Bạo lực tinh thần trong gia đình

Luật Phòng chống bạo lực gia đình định nghĩa: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Như vậy, luật thừa nhận hành vi gây tổn hại về tinh thần là một trong những hành vi bạo lực gia đình. 
Bạo lực tinh thần là dạng hành vi không sử dụng vũ lực thông thường như đánh đập, hành hạ, hay bất cứ hành vi nào gây tổn thương vật lý đến cơ thể nạn nhân. Loại bạo lực này chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân, kiểm soát hoạt động của nạn nhân, lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy khó nhận diện hơn so với bạo lực thể chất, nhưng hậu quả, di chứng của bạo lực tinh thần lại có thể kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân. 
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 167 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình. Trong đó, các hành vi bạo lực tinh thần sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng, tương ứng với từng hành vi. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu; buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh xúc phạm danh dự, nhân phẩm nạn nhân. Đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh, nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó, có mức phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng.
Trong những trường hợp thực sự nghiêm trọng, người có hành vi bạo lực tinh thần bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống, với mức hình phạt nghiêm khắc hơn như cải tạo không giam giữ (đến 2 năm), phạt tù (mức thấp nhất là 3 tháng, mức cao nhất là 7 năm). 
Nhìn chung, nếu ở mức độ hành chính, các hình thức xử phạt đối với hành vi này không phải là quá cao để đủ mức răn đe. Trong khi đó, bạo lực gia đình liên quan chặt chẽ đến cá nhân và mối quan hệ gia đình riêng tư, nên việc xử lý hành chính bằng phạt tiền hay xin lỗi nạn nhân, thậm chí cả hình phạt tù, không hẳn là phương thức hữu hiệu. Mặt khác, những hậu quả, ảnh hưởng mà nạn bạo lực nói chung và bạo lực tinh thần nói riêng gây ra là vô cùng nghiêm trọng. Pháp luật cần có thêm những quy định chặt chẽ nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực tinh thần trong gia đình.

Tin cùng chuyên mục