Chế độ hoạn quan ở Việt Nam có từ khi nào?

Hỏi

Hỏi: Chế độ hoạn quan ở nước ta được thiết lập dưới triều đại nào? Ngoài Lý Thường Kiệt, lịch sử ghi nhận những hoạn quan nào đã có công trạng và giữ những chức vụ cao trong triều đình?
Hoàng Đình Quỹ (Thôn Thọ Lộc, Huế)

Khánh Tường: Chế độ hoạn quan ở nước ta được thiết lập từ triều Lý (1009-1225). Trước Lý Thường  Kiệt (1019 - 1105) có Lý Nhân Nghĩa là người đã giúp cho Lý Thái Tông giữ vững ngôi vua sau khi Lý Thái Tổ băng hà.

Lý Thường Kiệt, có vợ là Thuần Khanh, năm 23 tuổi sung chức Hoàng môn chỉ hậu là một chức hoạn quan. Em ông là Thường Hiếu cũng là một hoạn quan. Lý Thường Kiệt là danh tướng triều Lý, có Công trong việc đánh Tống, giữ gìn độc lập cho Tổ quốc. Bài Nam quốc sơn hà (1077) do ông sáng tác được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên.

Đời Trần, có hoạn quan Phạm Ứng Mộng làm quan đến chức Hành Khiển.

Đời Lê có Lương Đăng. Thời Trịnh Nguyễn có Hoàng Công Phu, Phạm Huy Đỉnh và nổi tiếng hơn cả là Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776). Phúc là một vị tướng lỗi lạc, lập nhiều chiến công, chết được truy tặng là Thượng đẳng thần.

Đến triều Nguyễn, hoạn quan có nhiều công trạng là Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), quê quán Quảng Ngãi, làm Thái giám nội dinh từ thời Nguyễn Ánh chưa lên ngôi vua. Lê Văn Duyệt hai lần giữ chức Tổng trấn Gia Định thành (1812 – 1816 và 1820 – 1832). Ông là một nhà ngoại giao khôn khéo, một nhà chính trị xuất sắc.

Lăng Ông là phần mộ của Lê Văn Duyệt ở Gia Định, cho đến ngày nay vẫn khói hương nghi ngút. Sau khi vua Khải Định băng hà (1925) triều đình không còn tuyển thái giám ở Huế, ngôi chùa Từ Hiếu là nơi an dưỡng và thờ các hoạn quan cuối cùng của chế độ phong kiến sau khi họ qua đời.

Tin cùng chuyên mục