Báo động: Tai họa từ những công trình xây dựng kế bên

Báo động: Tai họa từ những công trình xây dựng kế bên

Sau vụ sập tòa nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ do thi công tầng hầm cao ốc Pacific, hàng chục bạn đọc đã gọi điện đến Báo SGGP phản ánh về những lo âu, thấp thỏm khi phải sống trong những căn nhà lún nghiêng, chờ sập do công trình xây dựng nhà kế bên gây ra…

Phập phồng lo... nhà sập

Ông Trần Sơn Tây Casimir (chủ hộ nhà số 14A Phan Tôn, P. Đa Kao Q1 TPHCM) phản ánh rằng: Trong khi thi công xây dựng móng, tầng hầm cao ốc văn phòng có quy mô 1 hầm, trệt, lửng và 8 lầu số 14 Phan Tôn do Công ty TNHH Hà Xuân Thành làm chủ đầu tư, đơn vị thi công đã làm nứt nhà của ông.

Bức tường nhà phụ của ông bị nứt dọc ngang rộng 6 - 10cm, gần như tách khỏi nhà chính. Chân móng nhà phụ có khả năng bị sạt lở cao, tường bao quanh bị nứt, kết cấu đà dầm mất ổn định đang có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Thấy nguy hiểm nên ngày 30-5-2007, UBND phường đã tiến hành lập biên bản đình chỉ xây dựng chờ giải quyết sự cố.

Báo động: Tai họa từ những công trình xây dựng kế bên ảnh 1

Căn nhà số 14A Phan Tôn bị nhà kế bên xây dựng gây lún nứt

Tương tự, ông Nguyễn Bình Thuận (chủ nhà số 48/16 Hồ Biểu Chánh P11 Q. Phú Nhuận) cũng đau đầu vì căn nhà của mình cũng bị lún, nứt nghiêm trọng do công trình xây dựng ở kế bên gây ra.

Ngày 13-6-2007, Đội QLTTĐT Q. Phú Nhuận đến kiểm tra ghi nhận nhà số 48/16 bị nứt đà bê tông cốt thép khiến tấm sàn bê tông lầu 1 bị nghiêng lún, cửa ra vào không đóng được, nhà bị thấm dột làm hư hỏng nhiều đồ dùng quan trọng. Căn nhà này cũng có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào. Sau khi ông Thuận khiếu nại, đơn vị thi công có đưa công nhân qua trám trét lại các vết nứt, thay gạch nhưng sau đó, các vết nứt khác lại xuất hiện và căn nhà của ông hiện bị nghiêng.

Còn ông Nguyễn Hoàng Sự (nhà số 173/25A5 Dương Quảng Hàm P5 Q.Gò Vấp) cũng than rằng vì mải tập trung việc khiếu nại hộ kế bên xây dựng nhà cao tầng làm lún, nứt nhà mình nên ông bỏ bê công việc bị chủ sa thải, mất việc. Đêm đêm nằm ngủ, nghe tiếng răng rắc phát ra từ chỗ tường nứt, gia đình anh phập phồng lo sợ nhà bị sập.

Giải quyết còn chậm...

Sau khi ông Sự báo cáo vụ việc nêu trên cho UBND P5 thì nơi đây trả lời không thể đình chỉ thi công và hướng dẫn ông lên Phòng Quản lý đô thị Q.Gò Vấp. Đến liên hệ Phòng QLĐT quận thì nơi đây bảo ông nộp đơn khởi kiện ra tòa. Ông Thuận cũng cho chúng tôi biết, để có được giấy đình chỉ thi công căn hộ kế bên, ông tốn khá nhiều công sức. Ông từng làm đơn khiếu nại gởi đi nhiều cơ quan ban ngành để yêu cầu giải quyết.

Nhưng đến ngày 6-9-2007, ông Phạm Công Nghĩa - Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận mới giao Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận trình UBND quận ký quyết định tạm đình chỉ thi công nhà số 48/16A Hồ Biểu Chánh cho đến khi các bên có liên quan đạt được sự thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Thuận, sự việc khiếu nại đình chỉ xây dựng mới chỉ là bước đầu, không biết còn bao nhiêu trở ngại phía trước để gia đình ông có được cuộc sống yên bình như xưa trong căn nhà của mình.

Báo động: Tai họa từ những công trình xây dựng kế bên ảnh 2

Đơn vị thi công dùng giàn giáo chống đỡ để nhà khỏi sập. Ảnh: SONG PHA

Nhìn lại, dễ thấy các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhưng thiếu kiểm tra, bỏ mặc cho chủ đầu tư xây dựng “tự tung tự tác”. Khi có tranh chấp, khiếu nại, ảnh hưởng đến tính mạng người dân thì cơ quan có thẩm quyền lại đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí để cho các bên tự giải quyết.

Ông Sự cho biết, việc chính quyền làm lơ cho chủ hộ kế bên nhà của ông tự ý chống nghiêng nhà cao tầng, vừa nguy hiểm lại vừa xóa tang chứng, vật chứng, gây khó khăn cho việc xét xử, kiểm định xây dựng tìm ra nguyên nhân khi tòa án có yêu cầu. Nhiều lần ông có đơn kiến nghị, nhưng đến nay Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp vẫn chưa có lệnh đình chỉ thi công.

Tai họa từ những công trình xây dựng do nhà kế bên gây ra, thường giải quyết kéo dài chỉ vì chủ đầu tư thiếu thiện chí. Điển hình như trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Hưng ở 32-34 Ưu Long P11 Q8. Bà đã gần 80 tuổi, đi khiếu nại hộ kế bên (30 Ưu Long) xây dựng làm nứt nhà và lấn chiếm đất đã gần 10 năm qua mà sự việc vẫn chưa đi đến đâu.

Chủ đầu tư cứ trả giá từng đồng như thể bà Hưng đang làm tiền. Trong khi bà Hưng cho biết, bà chỉ cần một lời xin lỗi và yêu cầu chủ đầu tư trả lại hiện trạng nhà như xưa theo kiểm định của cơ quan chức năng. Đến nay bà vẫn tiếp tục khăn gói đi tìm công lý…

Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, từ đầu năm 2007 đến nay, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 6 vụ làm sập 11 căn nhà liên quan đến xây dựng, 2 người chết, 8 người bị thương… Một trong những nguyên nhân đó là do quy trình giải quyết khiếu nại chậm và kéo dài, gây thiệt hại cho người dân. Giải quyết tranh chấp từ những vụ việc nêu trên như thế nào để tránh các thiệt hại không đáng có đang là câu hỏi chờ các ban ngành giải quyết. 

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục