Báo động sạt lở bờ sông

Giữa tháng 8-2013, ĐBSCL bước vào mùa mưa lũ cao điểm. Tình trạng sạt lở bờ sông đã gia tăng đến hồi báo động. Gần như tỉnh nào cũng phát ra thông báo có hàng ngàn hộ dân trong diện “nguy hiểm, cần di dời”. Người dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp (sống dọc sông Tiền và sông Hậu), đến các tuyến sông giáp biển của Cà Mau đều trong tâm trạng nơm nớp lo sợ “bên miệng hà bá”.

Giữa tháng 8-2013, ĐBSCL bước vào mùa mưa lũ cao điểm. Tình trạng sạt lở bờ sông đã gia tăng đến hồi báo động. Gần như tỉnh nào cũng phát ra thông báo có hàng ngàn hộ dân trong diện “nguy hiểm, cần di dời”. Người dân các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp (sống dọc sông Tiền và sông Hậu), đến các tuyến sông giáp biển của Cà Mau đều trong tâm trạng nơm nớp lo sợ “bên miệng hà bá”.

Gần đây nhất, chỉ trong 1 tháng huyện Năm Căn (Cà Mau) xảy ra hơn 10 vụ sạt lở, gây thiệt hại tài sản 1,5 tỷ đồng. Theo cơ quan chức năng, Cà Mau có khoảng 14.000 hộ dân sống dọc các tuyến sông, khu vực nguy hiểm. Trong đó, có hơn 5.000 hộ cần được di dời. Song cũng như nhiều địa phương khác, tỉnh không thể giải quyết chỗ ở mới cho những hộ dân đang sống ở khu vực nguy hiểm ven sông. Đối với các tỉnh đầu nguồn lũ, vừa qua tỉnh đã linh động giải quyết cho những hộ chạy sạt lở vào cụm, tuyến dân cư vượt lũ nhưng số lượng cũng rất hạn chế.

Có thể nói, 2 vụ sạt lở trong 3 năm gần đây tại Cần Thơ được dư luận quan tâm. Đây là 2 công trình cạnh bờ sông. Vụ mới nhất là sạt lở bờ kè sông Cần Thơ tại đoạn kè có chiều dài 56m, gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Trước đó, cầu Trà Niền Cần Thơ bị sạt lở, kéo 5 căn nhà trôi xuống sông Cần Thơ làm 2 người chết.

Lâu nay, các nhà khoa học lý giải nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, kênh rạch phân thành 2 khu vực: các sông chịu ảnh hưởng chủ yếu của thượng nguồn (sông Tiền, sông Hậu) và khu vực các sông kênh rạch chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều. Giải pháp khuyến cáo của các nhà khoa học đưa ra là: thiết lập quy hoạch chỉnh trị cho hệ thống sông kênh rạch ở ĐBSCL. Nghiên cứu ứng dụng các công trình chủ động điều chỉnh phân lưu lượng hợp lý ở các đoạn sông để giảm thiểu sạt lở, nghiên cứu giải pháp hợp lý chống sạt lở các kênh rạch giao thông chính trong vùng.

Tuy nhiên, điều mà người dân gần đây quan tâm là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông do con người gây ra đang gia tăng. Trong đó, việc khai thác cát lậu tràn lan đã làm hàng trăm căn nhà dân trôi xuống sông và đặt hàng ngàn hộ dân sống ven sông vào cảnh nguy hiểm rình rập. Thực tế, vừa qua đã xuất hiện khá “dày” hiện tượng can thiệp, bảo kê, đùn đẩy trách nhiệm liên đới đến các sà lan khai thác cát trái phép. Một số địa phương đã mạnh dạng xử lý cán bộ liên quan đến hành vi “bảo kê” khai thác cát lậu. Nhưng ở đâu đó, các sà lan khai thác cát lậu vẫn hoạt động, phải chăng vẫn còn “bảo kê”, ăn chia?

Sạt lở đang là vấn nạn mỗi năm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng trong vùng, tìm ra giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất là nhu cầu bức xúc. Song các địa phương cũng cần thể hiện trách nhiệm đối với việc triệt phá các sà lan khai thác lậu, các công trình bờ kè để đừng làm “sạt lở” niềm tin đối với nhân dân!

CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục