Báo chí nước ngoài: Kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ

Trang mạng Asiaplomacy.com vừa đăng bài phân tích về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của Tiến sĩ Lisa Williams,  nguyên Trưởng nhóm Trợ lý nghị sĩ Hoa Kỳcủa Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Hạ viện Hoa Kỳ 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ Ảnh: LÊ KIÊN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ Ảnh: LÊ KIÊN
Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trang mạng Asiaplomacy.com vừa đăng bài phân tích về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ của Tiến sĩ Lisa Williams, nguyên Trưởng nhóm Trợ lý nghị sĩ Hoa Kỳ của Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Hạ viện Hoa Kỳ với nội dung chỉ ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ kể từ sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. 
Theo tác giả bài báo, quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Việt Nam vào tháng 11-2017 dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã đánh dấu một bước ngoặt mới. Khác với các đời tổng thống Hoa Kỳ kể từ sau khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam năm 1975, Tổng thống Trump sẽ tới Việt Nam ngay trong năm đầu tiên nhậm chức, một động thái quan trọng cho thấy quan hệ với Việt Nam được chính quyền Hoa Kỳ đánh giá cao. Trong thư gửi Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Donald Trump khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và các vấn đề quốc tế, khu vực. Giới lãnh đạo cả hai nước đang rất mong chờ mở rộng mối quan hệ giữa hai bên. 

Theo báo cáo của Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đã tăng hơn 9 lần lên 10,3 tỷ USD trong năm 2016. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam vào năm 2015 là 1,3 tỷ USD vào năm 2015 và FDI của Việt Nam vào Hoa Kỳ là 1 tỷ USD trong năm 2014 (dựa theo dữ liệu sẵn có). Thương mại song phương đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 lên 45,1 tỷ USD vào năm 2015, giúp Việt Nam trở thành nước nhập khẩu hàng may mặc lớn thứ 13 của Hoa Kỳ (sau Trung Quốc), và nguồn máy móc điện tử, giày dép và vật dụng gia đình. Mặc dù tồn tại những thâm hụt thương mại, nhưng Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam sau Trung Quốc. Theo trang thông tin về Nhà Trắng ngày 23-5-2016, “xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng 23% năm 2015”.

Hoa Kỳ có nhiều lý do để củng cố quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng có lý do để đáp lại. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng của Việt Nam trong 30 năm qua được cho là đáng chú ý với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - đầu người trong nhóm nhanh nhất trên thế giới. Tại khu vực châu Á, Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước ASEAN và sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2017. 

Tiến sĩ Lisa Williams nhấn mạnh năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng là những đối tác phù hợp để Hoa Kỳ xây dựng một mối quan hệ ý nghĩa hơn và thiết thực hơn. Với sự tôn trọng dành cho Việt Nam, đây là thời điểm Hoa Kỳ có cái nhìn thực tế về việc giải quyết vấn đề nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam và đây cũng là lúc để hai nước thúc đẩy phát triển quan hệ quốc phòng song phương.

Cùng ngày 29-5, trên trang nhất tờ The Washington Times đã đăng bài bình luận với tựa đề “Chương trình nghị sự tại Nhà Trắng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy hợp tác song phương”. 

Bình luận về chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bài báo nhận định chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng tỏ Việt Nam và Hoa Kỳ đã sẵn sàng tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau cùng các mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực thương mại, giáo dục, an ninh, quốc phòng và hàng hải.  

Bài báo kết thúc với một số khuyến nghị góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đó là: Hoa Kỳ cần thực hiện các bước tiến tới công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam; đảm bảo an ninh an toàn hàng hải, tăng cường các hoạt động chung của hải quân hai nước; tăng cường sự kết nối trên lĩnh vực giáo dục đào tạo giữa các trường đại học Hoa Kỳ và Việt Nam; hợp tác trên lĩnh vực khoa học nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu, nhất là các tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng đồng bằng hạ nguồn sông Mê Công; tiếp tục các hoạt động giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin và rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam.
Ngày 29-5, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump đã đáp xuống sân bay John F.Kennedy.

Ngay trong chiều 29-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với một số doanh nhân thành đạt gốc Việt, trí thức Việt kiều… Trong ngày làm việc thứ hai tại New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp và trao đổi với Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, sau đó dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc.  

Tin cùng chuyên mục