Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ngày 7-5-2017 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), làm 13 người chết và 33 người bị thương đã tiếp tục báo động khẩn cấp về nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai hôm 7-5-2017
Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai hôm 7-5-2017
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó lái xe bất cẩn vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm họa. 
Qua nghiên cứu các văn bản pháp quy về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, chúng tôi thấy nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ không bị vào điều khoản loại trừ bảo hiểm. Cụ thể, tại Điều 13 Nghị định 103/2008 của Chính phủ (về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới) nêu rõ doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp: hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; lái xe không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có giấy phép lái xe; thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp (như giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại); thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn; chiến tranh, khủng bố, động đất; thiệt hại đối với tài sản đặc biệt (vàng bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt). Bên cạnh đó, Thông tư 126/2008 của Bộ Tài chính (quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới) cũng không chi tiết hóa thêm về các nội dung vi phạm. Đối chiếu với các quy định trên, nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ không thuộc phạm vi bị điều chỉnh không bồi thường thiệt hại. Đó là chưa kể, chủ xe cơ giới thường giao chỉ tiêu khoán khai thác hành khách, hàng hóa, rồi giới hạn về thời gian từ khi nhận hàng đến khi giao hàng, khiến tài xế luôn trong tình trạng phải tăng tốc, tăng chuyến để hoàn thành hợp đồng nhằm nhận thù lao vận chuyển cao.
Chính những kẽ hở này đã khiến các chủ xe cơ giới lạm dụng, tham gia bảo hiểm để vừa đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra phương tiện kinh doanh, vừa có đủ nguồn tài chính chi phí bù đắp tải sản, phương tiện hư hỏng, bồi thường tính mạng người ngồi trên xe và người thứ ba, do được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khi tai nạn xảy ra. Để góp phần hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe cơ giới gây ra, cần bổ sung vào các văn bản pháp quy về điều khoản bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ và hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Khi có quy định như vậy, chắc chắn chủ xe cơ giới sẽ phải thận trong trong việc tuyển chọn tài xế, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động về quản lý, điều khiển phương tiện trong quá trình vận hành kinh doanh, bởi khi tai nạn xảy ra do vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ không được bảo hiểm chi trả, thì thiệt hại của chủ xe sẽ không lường hết được.

Tin cùng chuyên mục