Báo chí Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, khi mà cách thức thông tin, nội dung thông tin, nguồn tin... thay đổi thì vấn đề quản lý báo chí cũng có thay đổi rất mới. Không chỉ quản lý về mặt Nhà nước, mà ngay quản lý ở mỗi tòa soạn báo chí cũng thay đổi với những nhận thức mới để đáp ứng được yêu cầu...
Báo chí Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, khi mà cách thức thông tin, nội dung thông tin, nguồn tin... thay đổi thì vấn đề quản lý báo chí cũng có thay đổi rất mới. Không chỉ quản lý về mặt Nhà nước, mà ngay quản lý ở mỗi tòa soạn báo chí cũng thay đổi với những nhận thức mới để đáp ứng được yêu cầu...

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn

Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn

- Phóng viên: Báo chí Việt Nam thời gian qua có nhiều thay đổi, biến động lớn kể cả về cách thức tác nghiệp, cũng như hoạt động kinh tế báo chí. Thứ trưởng đánh giá về vấn đề đó như thế nào?

>> Thứ trưởng ĐỖ QUÝ DOÃN: Có thể nói rằng, xu hướng chung của báo chí trên thế giới những năm gần đây đã có sự chuyển hướng rất cơ bản. Đó là báo in đang ở trong tình trạng rất khó khăn và từ đó hình thành các tổ hợp, các tòa soạn đa phương tiện với xu hướng báo mạng, báo điện tử phát triển rất mạnh mẽ. Phát triển báo điện tử hiện nay là xu hướng phổ biến trên thế giới, ở Việt Nam cũng vậy. Đó là bước tiến của công nghệ và xu hướng của thời đại mà chúng ta phải chấp nhận, cũng như tham gia vào quá trình đó. Đây cũng không phải là điều quá mới mẻ, mà trong dự báo cũng như xây dựng chiến lược phát triển thông tin truyền thông từ năm 2000, Việt Nam chúng ta cũng đã dự báo điều này. Tuy nhiên, quá trình thay đổi đó, trong mấy năm qua đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Điều đó dẫn đến hoạt động của những cơ quan báo chí Việt Nam, nhất là báo in gặp rất nhiều khó khăn. Đó là số lượng độc giả truyền thống suy giảm, phát hành kém, dẫn đến hoạt động kinh doanh báo in khó khăn hơn trước. Do doanh thu kém, nên sự đầu tư trở lại cho hoạt động báo chí như cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cũng bị sút giảm.

- Với những thay đổi đó, công tác quản lý báo chí hiện nay đã thay đổi so với trước kia như thế nào?

Tất nhiên là phải có những thay đổi để phù hợp với thực tế đang diễn ra. Khi mà cách thức thông tin, nội dung thông tin, nguồn tin... thay đổi thì vấn đề quản lý báo chí cũng phải thay đổi. Không chỉ quản lý về mặt Nhà nước, mà ngay quản lý ở mỗi tòa soạn báo chí cũng thay đổi với những nhận thức mới để đáp ứng yêu cầu. Trước hết, phải thấy rằng, bất cứ sự kiện gì diễn ra cũng cần phải thông tin. Nếu báo chí chúng ta không thông tin với những thông tin chính thống, chắc chắn sẽ có người khác thông tin trên các phương tiện khác. Khi mà báo chí truyền thống thông tin chậm thì những thông tin kia đã phần nào định hình đối với độc giả, lúc đó rất khó thay đổi được nhận thức về thông tin đó, dù đó là thông tin sai, không chính thống. Nói cách khác, vấn đề cung cấp thông tin hiện nay phải hết sức nhanh nhạy, kịp thời, chính xác.

Là cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, Bộ TT-TT đã phối hợp với tất cả các bộ ngành, theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để chủ động cung cấp thông tin chính thống trước các sự kiện, vấn đề lớn của đất nước, cũng như những vụ việc được xã hội quan tâm. Đi kèm đó, là cách thu thập và xử lý thông tin của mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn cũng đòi hỏi phải nhanh hơn, chính xác hơn. Nó đòi hỏi cơ chế hoạt động, kiểm soát thông tin của mỗi tòa soạn, mỗi cơ quan báo chí phải hết sức tinh tường, nhanh nhạy, chặt chẽ để không bị sa vào những thông tin sai lệch, thiếu khách quan, cho dù mới lướt qua thì nó rất hấp dẫn, nóng sốt... Những điều đó đặt ra bài toán là xác định nguồn thông tin phải được thực hiện chặt chẽ, chính xác, trung thực hơn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động báo chí trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay.

Phóng viên ảnh tác nghiệp trong một sự kiện. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phóng viên ảnh tác nghiệp trong một sự kiện. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Thời gian qua, dư luận nói khá nhiều đến vấn đề hoạt động báo chí trên internet. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về hoạt động của những tờ báo điện tử, các trang thông tin điện tử ở Việt Nam hiện nay?

Đúng là thời gian qua có nhiều vấn đề xung quanh hoạt động của một số báo điện tử và những trang thông tin điện tử. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là sự ăn cắp bản quyền báo chí, lợi dụng danh nghĩa báo chí để làm ăn, kinh doanh... Đúng là có một số hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn, bao quát hơn về vấn đề này. Vai trò, vị trí của những tờ báo điện tử và trang thông tin điện tử trong bối cảnh hiện nay rất lớn. Nó truyền thông tin đến độc giả rất nhanh, đa dạng, đáp ứng được hầu như mọi nhu cầu thông tin của độc giả. Tác động của nó rất lớn đến đời sống xã hội hiện nay. Vì thế, cần phải phát huy mặt mạnh đó với những thông tin tích cực, chính thống. Đó là điều mà chúng ta đang làm và sẽ cố gắng làm tốt hơn. Còn mặt trái của nó là do nhận thức nghề nghiệp, ý thức chính trị kém của một số phóng viên, biên tập viên, cố tạo ra những thông tin giật gân, câu khách; từ đó ảnh hưởng đến nhận thức xã hội, người dân. Đây là điểm mà báo chí điện tử cần phải khắc phục nhiều. Đó cũng là tính hai mặt của báo chí điện tử, trang thông tin điện tử hiện nay. Vì thế cần phải tập trung vào mặt tích cực, những thông tin chính thống, phát huy thế mạnh truyền thông của báo chí điện tử, bởi đó là xu hướng chung của cả thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam.

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong thời gian qua đối với những vấn đề lớn của đất nước, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn hiện nay?

Điều này đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước rồi cơ quan quản lý báo chí là Bộ TT-TT nhiều lần khẳng định. Báo chí Việt Nam đã thực hiện đúng và xuyên suốt những chức năng, nhiệm vụ của mình hết sức tốt, góp phần tạo sự đồng thuận của xã hội, cổ vũ người dân tin tưởng vào chế độ, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước khó khăn, nhiều vấn đề đặt ra, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản..., trong đó, vai trò của một số doanh nghiệp nhà nước bị dư luận, xã hội nghi ngờ, rồi cả băn khoăn, lo lắng, báo chí đã bám sát những chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ làm rõ những yếu kém, sai trái ở nhiều doanh nghiệp nhà nước. Báo chí đã phân tích, làm rõ những điều đó, nhưng không vì thế mà phủ nhận vai trò kinh tế nhà nước, vai trò của những doanh nghiệp nhà nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Qua đó, báo chí cũng đã tập trung nói nhiều, làm rõ những biện pháp, giải pháp để khắc phục những yếu kém, hạn chế hiện nay. Đó là những đóng góp hết sức quan trọng của báo chí hiện nay đối với nền kinh tế đất nước, với hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam.

- Ngoài kinh tế, theo Thứ trưởng, còn những vấn đề gì mà vai trò báo chí Việt Nam đã thể hiện nổi bật trong thời gian qua?

Thời gian qua, báo chí Việt Nam cũng đã hết sức coi trọng vấn đề đối ngoại, nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều vấn đề phức tạp, báo chí Việt Nam đã tập trung đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của đất nước hết sức tích cực và hiệu quả. Nhiều chương trình, tác phẩm báo chí về biên giới, biển đảo đã đi vào lòng người, hết sức thuyết phục, lay động độc giả, người xem.

Một vấn đề không thể không nói đến, đó là báo chí đã góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa trong đời sống xã hội Việt Nam. Báo chí đã thu hút và tạo diễn đàn cho nhân dân tham gia vào nhiều sự kiện, hoạt động lớn của đất nước. Như vấn đề góp ý về xây dựng Đảng, đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết sâu sắc của người dân thể hiện trên báo chí. Rồi góp ý sửa đổi Hiến pháp: góp ý vào các dự thảo luật, các chương trình, đề án quốc gia... Chính báo chí đã giúp người dân nói lên những điều đó và thông qua đây đã tập hợp được nhiều ý kiến hay, sâu sắc, có giá trị thực tiễn rất cao; giúp Đảng và Nhà nước hoàn thiện hơn nữa những chủ trương, chính sách, hệ thống pháp luật, để đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững.

TRẦN LƯU (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục