Trích lục giấy khai sinh: Hành trình gian nan

Trích lục giấy khai sinh: Hành trình gian nan

Nhà nước đã ban hành chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được cấp giấy khai sinh hợp pháp, hợp lệ, kể cả đối với những người không cha không mẹ, chưa hề có giấy khai sinh cũng được cấp giấy khai sinh. Vậy mà trong thực tế, nhiều trường hợp đi xin cấp giấy khai sinh “dở khóc, dở cười”…

Trích lục giấy khai sinh: Hành trình gian nan ảnh 1

Người dân đang chờ đợi làm hộ tịch, giấy khai sinh tại Sở Tư pháp TPHCM. Ảnh: M.Y.

Do cần giấy khai sinh để làm thủ tục thừa kế nhà ở do cha mẹ để lại, nên cả năm anh em tôi đều phải có giấy khai sinh hoặc bản trích lục giấy khai sinh (vì bản sao không có giá trị lâu dài). Sau một thời gian lục tìm lại giấy khai sinh, chúng tôi không tìm đủ giấy khai sinh bản gốc… Thế là hồ sơ làm thủ tục thừa kế của gia đình tôi bị ách lại đúng như phán quyết của cán bộ tư pháp “phải đợi đến khi nào mà tất cả mọi người được hưởng quyền thừa kế có đủ giấy khai sinh mới tiến hành theo trình tự…”.

Vì cha mẹ đang ở độ tuổi “như chuối chín cây” nên chúng tôi vội vã đi xin trích lục giấy khai sinh. Từ đây, tôi gặp phải hành trình gian nan đến không ngờ.

Trước hết, do chúng tôi đều ở lứa tuổi U50, U60 nên theo quy định phải trở về nơi sinh để xin bản trích lục giấy khai sinh. Oái oăm thay, vì hoàn cảnh chiến tranh đâu phải cả 5 anh em cùng sinh ra tại một địa phương. Vì thế kinh phí và điều kiện đi lại hết sức khó khăn, vất vả.

Riêng tôi được sinh ra lớn lên tại Hà Nội nên tôi tranh thủ nghỉ phép về quê xin giấy khai sinh. Những tưởng xin bản trích lục giấy khai sinh dễ dàng (vì tôi đã có bản sao) thế nhưng, do việc tách địa hạt hành chính nên quận này chỉ sang quận kia. Cuối cùng tôi được chỉ đến quận Thanh Xuân (Hà Nội) để trích lục giấy khai sinh.

Tại đây, nhân viên văn phòng tiếp dân trả lời: “Những người sinh từ những năm 1960 trở về trước không trích lục được nữa…!”. Tôi hỏi nguyên nhân thì nhân viên ở đây trả lời gọn lỏn: “Theo quy định của cấp trên!”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy thì phải làm cách nào để giải quyết giấy khai sinh cho một người đang có giấy khai sinh hẳn hoi mà không được cấp bản trích lục?”.

Nhân viên quận thương tình tôi cất công từ miền Nam ra, nên mách nước: “Chị khai rằng đã mất giấy khai sinh và yêu cầu cấp bản mới…”. Để xong chuyện, tôi cũng làm theo chỉ dẫn của nhân viên ở đây, nhưng cuối cùng cũng không được cấp. Theo giấy hẹn, 5 ngày sau tôi chỉ được thông báo rằng đã mất giấy khai sinh thì về nơi thường trú xin cấp giấy mới (?!).

Chuyện của tôi chưa khổ bằng hai người em sinh ra tại hai tỉnh Phú Thọ và Hà Bắc. Mặc dù cả hai người cùng có bản sao giấy khai sinh nhưng vì ngày xưa cha tôi viết chữ bằng bút mực bị mờ nên không được chấp nhận, do đó hai em tôi phải trực tiếp đến tận nơi sinh để xin trích lục giấy khai sinh. Lúc đầu nhân viên ở đây đổ lỗi do tách nhập tỉnh, quận, phường nên không biết địa chỉ nào.

Sau khi tốn công dò hỏi, cuối cùng họ cũng tìm ra cái nơi mình được sinh ra làm người và nộp thủ tục cấp giấy khai sinh. Chưa hết, ông anh tôi do thời gian đi bộ đội đã làm thất lạc giấy khai sinh, do vậy đi đến đâu cũng bị nhân viên lắc đầu từ chối vì “không có cơ sở gì để cấp lại…”.

Chuyện làm giấy khai sinh tưởng đơn giản hóa ra cũng không kém phiền hà, nhiêu khê. Nhiều người cùng cảnh gia đình chúng tôi chua chát: “Người mình rành rành ra đây, giấy tờ đủ cả, nào là thẻ Đảng, CMND, hộ khẩu, bằng lái xe… thế mà nhân viên vẫn không chịu tin, cứ đòi những thứ mà mình thiếu để “hành” nhau chơi.

Đáng lẽ chỉ cần dựa vào một trong từng ấy loại giấy tờ tùy thân là có thể cấp giấy khai sinh được rồi, vậy mà…”. Suy cho cùng, mọi phiền hà nhiêu khê đều bắt nguồn từ yếu tố con người. Đó là từng cán bộ nhân viên các cấp chính quyền. Một khi họ biết vận dụng linh hoạt sáng tạo thì mọi việc sẽ đơn giản, còn ngược lại khi họ cố tình làm khó dân thì dù chủ trương chính sách nhà nước có thông thoáng đến mấy thì người dân vẫn bị hành. 

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục