Bảng quảng cáo che di tích quốc gia

Ngay dưới tấm bảng “Khu di tích Bạch Dinh kính chào quý khách” là bảng hiệu “Danh thắng và các lễ hội” có bề ngang gần 10m, cao khoảng 3m, che chắn gần hết tầng hầm tòa nhà
Bảng biển giới thiệu lễ hội và danh thắng che chắn hết tầng hầm Bạch Dinh
Bảng biển giới thiệu lễ hội và danh thắng che chắn hết tầng hầm Bạch Dinh

Bạch Dinh (tiếng Pháp là Villa Blanche) nằm bên sườn núi Lớn (TP Vũng Tàu) vốn là một pháo đài do hoàng đế Minh Mạng cho xây dựng, nhằm phục vụ hệ thống phòng vệ cửa biển Cần Giờ.

Sau khi chiếm được Đông Dương, thực dân Pháp đã cho xây một tòa biệt thự (khoảng năm 1898-1902) có kiến trúc biệt thự cổ châu Âu cuối thế kỷ 19, để làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương. Đây cũng là nơi chính quyền thực dân từng giam lỏng vị vua yêu nước Thành Thái nên còn có tên gọi Dinh Ông Thượng.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bạch Dinh được giao cho ngành văn hóa - thông tin quản lý và đã được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (năm 1992). Tại Bạch Dinh, hiện vật quý nhất và đáng xem nhất chính là bộ sưu tập gốm sứ được vớt từ con tàu đắm ở hòn Cau (gần Côn Đảo), có từ thời hoàng đế Khang Hy của Trung Quốc. 

Hiện tại, tòa nhà trông thật ảm đạm khi bị nhiều bảng biển quảng cáo các điểm tham quan che chắn xung quanh, làm cho du khách có cảm giác tòa nhà thấp lè tè vì mặt đường bên ngoài khi cải tạo đã được tôn cao so với nền sân cũ. Vừa qua khỏi các bậc thang, đặt chân lên khuôn viên của tòa nhà, du khách đã bị dị ứng bởi các tấm bảng biển to tướng in hình các điểm tham quan ở TP Vũng Tàu và các địa phương trong tỉnh.

Ngay dưới tấm bảng “Khu di tích Bạch Dinh kính chào quý khách” là bảng hiệu “Danh thắng và các lễ hội” có bề ngang gần 10m, cao khoảng 3m, che chắn gần hết tầng hầm tòa nhà. Đi thêm vài bước, khách lại đụng tấm bảng quảng cáo “Một số hình ảnh Vũng Tàu xưa và nay” có kích thước còn to hơn, che khuất toàn bộ tầng hầm có kiến trúc đá của tòa nhà. Rất may là phía mặt trước hướng ra biển của tòa nhà không có biển quảng cáo che chắn, nên khá thoáng. Hỏi thăm thì được biết, các bảng này đã mọc lên từ rất lâu rồi và trải qua nhiều đời giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (nay là Sở Du lịch), và cũng chẳng ai thèm ngó ngàng đến. 

Cùng với việc các di tích kiến trúc cổ luôn bị xuống cấp theo thời gian thì việc ngành du lịch địa phương thờ ơ với việc tôn tạo, bảo vệ di tích đang làm cho sản phẩm du lịch thêm nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, nên khó giữ chân du khách. Điều đó lý giải một phần vì sao số ngày lưu trú của khách ở Vũng Tàu thường ngắn hơn so với một số thành phố du lịch ven biển khác.

Tin cùng chuyên mục