Hòn Phụ Tử có vào thời nào?

HỎI:
Hòn Phụ Tử có vào thời nào?

HỎI: Nhờ quý báo cho biết nguyên nhân hòn Phụ Tử gãy đổ. Hòn Phụ Tử có vào thời nào? Tại sao gọi là “Phụ Tử”? Tên đó do ai đặt?

TRẦN HỮU CHÁNH
(95 Huỳnh Thúc Kháng, Ninh Kiều, Cần Thơ)

Hòn Phụ Tử có vào thời nào? ảnh 1

NGHÊ DŨ LAN: Khoảng 3 giờ 45 phút sáng 9-8-2006, sau một trận mưa kèm gió giật dữ dội, tại Khu du lịch Chùa Hang thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang (KG), hòn Phụ cao 33,6m gãy ngang và phần trên khoảng 20m đổ xuống biển, sót lại phần dưới khoảng hơn 13m. Giờ đây, hình dáng hòn Phụ Tử đã bị đảo ngược, “cha” xưa trở thành “con” và “con” xưa thì nay thành “cha” (ảnh). Nghĩ cũng trớ trêu!

Cổ kim không hiếm chuyện thiên nhiên thay đổi địa hình; người xưa bảo đó là hiện tượng “biển xanh hóa thành ruộng dâu” (thương hải biến vi tang điền). Theo công văn ngày 11-8 của Cục Di sản (Bộ VH-TT), hòn Phụ bị gãy do môi trường tự nhiên khắc nghiệt và phức tạp, thường xuyên phải chịu những tác động của nước biển, gió bão. Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh KG nói: “Qua khảo sát bước đầu, có thể thấy rằng do bị nước biển xâm thực mạnh và hiện tượng phong hóa của đá vôi, phía dưới chân của hòn bị bào mòn”  (sggp.org.vn/…11-8-2006).

Hòn Phụ Tử đã có từ hàng ngàn năm. Đại Nam nhất thống chí (thế kỷ XIX) của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về tỉnh Hà Tiên, mục “Sơn xuyên chí”, miêu tả ở vịnh Nam Hải (tức vịnh Thái Lan), huyện Hà Châu có hai hòn núi đứng đối nhau (song phong đối trĩ), tre mọc xanh tốt, xum xuê, nên gọi là đảo tre ngoài (ngoại trúc dữ). Có lẽ đấy chính là hòn Phụ Tử.

Theo truyền thuyết, biển này xưa có con thuồng luồng hay đánh đắm thuyền, ăn thịt ngư dân. Bên chân An Hải Sơn, cạnh chùa Hang có ông dân chài tẩm thuốc độc vào thân, ra biển tự làm mồi. Thuồng luồng cắn đứt đầu ông, trúng độc mà chết. Con trai tìm cha, ôm xác cha cụt đầu khóc thảm, ngấm thuốc độc, cũng lăn ra chết. Sau mấy ngày giông bão, nơi họ bỏ mình mọc lên hai hòn núi đá vôi. Dân gian gọi hòn lớn là Phụ (cha), hòn nhỏ là Tử (con).

Tin cùng chuyên mục