Bản Rào Tre đã “vượt rào”

50km thành... vài bước chân
Bản Rào Tre đã “vượt rào”

Ngày 8-7-2013 thực sự là mốc đáng nhớ đối với người dân ở xã biên giới Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt với người dân tộc Chứt… Nguyện vọng suốt nhiều năm qua có trạm y tế mới kiên cố, khang trang để khám chữa bệnh tại chỗ, không phải lo “vượt đường rừng” hàng chục cây số ra trung tâm huyện đã được Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và nhà tài trợ giúp trở thành hiện thực.

Trạm xá quân dân y Rào Tre trong ngày khánh thành.

Trạm xá quân dân y Rào Tre trong ngày khánh thành.

50km thành... vài bước chân

Công trình Trạm xá quân dân y Rào Tre được triển khai xây dựng trong hơn 6 tháng, diện tích xây dựng 180m2, diện tích khuôn viên 500m2, diện tích sân 320m2, được thiết kế nhà cấp 4A, móng xây bằng bê tông cốt thép, nền lát gạch hoa, khung cửa gỗ, gồm 4 phòng (1 phòng quân y, 1 phòng khám và 2 phòng điều trị), với tổng kinh phí đầu tư 605 triệu đồng, trong đó Công ty Pepsico Việt Nam tài trợ 500 triệu đồng thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP, Đồn Biên phòng Bản Giàng và địa phương cung ứng nguyên vật liệu, ngày công trị giá 105 triệu đồng.

Xã Hương Liên, huyện Hương Khê là một trong những địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh với địa hình rừng núi cao, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ từ 1967-1970, địa bàn xã Hương Liên là điểm đóng binh trạm 14 của Bộ đội Trường Sơn Đoàn 559, có tuyến đường chiến lược huyết mạch để bộ đội hành quân, vận chuyển vũ khí, lương thực vào chiến trường miền Nam.

Diện tích tự nhiên của xã Hương Liên có 5.400ha, với 640 hộ dân, 2.480 nhân khẩu (thu nhập bình quân chung hơn 9,6 triệu đồng/năm). Đặc biệt, trong đó có bản Rào Tre 33 hộ với 132 nhân khẩu đồng bào dân tộc Chứt sinh sống - một tộc người mới được vận động định cư gần đây của địa phương (trước đây dân tộc Chứt được người Pháp gọi là Xá lá vàng - từ dùng để chỉ một dân tộc lạc hậu, sống hoang dã, tách biệt trong rừng, sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm qua ngày, ngủ trong hang đá, có nguy cơ tuyệt chủng do hôn nhân cận huyết…). Do đặc điểm điều kiện địa lý xa xôi, nhất là vào mùa mưa thường bị nước lũ chia cắt, cô lập (từ bản Rào Tre ra đến trung tâm huyện Hương Khê hơn 50km đường rừng), việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân chủ yếu dựa vào lực lượng quân y sĩ của tổ công tác cắm bản thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng. Nhưng địa điểm khám chữa bệnh là một căn phòng cấp 4 chật chội (18m²), trong lúc nhu cầu khám, chữa bệnh và cấp thuốc của bà con ngày càng cao (20 - 30 lượt/ngày, vừa khám vừa xin ở lại điều trị). Chính vì vậy, việc khánh thành Trạm quân dân y Rào Tre để người dân được khám, chữa bệnh tại chỗ có ý nghĩa vô cùng cấp thiết.

Người dân bản Rào Tre vui mừng khi bản có trạm xá mới.

Người dân bản Rào Tre vui mừng khi bản có trạm xá mới.

Điểm sáng biên giới

Hôm diễn ra lễ khánh thành, Hồ Thị Tịnh, Hồ Thị Khiên, Hồ Phong, Hồ Bồng… người dân tộc Chứt cùng với nhiều người dân ở xã Hương Liên dậy sớm hơn mọi ngày, mặc quần áo sạch đẹp, tập trung về trước sân trạm xá để chứng kiến lễ bàn giao công trình từ Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP và nhà tài trợ. “Có được trạm xá này về bản mình thì mọi bệnh tật từ bữa ni cũng không lo chi nữa mô, không phải băng rừng ra tận huyện Hương Khê. Hôm nay bà con dân bản thấy trong cái bụng rất vui, được cán bộ cho ăn no, được mặc áo ấm, nay lại được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, không còn gì phàn nàn nữa, rứa là mãn nguyện rồi, vui lắm…”, bà Hồ Thị Tịnh tâm sự.

Trung tá Phan Trọng Nhân, Bí thư Đảng ủy - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bản Giàng, đơn vị trực tiếp thi công, quản lý công trình Trạm xá Rào Tre cho biết, sau khi trạm khánh thành và đưa vào hoạt động, nơi đây sẽ trở thành trung tâm thu hút nhiều người dân không chỉ riêng xã Hương Liên, mà còn mở rộng cả ở xã Hương Lâm đến khám chữa bệnh. Với điều kiện các phòng điều trị, nơi ăn ở tại chỗ, nơi sinh hoạt… thoáng đãng rộng rãi, sạch đẹp, tiện nghi rất thuận lợi đảm bảo phục vụ sức khỏe hiệu quả cho dân mình tốt hơn.

Trao đổi với Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Đình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hương Liên, cho biết, trạm xá quân dân y Rào Tre là một công trình hết sức có ý nghĩa với địa bàn biên phòng biên giới, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của bà con. Có trạm xá, sẽ góp phần đảm bảo an ninh biên giới, giúp xóa đói giảm nghèo, bà con ổn định sức khỏe, đảm bảo cuộc sống lao động sản xuất. Nếu như trước đây khi bệnh nặng phải đưa đi bệnh viện tuyến trên, nhưng nay bà con không còn lo phải đi xa, không còn nghe theo cách chữa bệnh mê tín từ thầy mo. Xã và bà con biết ơn Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP, nhà tài trợ và xin hứa sẽ phát huy hiệu quả công trình, đảm bảo phục vụ khám chữa bệnh cho bà con tốt nhất…

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục