Đề nghị giải thích về địa danh " Cầu Hai "

Hỏi:

Hỏi: Trên quốc lộ I, đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Lộc có thị trấn tên Cầu Hai mà chẳng thấy cây cầu nào. Đề nghị quý báo giải thích về địa danh này.

Châu Anh (Huỳnh Thúc Kháng, Huế)

Người ta biết nhiều đến địa danh Cầu Hai vì từ thị trấn này có đường tỉnh lộ 593 dẫn lên núi Bạch Mã, một địa điểm nghỉ mát, an dưỡng nổi tiếng.

Nguyên địa danh này là Cao Đôi.  Cao Đôi là núi “ở phía Nam huyện Phú Lộc, thế núi liên tiếp cao dốc”.  Ở phía Tây lại có núi Ứng Đôi, là ngọn núi cao nhất của kinh kỳ (Đại Nam nhất thống chí).  Người địa phương gọi hai ngọn núi này là núi Ông, núi Bà. Sau này, vì kiêng tên Hiếu Triết Hoàng hậu, vợ của chúa Nguyễn Phúc Tần (Thái tông Hiếu Triết) là Tống Thị Đôi (quê huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, con của quận công Tống Phúc Khang) nên Cao Đôi được gọi là Cao Hai.
Theo thời gian, địa danh Cao Hai bị gọi chệch thành Cầu Hai.

Việc cữ tên (kỵ húy) các vua chúa thì nhiều người biết như Hoàng (Huỳnh), Nguyên (Ngươn), Tông (Tôn), Thì (Thời)… nhưng cữ tên các bà vợ của vua chúa thì ít người biết.  Chúng tôi thử liệt kê các từ mà vì cữ tên các bà mà được gọi trại ra như Mai (Mơi), Lĩnh (Lãnh), Quyền (Quờn), Hoàn (Hườn), Thật (Thực)…. (Mai là Nguyễn Thị Mai, vợ của Nguyễn Kim; Lĩnh là Tống Thị Lĩnh, vợ của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần; Quyền là Hồ Thị Quyền, vợ của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu; Hoàn là Nguyễn Thị Hoàn, vợ của Nguyễn Phúc Luân, mẹ của Gia Long; Thật là Hồ Thị Hoa, còn có tên là Thật, vợ vua Minh Mệnh, mẹ của vua Thiệu Trị…

KHÁNH TƯỜNG
Đầm Cầu Hai - Huế

Tin cùng chuyên mục