối cùng”, “ga cuối cùng”. Vậy tại sao pháp luật lại không điều chỉnh? Nhất là hiện nay, Đảng đã chỉ đạo xử lý cả những người đã về hưu, Luật Phòng chống tham nhũng cũng chỉ rõ điều đó. ĐB Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) cũng cho rằng, khi có tố cáo về sai phạm trong thực hiện công vụ của cán bộ thì dù đương chức hay đã nghỉ hưu đều phải giải quyết, điều này nhằm hạn chế tâm lý “hạ cánh an toàn”. Các ĐB khác cũng cho rằng, Bộ luật Hình sự không phân biệt công chức hay nghỉ hưu, do đó dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) không điều chỉnh giải quyết tố cáo với cán bộ đã về hưu là không hợp lý. 
Một nội dung cũng được nhiều ĐB quan tâm cho ý kiến là hình thức tố cáo quy định trong dự thảo luật. Dự luật quy định 2 hình thức là tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp để xác định rõ trách nhiệm người tố cáo (NTC), tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan. Khi trình luật này ra Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc đưa hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại vào dự luật với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay thì xử lý không kịp, vì phải mất thời gian xác minh. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) và nhiều ĐB khác cùng đề nghị nên chấp thuận cả tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax. Nhiều ĐBQH cho rằng, đang ở thời đại công nghiệp 4.0 thì việc tố cáo qua thư điện tử, tin nhắn… không thể đặt ra bên ngoài luật. Nhưng một số ĐB cho rằng, để giải quyết tố cáo thực sự có hiệu quả, trước mắt chỉ nên tập trung xử lý các tố cáo bằng văn bản và tố cáo trực tiếp.

Về tố cáo nặc danh, dự thảo luật quy định theo hướng không thụ lý giải quyết tố cáo nặc danh, không rõ họ tên địa chỉ NTC nhằm đề cao trách nhiệm của NTC, cũng như hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ; lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số ĐB cho rằng, không nên bỏ qua hình thức tố cáo này. Luật nên quy định khi có tố cáo nặc danh thì cơ quan có chức năng cần xác minh làm rõ, nếu có căn cứ thì nên giải quyết, bởi thực tế hiện nay nhiều NCT vì sợ liên lụy nên không dám ra mặt tố cáo sai phạm. 

ĐB Nguyễn Hữu Cầu và nhiều ĐB khác đều cho rằng, cần có thêm biện pháp để bảo vệ NTC. “Lãnh đạo, cán bộ thì thường khó chịu với NTC. Thực tiễn cho thấy đến các kỳ bầu cử, khi NCT tiến hành tố cáo thì chịu rất nhiều liên lụy, chờ bảo vệ thì “chưa được vạ má đã sưng”, nên luật cần có biện pháp để bảo vệ NTC”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói. ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cũng cho rằng các biện pháp bảo vệ NTC cần rõ hơn. 

Dự thảo luật quy định NTC có các nghĩa vụ “chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình”; “bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra theo quy định của pháp luật”... Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến cho rằng, bên cạnh quy định nghĩa vụ NTC cần bổ sung quy định để khuyến khích người dân, trong đó có hơn 1 triệu cán bộ công chức, viên chức mạnh dạn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là những hành vi tham nhũng. Ông dẫn ra, có một số công chức, viên chức, người dân mạnh dạn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân nhưng tố cáo xong, người bị tố cáo bị xử lý thì NTC cũng bị họ hàng tẩy chay; công chức viên chức là NTC phải xin chuyển công tác. ĐB Mai Sỹ Diễn cũng nêu tình trạng có công chức, viên chức tố cáo đúng nhưng lại bị kiểm điểm, xử lý với lý do biết nội dung vi phạm nhưng trong sinh hoạt hàng tháng không phê bình đồng chí mình để biết sửa chữa, ngăn chặn mà lại đi tố cáo. Từ đó, ĐB cho rằng việc quy trách nhiệm NTC cần “mềm” hơn để NTC mạnh dạn thực hiện quyền của mình. 
 Nghiêm cấm vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được quyết định

Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua sáng 23-11, với tỷ lệ tán thành là 85,74% tổng số ĐBQH. Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của DN. Trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình DN khác. Do đó, không quy định nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi nợ công.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công, dự thảo quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ”. Trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa luật này và Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 thì áp dụng theo quy định của luật này. Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến ĐBQH, luật đã được bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là “vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật”. 

Tin cùng chuyên mục