Dựa vào đâu người ta đặt tên thường lấy chữ lót cho con gái là “Thị”, con trai là “Văn”?

Hỏi:

Hỏi: Dựa vào đâu người ta đặt tên thường lấy chữ lót cho con gái là “Thị”, con trai là “Văn”?
Huỳnh Văn Sen (CS 113, tỉnh Đồng Tháp).

NGHÊ DŨ LAN: Phân biệt giới tính của trẻ, người Việt thường đệm (lót) tên con trai chữ Văn, con gái chữ Thị. Đến nay, hầu như chưa ai giải thích “bài bản” việc này. Sau đây chỉ là một tham khảo rất cần được bổ chính.

VĂN hàm ý chữ nghĩa, học vấn, hay và đẹp, … (như: văn từ, văn chương, văn vẻ, văn minh, văn hóa, văn hoa bóng bẩy…). Với nghĩa này, khi Chu An (1292-1370) tạ thế, vua Trần ban tên thụy Văn Trinh. Đời sau gọi Chu Văn An vì lầm tưởng tên ông lót chữ Văn. Xưa kia chỉ con trai mới đi học và được đi thi, nên lót tên phái nam là Văn âu cũng hợp lẽ.

THỊ nguyên là họ. Sách Lĩnh Nam chích quái mở đầu với truyện “Hồng Bàng thị” nghĩa là họ Hồng Bàng. Phụ nữ Việt xưa thường không được nêu tên riêng, dùng thị kèm sau họ cha để gọi cô gái trưởng thành.

Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) có nàng Tô thị, nghĩa là cô gái con ông họ Tô. Đến lúc nào đó cách gọi này kèm thêm tên riêng cô gái: Đoàn thị Điểm tức là cô Điểm con ông họ Đoàn. Có lẽ vì thế, khoảng 50 năm trước quy ước viết tên người không buộc viết hoa văn và thị.

Theo thời gian, cách hiểu cũ phôi pha, thị được xem là thành tố tạo tên phái nữ; đẻ con gái, làm khai sinh đặt tên Phan thị Mão, quên rằng xưa kia thị chỉ dùng lúc cô đã trưởng thành. Nay quy ước buộc viết hoa Trương Thị Giáp thì coi như “hợp thức hóa” cách hiểu thị là thành tố tạo tên phái nữ.

Tuy mượn chữ Hán đặt tên, người Việt dùng Văn và Thị không giống người Hoa. Singapore có diễn viên điện ảnh Phạm Văn Phương (Fann Wong ), mới nghe tên dễ lầm là đàn ông!

Tin cùng chuyên mục